Cơm trắng và sâu đất: Bữa ăn đạt chuẩn nông thôn mới của học sinh vùng cao
Từ ngày bị cắt chế độ dành cho học sinh bán trú do xã Măng Cành đã đạt chuẩn nông thôn mới, bữa ăn trưa của các em học sinh ở điểm trường Kon Du, thuộc tỉnh Kon Tum chỉ có chút lá mì, ốc và con nhộng đất. Em nào thiếu thốn thức ăn quá sẽ được cô giáo chia sẻ cho ít cá khô.
Nghe tiếng trống tan trường lúc 12 giờ trưa, 72 em học sinh ở điểm trường Kon Du ùa ra khỏi lớp như ong vỡ tổ. Các em trải manh chiếu ra giữa hành lang rồi bày ra các phần cơm đã nguội lạnh mà gia đình chuẩn bị cho từ sáng.
Y Liên (10 tuổi, học lớp 5) và em gái là Y Liu (7 tuổi, học lớp 2) bẽn lẽn mở hộp cơm trắng ra, bên trong chỉ có một khay đựng thức ăn. Không phải cá, thịt hay rau mà là những con nhộng đất nhợt nhạt. Món ăn này do cha mẹ của hai đứa trẻ đào được trên nương rẫy, trong rừng.
Cứ thế mỗi bữa trưa, hai chị em lại vội ăn món nhộng đất với cơm trắng sau một buổi học dài.
Giáo viên ở điểm trường Kon Du, cô Phan Thị Hoa cho biết, nhà hai chị em Y Liu, Y Liên thuộc diện khó khăn. Mới đây, khi bị ngắt chế độ dành cho học sinh bán trú, phụ huynh học sinh bày tỏ muốn cho con ở nhà vì không có đủ gạo. Thương hai em, cô Hoa lội suối, băng rừng tìm đến nhà động viên phụ huynh, hứa sẽ nấu đồ ăn trưa cho các em ở lại học.
Hoàn cảnh của giáo viên nơi đây cũng chả khấm khá hơn là bao, cô Hoa chỉ có thể phụ giúp các em món cá khô kho lạt với nước mắm. Thấy học sinh nào thiếu thức ăn, cô lại chia cho ít cá khô, em nào ốm yếu thì được cho nhiều cá khô hơn chút.
“Sau khi bị ngắt chế độ bán trú, các thầy cô giáo quyên góp 10.000 đồng/tháng vào Quỹ khuyến học, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền mua thức ăn trưa cho các cháu, với hy vọng các cháu đến trường đầy đủ”, cô Hoa cho biết.
Theo báo Lao Động, hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông, thầy Trần Thông cho biết, xã Măng Cành đã đạt chuẩn nông thôn mới nên các chế độ liên quan đến việc hỗ trợ học sinh trên địa bàn cũng không còn…
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc vận động học sinh ra lớp vì 100% học sinh tại trường là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hơn thế nữa, nhà của các em đều xa trường từ 7 – 17km, đường tới gập ghềnh khó đi. Nhà trường đã vận động các mạnh thường quân và thầy cô đóng góp phần nào nhưng với nguồn lực có hạn, khó có thể đủ để níu chân các em ở lại trường.
Tâm Việt, chuyên trang của báo Tiền Phong dẫn thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho biết, năm học 2021 – 2022, toàn huyện có gần 1.000 em học sinh bị ngắt chế độ bán trú. Đơn vị đang gửi tờ trình lên UBND huyện, tỉnh đề xuất xin kinh phí hỗ trợ cho các cháu, để các em học sinh được tiếp tục đến trường.
Yên Yên (t/h)