Con người tin vào Thần thì sẽ đánh mất những gì?
Trong giới trí thức từ xưa đến nay vẫn luôn tranh luận một vấn đề: Hữu Thần và vô Thần, cái nào mới là đúng? Quả là một câu hỏi lớn và dường như cuộc chiến này vẫn chưa đến hồi kết thúc. Vậy đâu mới là chân lý?
Nhiều năm trước, có một học giả người Nga cổ xúy thuyết vô thần. Một ngày, trong một hội nghị lớn, ông đã có một bài phát biểu thuyết phục thính giả rằng Thượng Đế là tuyệt đối không thể tồn tại. Khi tới chỗ lập luận để thuyết phục người nghe, ông ngửa mặt lên trời và cao giọng thách thức Thượng Đế: “Thượng Đế, nếu ông tồn tại, hãy xuống đây và giết chết tôi giữa đám đông này. Có vậy chúng tôi mới tin rằng ông tồn tại!” Và rồi, ông ngưng một vài phút như thể đang thực sự chờ đợi điều gì đó xảy ra. Tất nhiên, Thượng Đế đã không đi xuống và giết ông ta. Ông ta nhìn quanh rồi kết luận: “Thấy chưa? Thượng Đế làm gì tồn tại!”
Lúc đó, có một người phụ nữ quàng khăn trên đầu đứng dậy và đáp lời: “Thưa ông, lý thuyết của ông rất sâu sắc và ông quả là một học giả uyên bác. So với ông, tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa. Tôi không đủ khả năng bác lại lý thuyết của ông. Tuy nhiên, tôi chỉ mong ông trả lời giúp tôi một câu hỏi. Tôi đã thờ phụng Đức Chúa Jesus trong nhiều năm. Tôi cảm thấy an lành trong tâm khi tôi nghĩ rằng Chúa là Đấng cứu rỗi chúng ta. Tôi thích đọc Kinh Thánh. Càng đọc Kinh Thánh, tôi càng cảm thấy an lành. Bởi vì tôi tin vào Chúa Jesus, tôi có được niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Xin hỏi sau khi chết, tôi phát hiện rằng Chúa không hề tồn tại, rằng Chúa Jesus không phải Con của Thượng Đế, và rằng những gì nói trong Kinh Thánh là không đúng, thì tôi đã đánh mất điều gì nếu tôi tin vào Chúa Jesus trong suốt cuộc đời?”
Vị học giả cổ xúy thuyết vô thần ngẫm nghĩ về câu hỏi này một lúc. Toàn bộ hội trường yên lặng như tờ. Họ đồng ý với lý lẽ của người phụ nữ. Ngay cả học giả vô thần kia cũng kinh ngạc trước lô-gíc đơn giản và thuần khiết của người phụ nữ. Ông hạ giọng đáp: “Tôi không nghĩ bà sẽ mất mát điều gì”.
Người phụ nữ nói: “Cám ơn ông đã cho tôi một câu trả lời hay. Trong tâm tôi còn một câu hỏi khác. Nếu, sau khi chết, ông phát hiện Chúa quả đúng là tồn tại, rằng những gì viết trong Kinh Thánh là tuyệt đối đúng, rằng Chúa Jesus đúng là Con của Thượng Đế, và rằng Thiên Đàng và địa ngục là có tồn tại, thì xin hỏi ông, ông đã đánh mất điều gì?” Vị học giả im lặng thời gian lâu và không biết phải trả lời ra sao trước câu hỏi thứ hai này.
Hàng ngàn năm đã trôi qua. Câu chuyện về vị học giả người Nga và người phụ nữ quê mùa – cuộc tranh luận giữa “hữu thần” và “vô thần” – đã không ngừng tái diễn trong lịch sử nhân loại.
Trong xã hội bình thường, một người có tin vào Thần hay không hoàn toàn là lựa chọn tự do của cá nhân người ấy. Tranh luận như vậy đơn giản chỉ là biểu hiện của thế giới quan khác nhau. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, đơn cử là Trung Quốc hiện đại, thuyết vô thần đã bị chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng. Sự khác biệt trong thế giới quan đã trở thành một cuộc tuyệt diệt tín ngưỡng vô nhân đạo và bi thảm. Dưới cờ hiệu “khoa học”, ĐCSTQ đã vắt kiệt tài nguyên của cả một quốc gia để bức hại những người tin vào Thần. Chẳng hạn như Đại cách mạng văn hóa, đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, bức hại người Tây Tạng…Mức độ của thảm họa bức hại là chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Góc độ khác, Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa vô thần để kiểm soát đã mang lại cho người dân những gì? Mang đến những tiến bộ khoa học kỹ thuật sao? Không hề, khoa học của nó phải chịu hạn chế bởi ĐCSTQ, nằm trong phạm vi kiểm soát và mang tính chính trị chứ không phải là sự thật khách quan, vậy đó có thể gọi là khoa học được sao? Tại các quốc gia phương Tây “hữu thần luận”, khoa học và công nghệ của họ lại vượt xa Trung Quốc.
Chủ nghĩa vô thần có khiến đạo đức được thăng hoa hay không? Hoàn toàn ngược lại. Không có niềm tin vào Thần, tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội Trung Quốc đã trượt dốc một cách khủng khiếp. Hàng loạt những vụ nhiễm độc thực phẩm gần đây đã phản ánh điều đó. Chủ nghĩa vô thần có mang đến hạnh phúc cho người ta hay không ? Thử hỏi một xã hội không có sự tin tưởng, không có sự ước chế về đạo đức, người đối với người chỉ dùng vật chất để đo lường thì liệu con người có sống hạnh phúc, hay hạnh phúc đó có thể lâu dài ?
Vô thần hay hữu thần là đức tin của mỗi người, có thể là đúng hoặc sai. Không thể dùng bất cứ cớ gì để ép người này phải tin thế này hay thế kia, cũng không thể dùng nhãn mác “khoa học” để bác bỏ những gì chưa thể biết. Khoa học chẳng phải là tìm ra những điều chưa từng biết hay sao. Chỉ khi được phát triển một cách tự do và không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố nào thì mới là khoa học chân chính. Lại nói, con người sống rốt cuộc là vì điều gì ? Liệu một người sống tin vào Thần và không tin vào Thần có gì đổi khác ? Điều này có lẽ sẽ phụ thuộc vào câu trả lời của chính bạn.
Thiên Long, theo Minh Tâm Net