Có một “nghĩa trang tàu vũ trụ” nằm sâu bên dưới Thái Bình Dương
Điều gì sẽ xảy ra với tàu vũ trụ khi nó không còn hoạt động? Khi một tàu vũ trụ đã hoàn thành nhiệm vụ hay hết nhiên liệu, nó sẽ được đưa đến nơi mà NASA gọi là ‘Nghĩa trang Tàu vũ trụ’, tọa lạc dưới đáy biển Thái Bình Dương, nơi cách xa đất liền nhất so với bất kỳ điểm nào trên Trái Đất.
Địa điểm giữa đại dương này có nhiều tên: người ta gọi nó là Point Nemo (mang nghĩa “không ai cả” trong tiếng Latin) hay tên khác là Cực Đại dương Bất khả Tiếp cận. Tọa độ chính xác của nó là 48 độ 52,6 phút độ Vĩ nam, 123 độ 23,6 phút kinh Tây, cách bờ biển Phía đông của New Zealand hơn 4.800km.
Nơi đây nằm ngoài vị trí định vị của tàu thuyền và là địa điểm lý tưởng để chôn vùi những con tàu vũ trụ, hay các trạm vũ trụ đã hoặc đang chuẩn bị ngừng hoạt động. NASA dự đoán tỷ lệ rủi ro tàu vũ trụ đâm vào ai đó ở đây xấp xỉ khoảng 1/10.000.
Kể từ năm 1971, hơn 263 tàu vũ trụ từ 4 quốc gia đã rơi xuống đây. Cho đến nay, mảnh rác lớn nhất tại nghĩa địa là phòng thí nghiệm vũ trụ MIR của Nga, là một mớ kim loại nặng 120 tấn bị vứt xuống vào năm 2001. Dự báo Trạm vũ trụ quốc tế ISS cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ ở đây vào khoảng năm 2024. Mỗi tàu vũ trụ được “chôn” ở độ sâu 4km dưới đáy biển và thợ lặn hầu như không có cơ hội quan sát chúng.
Mặc dù vậy, những con tàu vũ trụ này không nhất định là được gom lại cùng nhau. Theo NASA, một vật thể lớn như Thiên Cung-1 có thể vỡ ra và các mảnh vụn có thể rơi phân tán trong một khu vực hình oval với chiều dài trục lớn là khoảng 1600 km, trục nhỏ khoảng vài chục km. Trong khi đó, nghĩa địa Point Nemo trải rộng trên diện tích 17 triệu km2, do vậy rất khó theo dõi một mảnh cụ thể nào đó.
Có một nghịch lý là các trạm vũ trụ ở bên ngoài không gian lại gần nghĩa địa này hơn là nơi con người sinh sống. Chẳng hạn như Trạm không gian quốc tế (ISS) trên quỹ đạo cách Point Nemo 400km, trong khi Đảo Phục Sinh, được coi là nơi có người ở gần nhất với khu vực này lại cách xa hơn 2.600km.
“Tang lễ” của các con tàu vũ trụ diễn ra như thế nào?
Tang lễ chấm dứt sự sống của các con tàu vũ trụ đều được tính toán một cách chính xác và cẩn thận để tránh không gây ra bất cứ mối nguy hiểm nào. Để “chôn” một con tàu trong nghĩa địa này, các cơ quan không gian phải dành thời gian để điều khiển và kiểm soát nó rơi đúng nơi.
Những tàu vũ trụ lớn thì bị phân thành nhiều mảnh và các mảnh vỡ của chúng kết thúc tại Điểm Nemo. Còn những vệ tinh nhỏ thường không thể đến được Điểm Nemo, vì theo NASA giải thích, “nhiệt do ma sát với không khí ở tốc độ hàng nghìn dặm một giờ sẽ đốt cháy vệ tinh đó”.
Theo ông Holger Krag, giám đốc ban phụ trách mảnh vỡ vũ trụ của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu, các cơ quan vũ trụ được tự do sử dụng vùng này. Nhưng khu vực nằm dưới sự quản lý chung của các cơ quan hàng hải và hàng không Chilê và New Zealand. Họ được thông báo trước vài ngày trước khi có một vật thể được đưa ra khỏi quỹ đạo và chịu trách nhiệm thông báo cho các phi công hay thủy thủ tránh khu vực đó càng xa càng tốt.
Điểm Nemo cũng là nơi an nghỉ của các trạm vũ trụ. Khi trạm vũ trụ có quỹ đạo quá gần Trái Đất, các chuyên gia sẽ cắt luôn năng lượng, đưa nó xuống thấp hơn, sau đó kích hoạt nguồn năng lượng cuối cùng, đưa nó rơi vào khí quyển, thẳng xuống khu vực đã được chuẩn bị sẵn.
Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra một số sự cố ngoài ý muốn. Chẳng hạn vào năm 1979, xác của trạm vũ trụ Skylab của Mỹ đã rơi không trúng địa điểm và bị nổ thành nhiều mảnh tại khu vực phía Tây Australia. Hiện nay, các mảnh vỡ của Skylab vẫn được trưng bày tại một số bảo tàng. Một sự cố khác cũng xảy ra đối với trạm vũ trụ Salyut-7. Vào năm 1991, nhiều mảnh vỡ của trạm vũ trụ Salyut-7 đã rơi xuống lãnh thổ Argentina. Thật may mắn là không có trường hợp thương vong nào trong các sự cố này.
Thùy Linh (t/h)