Con tàu đắm Yahoo! – Mấy người tự hỏi nguyên do…
Yahoo! được coi là biểu tượng trong trong ngành công nghệ cao, từng có cơ hội sở hữu Google và Facebook, nhưng giờ đây lại phải bán mình với giá chưa đầy 5 tỷ USD. Nguyên nhân là vì đâu?
Thông tin về việc Yahoo! chính thức phải bán mình với một cái giá khá “bèo” dường như là một điều bất ngờ với ngành công nghệ. Dẫu cho trước đó tình hình kinh doanh của hãng này đã khá ảm đạm, các sản phẩm truyền thống của Yahoo! cho thấy sự trì trệ trong suốt nhiều năm qua, nhưng việc một gã khổng lồ trong lĩnh vực internet phải chấp nhận bán mình với giá thấp như vậy quả thực khiến cho người ta không khỏi ngạc nhiên.
Trước đó Yahoo! đã được Microsoft ngỏ ý mua với mức giá gấp 10 lần như thế, thời điểm đó thì mức giá 46 tỷ USD vẫn là một con số trong mơ đối với 1 công ty công nghệ.
Thời kỳ hoàng kim của Yahoo!
Cùng thời với các tập đoàn công nghệ Google và Microsoft, thậm chí từng có lúc từng bỏ xa các tên tuổi đình đám hiện nay như Apple và Facebook, Yahoo! đã từng là ông hoàng trong trong lĩnh vực công nghệ. Vào thời điểm đó, Yahoo! liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới, giá trị cổ phiếu của Yahoo! cũng là chủ đề hot trên các mặt báo.
Quay ngược lại khoảng thời gian từ 2005 trở về trước đó, và giai đoạn phát triển cao nhất của Yahoo!, nếu như có ai đó đề cập đến việc sẽ có một ứng dụng nào cạnh tranh thay thế Yahoo!, có lẽ người đó sẽ nhận phải một sự đả kích mạnh mẽ, đơn giản vì điều đó là không tưởng.
Khi bàn về sự sa lầy của hãng công nghệ Yahoo, có rất nhiều ý kiến được đưa ra, phân tích, nhưng nhiều nhất vẫn là sự soi mói vào chiến lược kinh doanh của nhà sáng lập và mấy đời các vị giám đốc điều hành.
Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ nói về một nguyên nhân quan trọng mà đa phần các nhà phân tích không chỉ ra cho bạn thấy.
Bài học trong quá khứ
Trong quá khứ, tôi từng làm cho một vài công ty công nghệ của Mỹ. Một trong những công ty này có yêu cầu là nhân viên phải dùng Yahoo! làm công cụ trao đổi công việc với sếp. Điều này cũng hơi bất tiện, vì tính đến thời điểm đó thì ứng dụng nhắn tin của Yahoo! thực sự đã lỗi thời so với các ứng dụng khác như Skype, rất không tiện lợi trong việc trao đổi công việc.
Điều khó chịu nhất là khi có lỗi hay bất cẩn mà gửi sai tin nhắn thì không thể sửa lại được. Tuy nhiên lý do đưa ra là các sếp vốn đã quen dùng với nó, không thể bắt sếp thay đổi thói quen theo nhân viên.
Người làm công đương nhiên phải tuân thủ yêu cầu cấp trên, và nếu bỏ qua những rào cản kể trên thì có lẽ Yahoo! cũng không quá tệ cho thảo luận công việc.
Tuy nhiên công ty hoạt động chừng 2 năm thì bắt đầu xảy ra lục đục, và điều khó hiểu là những bàn tán riêng giữa các nhân viên đều bị sếp nắm được, và các sếp có một sự phân biệt đối xử giữa các nhân viên.
Bởi vì nhân viên đều làm trong ngành công nghệ nên có một sự nhạy bén nhất định, sau một thời gian thì dường như cả công ty đều biết rằng các trao đổi tin nhắn đều bị sếp theo dõi. Nguyên lý đơn giản là vì Yahoo! truyền tin theo dạng dữ liệu không mã hóa, do đó chỉ cần một vài cài đặt thích hợp là có thể lọc nội dung theo dõi tin nhắn trong mạng nội bộ công ty.
Phương thức quản lý cực đoan này đã khiến cho mâu thuẫn giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên với sếp trở nên sâu sắc và không thể hàn gắn.
Nhưng điều qua trọng hơn là nếu không có sự yếu kém trong việc bảo mật nội dung của các ứng dụng như Yahoo! Messenger thì sự việc đã không xảy ra, đồng thời nó cũng gây ra tâm lý đề phòng đối với chuỗi ứng dụng của Yahoo!.
Đó dường như cũng là lần cuối cùng tôi có cơ hội sử dụng Yahoo! Messenger cho công việc, vì sau đó tôi không gặp một khách hàng nào dùng nó cho trao đổi công việc.
