“Có một Sài Gòn trong lòng Sài Gòn”
Nếu có ai đó hỏi cô Sài Gòn có gì đặc biệt? Chắc cô cũng phải mất một lúc để suy nghĩ: “Ừ, Sài Gòn có gì đẹp thế nhỉ? Nó có đủ thứ, cái gì cũng không thiếu, có cái gì riêng nhỉ?“.
Hôm trước, có chị quản lý nhân sự công ty rủ mấy chị em trong hội hay tám đi thăm Sài Gòn một bữa để giải khuây, tối ngày cặm cụi vào cái máy tính rồi đứa nào đứa nấy cũng đơ ra cứ như người vô hồn. Chị ấy khen có chỗ này của Sài Gòn hay lắm, nguyên văn câu giới thiệu thế này: “Vào cái chung cư như lạc vào nguyên cái Sài Gòn nhỏ!” À, vậy là có một Sài Gòn trong lòng Sài Gòn? Nghe thấy là lạ nên cũng háo hức muốn đi, xem rốt cuộc cái “Sài Gòn trong lòng Sài Gòn” ấy như thế nào.
Theo dự định, đúng đầu giờ trưa mấy chị em bắt đầu xuất phát, chung cư Lý Tự Trọng nằm trên đường Đồng Khởi. Hai bên lối vào đầy ắp tranh sơn dầu được bày bán. Thấy mấy bức tranh cũng đẹp tính chụp lại làm kỉ niệm mà người ta để cái biển rõ to: “No Camera”. Thôi thì đành vậy.
Chị quản lý dắt mấy đứa lên lầu, lúc đầu cũng chả hiểu lên trên đấy thì có cái gì nữa. Nhưng mà đúng là lên rồi mới biết, nhỏ nhỏ thế thôi chứ bên trong cái gì cũng có. Bởi cũng đến giờ ăn trưa nên chị dẫn mọi người vào một quán cơm văn phòng ở đây. Nghe lạ lắm phải không, ấy mà chắc chẳng lạ với những ai làm việc gần đây.
Nhìn hai hàng tranh tĩnh tĩnh ngoài hành lang, ngỡ tưởng một nhà hàng yên tĩnh ấy vậy mà vừa bước vào thì cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn. Một nhà ăn toàn người là người, đông náo nhiệt, dân văn phòng từ các tòa nhà xung quanh hình như đều đổ xô hết vào đây hay sao ấy. Từng đoàn người, từng đoàn người cả Việt Nam lẫn nước ngoài, chị mặc váy, cô mặc đầm, anh áo sơ mi… họ rôm rả nói chuyện, rôm rả bình luận…Còn mấy em nhân viên thì chạy tới chạy lui: “Bên này khách mới vào, bên này order…” Cô nghĩ có khi muốn giảm cân chắc đến đây phụ bán cơm buổi trưa được, thấy mấy em vất vả quá, nhưng nghĩ nghề bán cơm vậy mà, có khách đông thế này thì mới vui cho được. Đông thế mà mọi thứ rất đâu ra đấy, bàn ăn lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng.
Quán ăn được bài trí rất đơn giản, mấy bộ bàn ghế gỗ bóng loáng, một cái quầy bar dài gần hết chiều ngang quán, mấy bức tranh treo tường đơn giản, tường nhà để nguyên xi măng mà chẳng vôi ve gì cả. Thế thôi mà khách họ lại thích. Hàng ăn tấp nập nhưng có cái cửa sổ treo đầy cây và hoa, tự nhiên thấy bình yên đến lạ.
Ăn xong mấy chị em kéo nhau đi thăm thú đây đó, trong này hầu hết là các shop thời trang mang hơi hướng cổ điển, những quán cà phê với phong cách bài trí mộc mạc tất cả đều hòa mình trở nên đồng điệu cùng với vẻ ngoài cổ kính của chung cư. Có một điều làm cô cứ ấn tượng mãi, phía cuối hành lang tầng 3 có một khung cảnh thấy quen mà cũng thấy lạ. Chẳng biết cô đã nhìn thấy nhà thờ Đức Bà bao nhiêu lần rồi, nhưng một nhà thờ Đức Bà trong khung cửa sổ như thế này thì chưa bao giờ.
