Con ấn Độc Cô và chuyện về vị “Quốc cữu tam triều” nổi tiếng trong lịch sử
Con ấn Độc Cô Tín được làm từ than ngọc bích, hình đa diện, trên mỗi mặt đều có khắc ấn văn. Liên quan đến con ấn này, người ta không thể không nhắc đến vị tướng khai quốc công thần nhà Tây Ngụy, được tôn xưng là “thiên hạ đệ nhất nhạc phụ”.
Con ấn Độc Cô Tín được làm từ than tinh chất, còn được gọi là than ngọc, là biến thể của than nâu. Tại phương Tây, có lúc nó được dùng để chế tác đồ trang sức, bởi vì màu sắc giản dị, nên thường xuất hiện trong tang lễ hoặc các nghi thức tôn giáo.
Tại Trung Quốc cổ đại, than ngọc thường dùng làm vật dụng trong thư phòng của văn nhân, như ống đựng bút, nghiên mực v.v. Cũng có một số nơi ở phương Tây dùng than ngọc để làm đồ trang sức, vật phẩm trưng bày.
Về cấu tạo, con ấn Độc Cô Tín này không có núm tay cầm, toàn bộ chỉ có 26 mặt, trong 18 mặt vuông có 14 mặt là có khắc văn ấn, cho nên còn được gọi là tổ hợp ấn đa diện. Ấn cao 4,5 cm, nặng 75g.
Ấn văn là chữ chìm Khải thư, tổng cộng có 47 chữ. Nội dung của ấn văn có thể phân thành 3 loại: đóng dấu công văn, như là “Ấn Đại đô đốc”, “Ấn Đại tư ma”, “Ấn của các đại thần trụ cột quốc gia”; Ấn dâng tấu thư như “Thần tín thượng sớ”, “Quân tín thượng chương”; Ấn đóng dấu thư tín, như “Ấn Độc Cô Tín”, “Ấn thống báo”. Từ ấn văn có thể thấy, người đóng dấu có chức vụ gì, quyền quý đến đâu.
Người sở hữu ấn Độc Cô Tín chính là một vị tướng sống vào cuối thời kỳ Bắc Ngụy, tên là Độc Cô Như Nguyện, là người dân tộc Tiên Bi, nguyên quán Vân Trung.
Độc Cô Tín sinh ra trong một gia đình võ tướng, ông thời thiếu niên bởi vì tham gia giết thủ lĩnh của quân khởi nghĩa Vệ Khả Côi mà nổi danh, rồi sau đó ông tham gia nghĩa quân.
Sau khi Cao Hoan nắm quyền ở Bắc Ngụy, mặc dù người thân của mình đều ở trong lãnh địa của Cao Hoan, nhưng ông vẫn quyết định đầu quân phò tá cho Vũ Văn Thái.
Trong “Chu Thư. Độc Cô Tín truyện” viết: “Độc Cô Tín và Thái Tông (Vũ Văn Thái) là đồng hương, từ nhỏ đã thân thiết, trưởng thành kề vai chiến đầu, nên gặp lại rất đỗi vui mừng”.
Độc Cô Tín chinh chiến sa trường, lập vô số chiến tích, luôn giữ chữ tín, mọi người xa gần đều hết sức tin tưởng, vì thế Vũ Văn Thái đặt cho ông cái tên “Tín”. Từ đó trong ngoài đều gọi ông là Độc Cô Tín. Sau này ông trở thành một trong 8 đại thần trụ cột của Tây Ngụy.
Con trai của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác sau khi lên ngôi đã thay đổi nhà Ngụy thành nhà Chu. Sau đó vài năm, cháu của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Hộ thâu tóm được quyền lực, ương ngạnh ngang ngược. Độc Cô Tín và hơn 10 đại thần khác đã bí mật hạ thủ Vũ Văn Hộ, nhưng sự việc bại lộ, nên đã bị bãi quan, và không lâu sau lại bị bức tử tại nhà.
Độc Cô Tín là công thần khai quốc, chiến tích hiển hách, nhưng khi nhắc tới ông, người ta lại không nghĩ đến hai từ “tướng quân” mà hình dung ngay đến biệt hiệu nổi tiếng “thiên hạ đệ nhất nhạc phụ”, hay “Quốc cữu tam triều”.
Độc Cô Tín có 7 người con gái và điều đặc biệt là trong đó có 3 người được gả cho các Hoàng đế. Con gái cả gả cho Bắc Chu Minh đế Vũ Văn Dục, được phong Minh Kính Hoàng hậu. Minh Kính Hoàng hậu ban đầu là phu nhân, sau khi Vũ Văn Dục xưng Vương thì được phong làm Vương Hậu.
Con gái thứ 4 của Độc Cô Tín được gả cho Lý Bỉnh (con trai Trụ Quốc Lý Hổ), sinh ra Đường Cao Tổ Lý Uyên, được truy phong Nguyên Trinh Thái hậu. Trong sử sách có ghi chép lại rằng, Nguyên Trinh Thái hậu trị gia nghiêm cẩn, vô cùng uy nghiêm.
Con gái thứ 7 của Độc Cô Tín là Độc Cô Già La, được gả cho Tùy Văn đế Dương Kiên (con trai Đại tướng quân Dương Trung), được phong làm Văn Hiến Hoàng hậu. Phụ Thân của Dương Kiên và Độc Cô Tín đều là quân tướng trụ cột của Bắc Chu, năm đó Độc Cô Tín có mắt nhìn người, thấy Dương Kiên có tư chất phi phàm, liền gả con gái 14 tuổi cho Dương Kiên.
Độc Cô Hoàng hậu không cho phép Dương Kiên nạp phi, khuyên vua giữ đạo “một vợ một chồng”. Khi thấy đại thần nào mà có tiểu thiếp mang thai, bà đều khuyên Dương Kiên trách cứ họ.
Độc Cô Tín có 3 người con gái trở thành Hoàng hậu, đây là điều vô cùng hiếm thấy trong lịch sử, chính vì thế mà dân gian mới gọi ông là “thiên hạ đệ nhất nhạc phụ” .
Lê Hiếu biên dịch