“Con còn sống được bao lâu nữa mẹ ơi?”
Mang trong mình đến 3 căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của bé Kiều Nhung (13 tuổi) ở huyện Quốc Oai, Hà Nội chỉ còn tính bằng ngày. Cầm đơn thuốc trên tay mà không thể mua thuốc cho con, người mẹ nghèo khó, bất lực nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra chết dần chết mòn trong vô vọng.
Trong căn nhà nhỏ cũ nát, ẩm thấp rộng khoảng chừng 10m2, chị Vương Thị Tuyết ngại ngùng lấy vội chiếc chiếu nhựa cũ đã rách trải ra giữa nhà, mời chúng tôi ngồi tạm. Trên chiếc giường cũ đơn sơ, bé Đỗ Thị Kiều Nhung đang nằm thiêm thiếp, có lẽ các cơn đau đớn liên tục đã khiến em kiệt sức. Đứa em gái út 3 tuổi ngồi cạnh trông chừng, chốc chốc lại lấy tay đập lên người chị, dường như bé lo sợ chị Nhung của bé sẽ nằm ngủ mãi mà không dậy.
Trong lúc trò chuyện, chị Tuyết cùng 3 đứa con gái vẫn phải mải miết khâu nón để kịp giao hàng. Dù vất vả, tiền công cả ngày của 4 mẹ con chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng ngoài khâu nón ra thì mẹ con chị chẳng biết làm gì bởi không có đất lại chẳng được học hành.
Ca sinh 3 khó khăn năm đó tưởng chừng như chị không thể vượt qua được, nhưng 3 sinh linh bé nhỏ vẫn được làm người bởi nghị lực phi thường và sức sống mãnh liệt của người mẹ can trường. Khi em bé thứ 3 cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc chị Tuyết kiệt sức, ngất lịm. Lần vượt cạn có một không hai này đã khiến chị phải nằm viện hơn 1 tháng, 3 đứa trẻ nhiều lúc phải uống nước cơm thay sữa mẹ.
Cuộc sống khốn khó lại không được chăm sóc chu đáo, nên Kiều Nhung, chị của ca sinh 3 cứ đau ốm liên miên. Năm 2011, sau nhiều đêm sốt liên tục không rõ nguyên nhân, chị Tuyết đưa con đi khám bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chuẩn đoán em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Một năm trời vay mượn khắp nơi chữa bệnh cho con, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm trong khi nợ nần chồng chất, chị đành gạt nước mắt đưa con về nhà mà không chữa trị gì suốt 2 năm trời.
Lần này sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận, Kiều Nhung bị xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thận và Lupus ban đỏ. Mắc liền 3 căn bệnh nặng, nên em sẽ phải điều trị cả đời. Nằm viện được hơn 1 tháng, số tiền bà con lối xóm quyên góp cũng đã hết. Cùng kiệt, không còn cách nào khác chị Tuyết lại đưa con về nhà.
Người đàn ông duy nhất trong nhà, trông hốc hác tiều tụy, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét. Nhưng khi biết chúng tôi muốn giúp đỡ gia đình, thì anh bớt nghi ngại và cởi mở hơn. Anh trải lòng, sinh ra ở vùng quê nghèo, lại không có nghề ngỗng gì, tuổi trẻ nông nổi không chống lại được sự cám dỗ, nên anh mắc nghiện ma túy lúc nào không hay. Thương vợ con anh quyết tâm đi trại cai nghiện và mới trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Ôm chặt bé Kiều Nhung vào lòng, anh nức nở như một đứa trẻ: “Bố có tội lớn với các con…Sao ông trời không bắt tội bố, mà bắt con phải gánh chịu chứ, cứ để bố chết đi để con được sống, bố cũng cam lòng..”. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người cha tội lỗi. Trông anh lúc này, chúng tôi thấy anh đáng thương hơn là đáng giận.
“Con đau quá mẹ ơi! Con còn sống được bao lâu nữa…mẹ ơi!”. Tiếng kêu la bật lên trong cơn đau của đứa con gái tội nghiệp như hàng trăm, hàng ngàn mũi kim đâm xé tâm can người mẹ khốn khó. Chị Tuyết ngồi đó, ngay cạnh giường con gái, hai tay vẫn đều đặn khâu nón mà như người mất hồn. Đến nỗi kim khâu nón đâm thủng ngón tay, máu chảy loang đỏ cả cái nón đang may dở mà chị không hề hay biết. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên, chúng tôi không ai cầm được nước mắt.
Kiều Nhung vẫn nằm thiêm thiếp. Tờ lịch nơi đầu giường được em đánh dấu từng ngày, điều đó có nghĩa là em đã vượt qua thêm được một ngày cùng nỗi đau đớn tột cùng. Rồi đây, những ngày sắp tới em sẽ ra sao?
Theo Dantri