Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc…

16/11/18, 17:12 Cuộc sống

“Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?”. Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc và tôi đã lớn lên cùng những điều đó.

Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc...H1
“Điều gì khiến bạn cảm thấy thực sự là người Việt?”. (Ảnh: PhatNguyen)

Tình cờ đọc được một trang trong cuốn The Sympathizer của nhà văn gốc Việt từng được giải thưởng Pulitzer năm 2016 Nguyễn Thanh Việt – dòng tâm sự được đặt bút với câu hỏi “Điều gì khiến bạn cảm thấy thực sự là người Việt?”, tôi nhớ một đoạn lược ngắn của câu chuyện như sau.

“…Tôi đến một cửa hàng, hình như đó là một hiệu thuốc. Có một người đàn ông gốc Á ngồi cạnh tôi, có lẽ ông ấy là người Việt Nam. Tôi có thể nhìn ai đó và đoán “Bạn chắc hẳn là người Việt”. Ông ấy gọi điện thoại cho con của mình và nói chuyện bằng tiếng Việt. Ông nói: Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?…

Nếu như bạn không biết tiếng Việt, câu của ông ấy dịch ra chỉ đơn giản là “Hello, child. This is your father. Have you eaten yet? Have you eaten rice yet? Câu đó chẳng có nghĩa gì quá to lớn trong tiếng Anh nhưng với tiếng Việt, nó chất chứa mọi điều. Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa? Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc và tôi đã lớn lên cùng những điều đó.

Khi nghe thấy, tôi gần như bật khóc. Và đó là lúc tôi biết mình là người Việt Nam… Lịch sử có ý nghĩa lớn lao với tôi, văn hóa Việt Nam ăn sâu vào tâm thức tôi, kể cả tiếng Việt của tôi không sõi, tôi vẫn cảm thấy gắn kết với Việt Nam…

Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc...H2
“Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa? Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc và tôi đã lớn lên cùng những điều đó. (Ảnh: t/h)

Có nhiều cách để ai đó nhận ra mình là người Việt Nam, cũng như nhận ra mình là người Pháp, người Mỹ. Chừng nào tôi vẫn nhận ra mình là người Việt Nam, trái tim vẫn thổn thức vì những điều quá đỗi Việt Nam, tôi vẫn là người Việt Nam. Đó chính là lúc, tôi nhận ra con người Việt Nam trong mình”.

Mắt tôi nhòa đi, rưng rưng trong câu chuyện ngắn của Nguyễn Thanh Việt. Ngôn ngữ là nền tảng của văn hóa và chỉ với tiếng Việt, tôi thấy tình cảm gia đình, những thứ cảm xúc gần gũi, giản đơn mà dạt dào ấy được bồi đắp trong từng câu nói đời thường. Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng tiếng Anh, tiếng Pháp, trau dồi thêm bao thứ ngôn ngữ Nhật, Trung, Hàn, các hệ chữ latin hay ký tự nhưng nếu ai hỏi “have you eaten yet?”, tôi chỉ biết đáp rồi hay chưa.

Chúng tôi lớn lên cùng thứ ngôn ngữ mà câu hỏi không chỉ để hỏi – đó là lời chào, sự động viên, tình cảm hay quan tâm chân thành. Tiếng Việt của chúng tôi không chỉ là công cụ giao tiếp, đó là một tín hiệu của sự thân thuộc, của quê hương, của “nhà” giữa nơi xa lạ.

Lần đầu tiên tới châu Âu khi 18 tuổi, cô bạn tôi lo lắng khi không tìm được đường từ trạm chờ xe bus về nhà. Tuyết càng rơi, trạm chờ xe bus vắng lặng con bé càng sợ; đến khi có một người phụ nữ bước tới, hỏi nó bằng thứ tiếng Việt đặc sệt như mấy Việt Kiều nó thấy trên tivi “Con ơi, con bị lạc đường à?”, con bé ôm chầm và òa khóc, tiếng khóc rất đỗi Việt Nam.

