Con người sinh vào lúc nào, chết vào giờ nào, hết thảy đều có định số
Có người nói rằng, sinh vào lúc nào, chết vào giờ nào, tất cả mọi thứ đều đã có định số. Trong cõi u minh, vận mệnh con người dường như đã được trời cao sắp đặt sẵn, như thể một bàn tay vô hình đang thao túng sinh, lão, bệnh, tử của con người vậy.
Một số người biết về tướng thuật thì có thể thấy rõ được nhiều chuyện, thường khiến người ta cảm thấy khó tin, và trong lịch sử đã có nhiều câu chuyện chứng minh điều này với mọi người. Chúng ta hãy xem câu chuyện nhỏ được tờ Chánh Kiến đăng tải, thì có thể hiểu rõ.
>>> Ải mỹ nhân: Chuyện về anh thư sinh và người vợ hồ ly
Vào cuối thời Đường có một vị Thượng thư tên Thái Kinh, vừa khéo lại trùng tên với một tên đại gian thần của triều đại Bắc Tống. Người đời sau mỗi khi nhắc đến Thái Kinh, thì họ nghĩ ngay đến tên gian thần của triều đại Bắc Tống, nhưng trong thực tế, thì triều đại nhà Đường cũng có một Thái Kinh.
Thái Kinh nhà Đường từng là đại sứ đội quân Thiên Đức, ông chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực Nam Lộc ngày nay của dãy núi Âm Sơn ở Bayan Nur, Nội Mông. Trong thời gian ông còn làm Quân sứ Thiên Đức, thì có hai vị tiểu tướng là Cố Ngạn Lãng và Cố Ngạn Huy giữ vị trí ngự tiền. Họ là hai anh em ruột, người Phong Châu (nay là huyện Ngũ Nguyên, Nội Mông), Cố Ngạn Lãng là anh, Cố Ngạn Huy là em.
Theo ghi chép sử sách thì vị Thái Kinh của triều đại nhà Đường có “chiếc khiên biết xem người”, nó có thể dự đoán được một số thay đổi trong tương lai của người khác. Một ngày nọ, ông gọi người con trai của mình là Thái Thục đến một cái đình ở trên núi bày tiệc rượu ra và mời anh em Cố Ngạn Lãng đến uống. Một lúc sau thì Thái Kinh cũng đích thân đến dự tiệc.
Hai anh em nhà họ Cố trông thấy vị quan cao đến, thì liền vội đứng dậy chuẩn bị hành lễ chào ông. Thái Kinh ra dấu ý bảo họ ngồi ở đó là được rồi, không cần phải đứng lên để kính lễ, ông không chỉ đối xử với họ rất gẫn gũi mà còn nói với họ rằng: “Ta thấy mặt hai anh em các cậu có tướng được phong Hầu, mong hai cậu đừng bao giờ tự ti xem thường bản thân mình, mà cứ hết mực trung thành giữ luật, thì sau này hậu duệ của ta ngược lại còn phải trông cậy vào sự chiếu cố của các cậu”.
Sau này Thái Kinh đã dốc lòng đề bạt hai anh em họ. Một thời gian sau, Hoàng Sào dấy binh tạo phản, chiếm đóng Trường An, Cố Ngạn Lãng tham gia vào trận chiến thu phục Trường An, do lập được công nên ông được bổ nhiệm làm Hữu vệ Đại tướng quân và nhậm chức Tiết độ sứ ở Đông Xuyên.
Con trai của Thái Kinh là Thái Thục sớm đến để nhờ cậy ông, Cố Ngạn Lãng vì biết ơn sự đề bạt của Thái Kinh, đã sắp xếp cho Thái Thục làm Tiết độ phó sứ. Thái Thục cũng lập mưu hiến kế, giúp đỡ cho Cố Ngạn Lãng rất nhiều. Sau này khi Cố Ngạn Lãng qua đời, thì em trai của ông là Cố Ngạn Huy đã tiếp quản chức vụ Tiết độ sứ Đông Xuyên, lúc đầu ông cũng rất trọng dụng Thái Thục.
