Có phải Trung Quốc mới là người đầu tiên khám phá ra Châu Mỹ?
Chúng ta vẫn biết rằng Christopher Columbus là người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ, tuy nhiên có nhiều ý kiến tin rằng Trung Quốc tìm ra Châu Mỹ trước cả Columbus. Vậy thực tế ai mới là người đầu tiên đặt chân lên Thế Giới Mới?
Năm 1405 dưới triều Minh, một thái giám Trung Quốc người dân tộc Hồi có tên Trịnh Hòa đã thực hiện chuyến đi đầu tiên trong 7 chuyến đi của ông từ phía tây Trung Quốc qua Ấn Độ Dương. Trong 30 năm tiếp theo, theo chỉ huy của hạm đội lớn nhất thế giới và được tài trợ bởi hoàng đế nhà Minh, ông đã đến bờ biển phía đông châu Phi và đi sâu vào Vịnh Ba Tư.
Những chuyến đi phía trên đều đã được chứng minh là có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, một số người tin rằng ông đã đi xa hơn, đặc biệt là sau khi xuất hiện bản đồ “Bảng xếp hạng chung của thế giới hội nhập” ra đời vào thế kỉ 18, bản sao của một bản đồ đã từng xuất hiện vào năm 1418.
Nếu bản đồ này được chứng thực thì lịch sử sẽ được ghi lại, vì nó cho thấy rằng Trịnh Hòa đã đi vòng quanh thế giới, không những thế, có khả năng ông đã phát hiện ra Châu Mỹ trước Columbus tới 70 năm.
Theo Economist, bản đồ được ra mắt công chúng vào năm 2001 khi một luật sư người Thượng Hải, Liu Gang, cho biết ông đã mua nó từ một đại lý ở địa phương với giá khoảng 500 USD. Ông tin bản đồ này chứng minh rằng Trịnh Hòa đã đi tới cả hai Cực, Châu Mỹ, Địa Trung Hải và Úc. Năm 2003, Gavin Menzies sử dụng bản đồ này như là bằng chứng cho cuốn sách của ông “Năm 1421: Trung Quốc đã khám phá ra thế giới”.
Bản đồ rất chi tiết, nó cho thấy hai bán cầu của thế giới, một quy ước để mô tả trái đất tròn trên mặt phẳng. Các đường nét của Bắc Mỹ và Nam Mỹ rất rõ ràng, cũng như những con sông chạy ra biển. Chúng ta có thể nhìn thấy Bắc Cực và dãy Himalaya, được đánh dấu là dãy núi cao nhất thế giới. Trên đó có một số điểm mang đặc trưng của Trung Quốc như phần vẽ biển có màu xanh và hình sóng chìm, cũng như những chữ chú thích về các địa điểm.
Tuy nhiên đó chính là những yếu tố tiết lộ sự thật, chỉ có người châu Âu mới có thể mô tả thế giới theo cách này. Các nhà thám hiểm châu Âu đã hoàn thành chuyến đi trong suốt hàng trăm năm, 30 năm của Trịnh Hòa mà đã có thể phác họa chi tiết các địa điểm, thậm chí cả những con sông, thì đó gần như là điều không thể xảy ra. Bắc Cực lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ thời nhà Minh vào năm 1593, còn dãy núi vĩ đại nhất của thế giới được đưa vào bản đồ ở thế kỷ 19.
Giáo sư Timothy Brook của Đại học British Columbia nhận xét: “Bản đồ này thật sự vô lý“. Ông tin rằng những gì chúng ta nhìn thấy là một bản sao của bản đồ châu Âu ra đời từ những năm đầu thế kỷ 17.
Tuy nhiên theo vị giáo sư này, bản đồ trên vẫn chứa điều thú vị, bởi những câu chuyện gắn liền với nó và sự cường điệu về Trịnh Hòa. Ông ta chắc chắn là một nhà hàng hải tuyệt vời, nhưng đã gần như bị lãng quên cho đến cuối những năm 1990 khi mọi người bắt đầu tìm hiểu về ông và thái giám này đã được coi như một người anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Như Brook nói: “Phương Tây đã có Columbus và Trung Quốc cần một người như vậy“.
Cuộc tranh luận về tính xác thực của bản đồ này cũng chính là cuộc tranh luận về vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi Trịnh Hòa là một trong những nhà sáng tạo vĩ đại của Trung Quốc và là một ví dụ chứng minh Trung Quốc đã từng giao lưu hòa bình với các nước khác. Mặc dù ông không tuyên bố rằng Trịnh Hòa khám phá ra Châu Mỹ, nhưng hành trình của ông là nguồn cảm hứng cho con đường tơ lụa mới trên biển hiện đang được xúc tiến để mở rộng thương mại và ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nước khác.
Mục đích của Columbus và Trịnh Hòa là hoàn toàn khác nhau. Nhiệm vụ của Columbus là thương mại, còn nhiệm vụ của Trịnh Hòa là hộ tống các sứ thần từ những vùng xa xôi về nước để cho hoàng đế tỏ lòng tôn kính với hoàng đế Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ), người đã chiếm đoạt quyền lực từ cháu trai của mình và cần phải tìm cách để khẳng định quyền lực.
Sau khi Trịnh Hòa qua đời, những cuộc thám hiểm trên biển của Trung Quốc cũng kết thúc bởi vào thời điểm đó, vị hoàng đế mới lên ngôi không có ý định tài trợ cho những cuộc thám hiểm tốn kém. Điều gì sẽ xảy ra nếu các hạm đội Trung Quốc được phép tiếp tục cuộc hành trình là một trong những câu hỏi lớn của lịch sử. Trong khi Columbus tiếp tục hành trình của mình đến Thế Giới Mới, thì Trịnh Hòa đã ra đi một cách yên bình ở trên biển hoặc tại ngôi nhà ông sinh sống, và cho đến nay chỉ một số ít người Trung Quốc biết đến ông.
Tuy nhiên, dù bản đồ này có thể là giả nhưng vẫn có những bằng chứng khác về việc người Trung Quốc cổ đại đã khám phá ra châu Mỹ trước cả Columbus.
Nhà nghiên cứu John Ruskamp cho biết đã tìm thấy những kí tự tượng hình của người Trung Quốc cổ đại được khắc trên những hang đá ở Califonia, New Mexico và Arizona, trong đó có một chứng tích vừa được tìm thấy có thể đã xuất hiện từ cuối thời nhà Thương của Trung Hoa, tức là trước lúc Comlombus đặt chân lên châu Mỹ cả 2.500 năm.
Ông còn cho rằng các nhà thám hiểm Trung Quốc có thể đã đi khắp Bắc Mỹ hàng ngàn năm trước và để lại những vết tích chứng minh cho sự hiện diện của họ.
Ông khẳng định những dấu tích là không thể là giả mạo, bởi vì nó rất tự nhiên, có những vết sờn theo năm tháng, bị ảnh hưởng bởi thời tiết… Ông còn chỉ ra rằng ADN của người Mỹ bản địa và người châu Á có những nét tương đồng, chứng tỏ người châu Á đã có “trao đổi” với người Mỹ bản địa và họ sống hòa thuận cùng nhau trước khi người châu Âu đặt chân lên châu Mỹ rất lâu.
Tuy nhiên, quan điểm của ông cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối vì có quá ít bằng chứng cho thấy người Trung Quốc từng có mặt ở Thế Giới Mới, một cách gọi khác của châu Mỹ.
Vậy còn bạn, bạn có nghĩ rằng Trung Quốc mới là người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn với chúng tôi bằng cách bình luận ở bên dưới nhé!
Tổng hợp