“Lúc ấy tao không mảy may nghĩ tới người phụ nữ ấy có phải người xấu hay không, cũng không khóc vì quá sợ hãi. Nhưng tao bỗng nhớ nhà, nhớ Việt Nam quá khi cô ấy hỏi bằng tiếng Việt. Chừng nào một câu tiếng Việt còn khiến tao khóc ngon lành hay cười vui khi chợt nghe thấy trên tàu điện, lúc đó tao còn biết rõ, dù có ở đây bao lâu, đất nước này cũng không phải quê mình. Việt Nam là nhà, mày ạ”.

Tôi nhớ lại câu thơ của Lưu Quang Vũ, tiếng thơ hiếm hoi ngợi ca tiếng Việt: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…” Chừng nào từng câu từ, con chữ trong tiếng Việt còn khiến người ta rung động thì tình yêu đó cho tiếng Việt cứ âm thầm theo thời gian. Bởi vì trong tiếng Việt, có những câu từ của cảm xúc chẳng thể cắt nghĩa trọn vẹn sang một ngôn ngữ khác.

Tôi gặp Khôi khi cậu về nước cách đây một năm và ra Hà Nội. Theo bố mẹ qua Mỹ từ năm 6 tuổi, số lần Khôi về Việt Nam chắc chỉ được dăm ba lần. Ký ức Sài Gòn trong cậu có lẽ dần phôi phai, mang theo cả câu từ bập bẹ của trẻ lên sáu. Khôi kể dù ở nhà ba mẹ vẫn nói tiếng Việt, cậu đã quen với việc giao tiếp tiếng Anh với bạn bè và tiếng Việt dần thành một thứ ngôn ngữ xa lạ.

Tốt nghiệp đại học, cậu quyết định rời Mỹ một thời gian, về Việt Nam 3 tháng thực tập trong một công ty kiến trúc quốc tế có trụ sở ở Sài Gòn. Rồi Sài Gòn cũng đem đến cho cậu một tình yêu chớm nở, không phải đầu đời nhưng rung động đậm chất Á Đông, một cô gái Việt Nam bình thường nhưng với cậu ấy lại vô cùng lạ lẫm. Ngày Khôi rời Sài Gòn, cô gái nhắn cho anh một dòng tin nhắn: “Khôi ơi, anh có thương em không?”.

“Anh thương”, anh biết rằng mình sẽ phải về Việt Nam lần nữa.

“Lúc đó, em không biết thương là gì, trong tiếng Anh có Love là yêu, Like là thích, còn thương ra sao? Nhưng có gì đó trong em biết rằng, em cũng thương cô ấy, một thứ tình cảm thuần Việt mà chỉ có tiếng Việt mới giúp em nói hết được. “Thương” và “Ơi” – 2 từ em có cố gắng cả đời cũng không dịch ra được. Dù đi từ 6 tuổi hay 1 tuổi, em vẫn nghĩ mình là người Việt khi cảm nhận được hết những điều ấy”, cậu ấy từng kể với tôi. Kỳ diệu làm sao khi người ta bỗng nhận ra “danh tính” của bản thân chỉ qua vài từ giản đơn.

Từng có lúc, tôi nghĩ sẽ muốn đi tới một nước xa xôi, đi đâu khỏi nhà thật xa để biết rằng nhớ nhà là như thế nào, rằng có nhớ bố mẹ nhiều thế không. Hôm đó là gần Giáng sinh, 22/12. Hai tuần cho một hội nghị sinh viên cũng kết thúc, chúng tôi chuẩn bị ra sân bay Suvarnabhumi về Hà Nội. “Đáng nhẽ không bao giờ nên bay vào lúc 5-6h chiều”, tôi lẩm bẩm, chiều buông một màu ảm đạm. Chẳng nói được gì với anh tài xế nên chỉ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tắc đường, nhưng còn sớm nên không lo. Thấy cái không khí cũng ngột ngạt quá, dòng xe thì còn dài dài, anh tài xế hỏi vài câu cho vơi bớt cái khoảng lặng trên xe.

