Công an Hà Nội xác nhận có tình trạng bánh quy, kẹo mút chứa cần sa
Viện nghiên cứu người sử dụng ma túy cho biết, thời gian gần đây các loại bánh quy, kẹo mút chứa cần sa có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ cười đang theo chân du học sinh vào Việt Nam…
Ngày 20/12, Trung tướng Phạm Văn Các – Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, thông tin phản ánh về việc Hà Nội xuất hiện tình trạng bánh kẹo chứa cần sa, chất gây nghiện là có căn cứ. Hiện, Bộ Công an đang phối hợp Công an TP điều tra làm rõ.
Được biết, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo bán chocolate, kẹo mút, bánh bích quy chứa cần sa. Người bán giới thiệu đặt hàng từ châu u, mỗi tuần hàng về vài lần.
Khi gõ từ khóa ‘bánh cần’, facebook sẽ trả về hàng loạt kết quả là fanpage, tài khoản cá nhân chuyên bán các sản phẩm được giới thiệu là có cần sa với mức giá từ 100.000-400.000 đồng.
Chẳng hạn, fanpage Dreamer Saigon **** rao bán công khai các chế phẩm cần sa như bánh bông lan, socola, kẹo thậm chí là cần sa nguyên chất kèm địa chỉ, số điện thoại mua hàng.
Cũng theo Viện Nghiên cứu người sử dụng ma túy, trong số bánh chứa cần sa hiện có trên thị trường, có loại tên là ‘bánh lười’. Bánh này theo chân du học sinh vào Việt Nam, theo quảng cáo bánh có vị chocolate và nho khô dễ ăn, có tẩm cần sa, có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ… cười.
Trước đó, Công an TP. Hà Nội từng bắt giữ một nhóm chuyên sản xuất loại bánh này tại Hà Đông. Trong đó, một thành viên của nhóm là sinh viên và mới chỉ 19 tuổi.
Về vụ việc này, bác sĩ Dương Minh Tâm – Viện Sức khỏe tâm thần cũng khuyến cáo, việc dùng cần sa dưới bất kỳ dạng chế biến nào, là bánh, là kẹo, là sôcôla… nếu trong sản phẩm có chứa cần sa là có thể gây nghiện.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, năm 2019, do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực, tình hình ma túy ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Số lượng ma túy tổng hợp tăng đột biến, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2018.
Nguồn ma túy thì vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển.
Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 15/11/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các ban ngành địa phương phát hiện, bắt giữ 86 vụ, 283 đối tượng phạm tội về ma túy. Tịch thu 612,5kg heroin; 120,54kg cocain; hơn 2 tấn và 231.814 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng liên quan…
Cũng chỉ trong năm 2019 này, Cục phát hiện thêm 5 loại chất ma túy mới, đề xuất đưa vào danh mục cấm của Chính phủ.
Vũ Tuấn (t/h)