Vào thời điểm đó, Tứ Xuyên nhìn chung là được chia thành ba vùng, Kiếm Nam Tây Xuyên, Kiếm Nam Đông Xuyên và Sơn Nam Tây Đạo. Hai anh em nhà họ Cố đã lần lượt làm Tiết độ sứ Đông Xuyên, thuộc một trong ba phần của nước Thục, điều đó đã ứng với lời tiên đoán của Thái Kinh về tướng mặt được phong Hầu của họ.
Cố Ngạn Huy không giống lắm với người anh của mình, ông ta có tính cách cực kỳ kiêu ngạo, những quan viên và tham mưu mà ông ta dùng dưới trướng hầu hết đều là con em quyền quý trong triều, chúng khinh bạc hủ hóa, không có năng lực thật sự. Thái Thục thì hoàn toàn khác với những con em quý tộc, những kẻ luôn chỉ biết ăn uống chơi bời mà không ngó ngàng đến các vấn đề quân sự, ông có tài năng, làm việc rất nghiêm túc, có trách nhiệm và không thích vui chơi.
Cố Ngạn Huy vừa nể vừa sợ Thái Thục, và chê ông cản chân ngáng đường. Một số người nắm lấy cơ hội đó để phát tán những tin đồn, gây ra sự bất đồng, và kết quả là Thái Thục buộc phải từ chức về nhà sống cuộc sống bình thường. Không lâu sau đó, Cố Ngạn Huy đã bại trận chết.
Thục Quận có một thuật sĩ tên là Chu Hợp, ông thường nói với người khác rằng: “Đừng thấy Cố Ngạn Lãng và Cố Ngạn Huy trấn giữ một phương, chức quan cao quý là thế, nhưng họ đều có số ‘sống không có nhà riêng, chết không có mộ chôn'”.
Người ta đều không thể hiểu nổi được, họ đều cho rằng đó là chuyện không thể xảy ra, nhưng mọi chuyện sau đó đã ứng với lời tiên tri của ông. Ban đầu, Cố Ngạn Lãng và Cố Ngạn Huy là những tiểu tướng trong đội quân Thiên Đức, sau có cơ hội đã lập được chiến công, nên mới có được chức quan Tiết độ sứ ở Đông Xuyên.
Khi họ làm lính thì luôn sống trong doanh trại, khi họ được làm quan thì sống trong phủ quan, họ chưa bao giờ có cơ hội để xây được một ngôi nhà riêng cho bản thân, điều này ứng với lời tiên tri “sống không có nhà riêng”.
Khi Cố Ngạn Lãng qua đời ở Tứ Xuyên, ông đã có di nguyện được hỏa thiêu thân xác, để có thể đưa tro cốt của mình trở về Phong Châu (nay là huyện Ngũ Nguyên, Nội Mông) mà an táng trong tương lai, tuy nhiên, vì lúc đó có quá nhiều sự kiện xảy ra, thiên hạ vô cùng hỗn loạn nên đã không thể hoàn thành ý nguyện của ông, tro cốt của ông vẫn chưa được chôn vào lòng đất.
Còn Cố Ngạn Huy thì chết vì bại trận, ngay cả lễ đưa tang cũng không có, chứ đừng nói gì đến lăng mộ. Như vậy, cả hai anh em nhà họ đều “chết không có mộ chôn”. Diễn tiến của câu chuyện đã hoàn toàn ứng nghiệm lời tiên tri của thuật sĩ Chu Hợp, cho nên người đời không thể nào không phục khả năng dự toán thần diệu của ông.
Thái Kinh thời nhà Đường có thể tiên đoán rằng hai anh em họ trong tương lai có phước lành giàu có và được phong Hầu; còn thuật sĩ Chu Hợp thì tiên đoán rằng họ sẽ có kết cục “sống không có nhà riêng, chết không có mộ chôn” khi họ đang giữ chức quan cao quý, điều đó hoàn toàn vượt khỏi sự suy tính của con người bình thường.
Có thể thấy rằng, vận mệnh đều đã được trời cao sắp đặt sẵn rồi, cho nên một số người biết được thuật đạo, thì mới có thể tiên đoán được chuyện ở tương lai tùy theo tầng thứ của bản thân họ.
>>> Câu chuyện báo ứng về tin đồn nhảm: Cha nợ con trả
Tuệ Tâm, theo SOH