“Do you miss home?”.

Lúc đó không biết có nhớ nhà không, hai tuần ngắn quá chưa kịp nhớ nhà thì đã phải về. Chỉ lúc ngồi dài thượt trên taxi vì kẹt xe và trước câu hỏi của người tài xế, tôi mới đắn đo chút rồi trả lời “Yes”.

“Nitnoy” – một chút, trong tiếng Thái. Có lẽ anh ấy không nghe thấy.

Ngồi trong phòng chờ cất cánh, tôi ngáp ngắn ngáp dài vì mãi chưa được bay, nhìn ra ngoài cửa thì trời đã ngả dần về đêm. Đang lướt Facebook với chút Wifi giờ chót thì thấy có tin nhắn Zalo. Của mẹ, mẹ chỉ biết dùng Zalo vì được tôi chỉ cho trước khi đi.

Có những điều trong tiếng Việt chất đầy cảm xúc...H3
Trong tiếng Anh có Love là yêu, Like là thích, còn thương ra sao?. (Ảnh: t/h)

“Con à, mẹ đây, con sắp bay chưa?”

Lúc đó, tôi chỉ muốn cái thông báo “chuyến bay mang số hiệu *gì gì đó* sẽ rời tới 19 giờ” bị lỗi rồi người ta mời chúng tôi ra cửa bay luôn. Tôi biết nhớ nhà là gì rồi.

Chúng tôi nợ tiếng Việt một hàm ơn, để chúng tôi có thể chia sẻ với nhau niềm yêu thương quan tâm mà không cần phải nói thẳng ra bao điều còn ngại ngùng: Con yêu ba/con yêu mẹ nhiều lắm, con nhớ nhà lắm, con muốn về gặp mọi người quá.

“Con ơi, mẹ đây, tuần này con có về thăm nhà không?”

“Ba ơi, con đây, cả nhà đã ăn tối chưa”

“Con ơi, ba đây, con đang làm bài à?

Từng cái danh từ nhân xưng, từng cái “đây” thể hiện sự hiện diện một cách thân tình, rồi hậu tố không, à, chưa với những tông giọng trầm trầm tình cảm khiến mỗi câu, mỗi từ Tiếng Việt được thốt ra chan chứa sự luyến thuộc mà ngôn ngữ thế giới không thể truyền tải trọn vẹn tới những người con đất Việt.

Tôi không quên được một buổi chiều trong bệnh viện khi vào thăm người thân. Lúc ra về, khi đi qua khoa Nhi, tôi thấy một chiếc giường nhỏ đầy người vây quanh: một ông bố, bà mẹ, vài y tá và bác sĩ. Ông bố quỳ dưới chân giường, nhìn đứa trẻ rồi nói: “Con ơi, ba nè, con dậy đi con?”. Người mẹ bần thần bên giường, mấy cô y tá buồn bã, tôi không dám đứng nhìn, nghèn nghẹn nước mắt. Một nỗi buồn sao mà Việt Nam quá, hay chỉ có người Việt Nam sẽ hỏi vậy? “Dậy đi con, ba con thương con lắm đó, dậy đi rồi cả nhà lại đi chơi…”

Tôi biết mình là người Việt Nam khi những cuộc trò chuyện đời thường cũng gieo vào mỗi người cảm giác thân thuộc và tình yêu gia đình, để rồi chúng ta bật khóc lúc nào không hay. Sự nhạy cảm mong manh ấy, chúng ta có quyền tự hào vì nó.

>>> Ngôn ngữ Sài Gòn và những từ vay mượn từ tiếng Pháp

Theo CafeF

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x