Có thể quan sát mưa sao băng vào 4h-5h sáng 6/5
(Zing) – Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn: “Vào rạng sáng 6/5, nếu may mắn, người quan sát vẫn có thể bắt gặp một số sao băng sáng nhất của trận mưa sao băng Eta Aquarids”.
>> >> >> Giới trẻ Hà Nội tổ chức quan sát siêu mặt trăng Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết, hiện tượng thiên văn đầu tiên của tháng 5 sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mồng 6/5. Theo ông Sơn, đây là một trận mưa sao băng nhỏ trong năm, lại diễn ra vào đêm rằm theo âm lịch nên chịu sự cản trở của ánh sáng mặt trăng. Việc quan sát trọn vẹn hiện tượng này vì thế có thể bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm đầu hạ, về ban đêm trời quang mây tạnh nên thuận tiện cho việc quan sát, nếu may mắn bắt được khoảnh khắc hiếm có người quan sát vẫn có thể bắt gặp một số sao băng sáng nhất của trận mưa sao băng này. Mật độ sao băng tại thời điểm cực điểm, theo ông Sơn, sẽ từ 10 đến 15 sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng Eta Aquarids có trung tâm là chòm sao Aquarius (thường được gọi trong tiếng Việt là Bảo Bình). Nó có nguyên nhân đầu tiên trong một lần sao chổi Halley đi ngang qua quĩ đạo của trái đất. Các mảnh vụn của sao chổi này ở lại trên quĩ đạo trái đất. Mỗi năm, chúg lại lao qua khí quyển khi trái đất đi tới khu vực quĩ đạo ấy, tạo thành mưa sao băng Eta Aquarids. Trong lịch sử, một trận mưa sao băng khác cũng có nguồn gốc từ sao chổi Halley nhưng lớn hơn và nổi tiếng hơn nhiều so với Eta Aqurids là mưa sao băng Orionids diễn ra vào tháng 10 hàng năm. Thời điểm tốt nhất để có thể quan sát một số sao băng của Eta Aquarids là khoảng từ 4h đến 5h sáng ngày 6/5. Tại thời điểm này mặt trăng đã xuống rất thấp gần chân trời phía Tây và gây không nhiều ảnh hưởng tới khu vực quanh chòm sao Aquarius lúc này đang nằm khá cao trên chân trời phía đông. Nếu thời tiết đep, không có mây, vào thời điểm trên, người quan sát có thể nhìn về bầu trời phía đông và nhận ra chòm sao này qua hình ảnh đưa dưới đây.
Trên thực tế, chòm sao này không có nhiều nét đặc biệt nên sẽ khó xác định đối với người quan sát chưa có kinh nghiệm. Do vậy, theo các chuyên gia, người quan sát không cần quá chú trọng hình dạng của nó, chỉ đơn giản là chăm chú quan sát khu vực các ngôi sao nằm phía cao trên bầu trời phía Đông. Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, mỗi năm trên khí quyển của chúng ta đều diễn ra nhiều trận mưa sao băng. Mỗi trận mưa này thường được đặt tên theo tên của chòm sao được coi là tâm điểm của trận mưa đó hàng năm. Ví dụ: mưa sao Perseids có tâm điểm là chòm sao Perseus, mưa sao Geminids có tâm điểm là chòm sao Gemini (Song Tử)…. Dưới đây là bảng thống kê 10 trận mưa sao băng lớn nhất diễn ra hàng năm. Đây là những trận sao băng hoàn toàn có thể quan sát dễ dàng tại Việt Nam vào những ngày cực điểm. Người quan sát sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều vào trận mưa sao băng lớn nhất năm sẽ diễn ra vào tháng 8 tới là mưa sao băng Perseids.
Hương Thi Theo Infonet |
Theo Zing