Có lẽ vì Yahoo! Messenger là sản phẩm miễn phí không mang lại doanh thu lớn cho Yahoo. Tuy nhiên, Yahoo! quên rằng ứng dụng Yahoo! Messenger đi liền với hình tượng của cả tập đoàn, bởi vì mọi người biết đến Yahoo! từ thời internet dial up thông qua ứng dụng Yahoo! Messenger, cũng là một biểu tượng sống còn cho Yahoo!. Việc Yahoo! dàn trải cho rất nhiều dự án trực tuyến nhưng lại bỏ qua chính sản phẩm gắn liền với thương hiệu của mình, điều đó thực sự khiến cho người ta cảm thấy khó hiểu.
Gã khổng lồ trong làng công nghệ, nhưng là người lùn về nhân quyền
Đó là bình luận của vị thẩm phán trong vụ kiện về nhân quyền liên quan đến Yahoo. Tổ chức Thế giới vì Nhân quyền (The World Organization for Human Rights) nói Yahoo! chia sẻ thông tin với chính quyền Trung Quốc dẫn đến việc một số cây bút và người bất đồng chính kiến bị bắt. Trong số đó co người bị tù đến 10 năm chỉ vì một số ý kiến riêng tư được trao đổi qua hộp thư Yahoo!.
Yahoo! biện hộ rằng họ họ phải tuân thủ luật lệ địa phương ở bất cứ nơi nào họ hoạt động. Tuy nhiên vì Yahoo là một công ty Hoa Kỳ, với nền tảng dân chủ vững chắc và tôn trọng nhân quyền đã là nhận thức phổ quát của mỗi người dân nơi đây, thì việc kiểm soát suy nghĩ của người dân và sử dụng thảo luận riêng tư để làm bằng chứng kết tội là việc không thể chấp nhận được. Kết quả là Yahoo! bị phán là có trách nhiệm với hình phạt lên đến hàng triệu USD cho các trường hợp.
Đó là chưa kể đến việc công ty này hợp tác toàn diện với chính quyền Tung Quốc trong việc kiểm duyệt thông tin tìm kiếm.
Trong việc này, đạo đức kinh doanh của công ty Yahoo! chính là một vấn đề cho người dùng bình phẩm. Nếu Yahoo! có thể dễ dàng cung cấp thông tin người dùng cho một chính phủ độc tài nhằm lấy mối quan hệ làm ăn thì việc khai thác thông tin khách hàng trục lợi là điều có thể xảy ra.
Những người làm ăn nghiêm túc thì tự trong tâm họ sẽ có nghi ngại đối với sản phẩm của Yahoo!. Rốt cuộc thì Yahoo! vì một chút lợi ích trước mắt mà đã làm sụt giảm uy tín đối với những dự án trong tương lai. Điều này có thể thấy rõ vì trong 10 năm sau đó Yahoo! không có một sản phẩm đột phá.
Khách hàng phổ thông của Yahoo! dường như đã mất đi sự tín nhiệm, họ không muốn làm con chuột thí nghiệm cho bất cứ rủi ro mang tính tiềm ẩn nào đối với dịch vụ mà mình sử dụng. Cụ thể khi nói về dịch vụ thư điện tử, Yahoo! Mail được người dùng mặc định đây sẽ là lựa chọn hạng 2 cho các nhu cầu cá nhân không yêu cầu bảo mật, dẫn đầu về dịch vụ thư điện tử, nhưng đến nay Yahoo! Mail chỉ dừng lại ở cung cấp miễn phí.
Đối nghịch với Yahoo! Mail là Gmail của Google vốn sinh sau đẻ muộn, nhưng lại được lựa chọn cho mục đích doanh nghiệp, hiện nay Gmail là dịch vụ thư điện tử duy nhất có thể cung cấp dịch vụ thư điên tử có phí dành riêng cho công ty hay doanh nghiệp với nhu cầu bảo mật cao. Trước đó Gmail đã sẵn sàng cuốn gói khỏi Trung Quốc để tránh thỏa hiệp với chính quyền sở tại trong việc cung cấp thông tin người dùng.
Bài học rút ra về tôn trọng người dùng và đạo đức kinh doanh
Những tập đoàn lớn muốn tồn tại bền vững cần ưu tiên lợi ích người dùng lên hàng đầu, vấn đề tôn trọng và bảo vệ người dùng cũng là thước đo cho thấy tính đầu tư nghiêm túc trong các dự án.
Mối quan hệ giữa công ty dịch vụ người dùng chính là sự tín nhiệm, và những khách hàng doanh nghiệp cũng bị lệ thuộc bởi mối quan hệ này. Các dự án thương mại lớn cũng xem xét nhà cung cấp dịch vụ có được ưa chuộng trong người dùng phổ thông hay không, bởi vì đó chính là tiềm năng kinh doanh trong tương lai. Nếu một công ty hay tập đoàn đã bị gán nhãn là ‘kẻ chơi xấu’ thì tương lai lụi tàn là điều tất yếu.
AT