Chỉ cách nhau có mấy bước chân thôi mà Sài Gòn đổi thay nhanh quá, ngay phía bên con đường đối diện với cái chung cư cổ là một Vincom vừa lộng lẫy, vừa sang trọng. Vincom là một trung tâm mua sắm chủ yếu dành cho dòng xã hội chủ lưu và khách nước ngoài. Hòa vào đây, là hòa vào một không gian hoàn toàn đối lập, hòa vào dòng người đang hối hả tấp nập. Ở đây đa phần vẫn là những shop thời trang, những quán ăn,… nhưng không giống “Sài Gòn bên kia đường đâu”.
Chả hiểu sao đâu đâu hàng quán nào cũng có cái hiện đại thì rất mực hiện đại, cổ thì đặc biệt cổ. Đúng là ở Sài Gòn thế mà trước giờ cô vẫn không biết, phải chăng nét độc đáo của Sài Gòn lại chính là sự pha trộn khéo léo giữa hiện đại và cổ điển.
Sài Gòn xưa được ví như “Hòn ngọc viễn đông”, giờ đây liệu nó còn thế nữa không? Người ta thích những cái cổ vì lẽ gì cơ chứ? Vì thẩm mỹ, vì những hoài niệm đã trở thành xưa cũ hay vì một thời huy hoàng đã qua, mà chỉ khi lạc bước vào những nơi như thế này người ta mới cảm thấy như được sống lại trong đó? Mỗi lần nhìn về những âm điệu cổ người ta thấy sự giản đơn và trong sáng, người Sài Gòn ngày ấy cũng vô tư và thản nhiên như vậy, con người ngày ấy không xô bồ chen chúc nhiều như bây giờ. Nghĩ về những điều đã cũ, con người như tìm kiếm được sự bình yên và thư thái, không còn nhịp chảy hối hả, tấp nập. Khi bước vào một nơi như thế, người ta sẽ cảm thấy tâm tư của mình trở nên tĩnh lại.
Giờ mới ngẫm lại “Sài Gòn trong lòng Sài Gòn” ấy không phải là Sài Gòn của bây giờ, đó là Sài Gòn đã cũ, đã qua, là Sài Gòn của những kỉ niệm.
Đang đi bỗng dưng bé Xù hỏi: “Chị ơi, sắp đến Trung Thu mà sao chả thấy gì hết vậy?”.
Ừ, giờ cô mới nhớ là sắp đến Trung Thu rồi, Sài Gòn đang đắm mình trong những ngày giữa tháng chín. Phải chăng vì chẳng có khúc chuyển mùa rực rỡ mà cô không nhận ra thu đến rồi?
Vậy thu Sài Gòn có gì nhỉ?
Có mưa, những cơn mưa rào bất chợt…
Mùa thu Sài Gòn không giống những ngày thu ngoài Bắc, lá vàng rơi hay trời se lạnh gì đâu. Nơi đây vẫn những con người đó, họ vẫn mặc chiếc áo cộc quần jean chỉ khác chăng là họ lúc nào cũng mang theo cái áo mưa hoặc chiếc ô bên mình.
Chắc nhiều người nghĩ trung tâm của Sài Gòn thì hẳn cuộc sống ở đây ồn ào náo nhiệt lắm, cô thấy hình như không phải vậy, nhịp sống ở đây dường như chậm hơn so với các quận xung quanh, và mùa thu thì còn chậm hơn thêm cả 1 nhịp nữa.
Chiều thu Sài Gòn hôm ấy không có những vệt nắng vàng và những cơn gió nhẹ, chiều thu ấy mưa ướt mái tóc em…
Sài Gòn ơi, đã cuối thu rồi sao?
NS, theo Tinh Hoa