Cộng đồng mạng tìm cách “cứu” 6.700 cây xanh Hà Nội
TTO – Liên quan đến thông tin Hà Nội quyết định đốn hạ 6.700 cây xanh, một cuộc vận động “6.700 người vì 6.700 cây xanh” vừa ra đời trên fanpage và được cộng đồng mạng nhiệt tình hưởng ứng.
Cuộc vận động này diễn ra tại địa chỉ: facebook.com/manfortre, với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội. Thư ngỏ đưa ra 3 yêu cầu cụ thể, trong đó có việc dừng ngay việc chặt cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lí do chặt cây. Hiện đã có 1.000 người ký vào thư ngỏ này. Trang “6.700 người vì 6.700 cây xanh” được lập trên mạng xã hội Facebook ngày 17-3 sau khi có thông tin Hà Nội quyết định đốn hạ 6.700 trong số 50.000 cây xanh của thủ đô. Đến trưa nay 19-3, đã có hơn 20.400 người bấm thích (like) trang này và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên. Trước đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng gửi thư ngỏ (*) đến chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ quan ngại về việc đốn cây xanh. Trong thư ngỏ, nhà báo Trần Đăng Tuấn kiến nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo tạm dừng việc chặt hạ cây xanh, xem xét lại việc cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh có đúng thuộc loại cây cong nghiêng, sâu mục hay không. Cùng quan điểm với ông Tuấn, GS Ngô Bảo Châu cũng có ý kiến về việc đốn cây xanh trên trang cá nhân. Ông đặt ra một số vấn đề như: 1. Duy tu bảo trì cây, chặt cây mục ruỗng đề phòng nguy hiểm mùa mưa bão: Câu hỏi: 1a. Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây? 1b. Tại sao nhiều cây cao, thẳng khỏe mạnh cũng bị chặt? 1c. Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không? 2. Cây trồng không đồng bộ, chặt đi trồng lại đồng bộ để đảm bảo mỹ quan thành phố: Câu hỏi: 2a. Nhiều khu phố Nhà Hà nội xây cất thiếu quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không? 2b. Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo trồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố? 2c. Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không? 2d. Nếu mỹ quan phố phường là việc quan trọng, thì việc chặt cây trồng cây mới có phải là việc cần ưu tiên hay không? Cây xanh có phải là cái làm xấu nhất bộ mặt thành phố không? 3. Chặt cây để mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng. Câu hỏi: 3a. Phát triển thành phố đã có quy hoạch, tại sao bỗng dưng lại phải có chiến dịch chặt cây? 3b. Ngoài việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà nội, mà theo tôi là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây, những quy hoạch khác là gì, có hợp lý không? 3c. Trong trường hợp có quy hoạch hạ tầng lợi ích công cộng là lý do hợp lý để chặt cây, quy hoạch đã có tiến độ chưa, có cần chặt cây ngay bây giờ không? Có cần chặt cây nhiều nơi và đồng loạt không?”. Trước đó, GS Châu cũng đề nghị: “Bạn hãy chia sẻ số lượng, chủng loại cây bị chặt nơi bạn sinh sống. Chụp ảnh cây trước và sau khi bị chặt. Kiểm tra xem cây bị chặt có thực sự mục ruỗng không. Hãy nói xem bạn muốn có một hàng cây đều tăm tắp trong mười năm nữa, hay bóng mát ngay bây giờ”. Cũng trên Facebook, người dùng liên tục chia sẻ thông tin và hình ảnh về việc đốn cây xanh ở Hà Nội. “12g00 trưa nay 19-3, các công nhân vẫn miệt mài chăng dây, ngăn đường và cưa cắt không thương tiếc cả 1 hàng cây hoa sữa đều tăm tắp trên đường Nguyễn Chí Thanh! Thật đau xót!”, một người dùng viết.
Ở một diễn biến khác, trên mạng Youtube một sáng tác Hà Nội mùa vắng cây xanh phỏng theo bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa với những lời lẽ rất da diết mang thông điệp: Hãy trả lại màu xanh cho Hà Nội, đã thu hút nhiều người quan tâm.
(*) Bạn đọc có thể để theo dõi nội dung bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn. MINH ANH
|
Theo Tuổi Trẻ