Có một Đền Hùng cổ kính giữa Sài Gòn mà không phải ai cũng biết
Đền thờ Vua Hùng toạ lạc tại số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ 1927 – 1929 với cái tên Đền Tưởng Niệm An Nam, nhằm tưởng nhớ những binh sĩ người Việt tử trận trong Thế chiến I.
Một sự kiện mà ít người biết đến, đó là từ năm 1914 -1918, khoảng 92.000 người lính Việt Nam đã chiến đấu trong lực lượng vũ trang Pháp thời Thế chiến I, ước tính có đến 12.000 người trong số đó đã thiệt mạng.
Năm 1920, chính quyền miền Nam quyết định xây dựng một đài tưởng niệm Thế chiến I và đài tưởng niệm để tôn vinh tất cả những người đã chiến đấu và hy sinh cho Pháp trong Thế chiến I.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam ở Sài Gòn cảm thấy nên có một đài tưởng niệm dành rất nhiều lính địa phương đã hy sinh trong chiến tranh, và nên lấy hình thức truyền thống của một đền thờ để thờ phụng.
Sau cuộc thảo luận rộng rãi, mọi người đã quyết định rằng ngôi đền này tôn vinh không chỉ những người Việt Nam đã chết vì chiến tranh, mà còn là những nhân vật lịch sử vĩ đại gắn liền với miền Nam.
Do đó vào năm 1921, chính quyền miền Nam đã cấp một mảnh đất bên cạnh Vườn Bách Thảo và một ủy ban được thành lập dưới sự bảo trợ của Thống đốc Leigh Gallen để gây quỹ cho việc xây dựng Đền Tưởng Niệm An Nam.
Chiến dịch gây quỹ hướng đến cộng đồng người Việt giàu có của Sài Gòn – “những người giàu có, chủ tiệm, công chức và những người có thân nhân đã chiến đấu và hy sinh để mang lại hạnh phúc cho mọi người”.
Đến năm 1927, số tiền quyên góp được là 48.000 đồng bạc. Tháng 11/1927, khi kiến trúc sư Auguste Delaval được ủy nhiệm để thiết kế bảo tàng thành phố mới, ông cũng được giao trách nhiệm thiết kế và giám sát việc xây dựng Đền Tưởng Niệm An Nam ở địa điểm bên cạnh.
Đền Tưởng Niệm được khánh thành cùng ngày với Musée Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 1/1/1929. Theo tờ Le Monde, Đền Tưởng Niệm là “nơi mà những nhân vật vĩ đại của lịch sử, những nhà hảo tâm của nhân dân, các nhà văn tài năng và những người đã hy sinh trong Thế chiến I sẽ được kết hợp trong một nơi thờ tự duy nhất”.
Những con rồng được điêu khắc tại những bậc thang bằng đá dẫn đến ngôi đền, được thiết kế theo phong cách đặc trưng của lăng mộ Nguyễn – triều Huế, với mái vòm ba tầng được trang trí rồng và phượng.
Tờ báo mô tả ngôi đền là “một tòa nhà theo phong cách An Nam thuần túy, nội thất được trang trí bằng những họa tiết điêu khắc bằng những con rồng và những động vật tượng trưng khác (sếu, lân, rùa và chim phượng)” và “những bức tường xây dựng kết hợp độ bền với sự sang trọng tinh tế của các dãy cột và những bức khảm làm từ gỗ quý”.
Ở trung tâm của ngôi đền được đặt “một tấm bia bằng đá cẩm thạch, bên cạnh là những cái tên nổi tiếng như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Vĩnh Ký, Tổng đốc Lộc, Tổng đốc Phương, Paulus Của và Lê Quang Hiến, được khắc khiêm tốn hơn nhưng không kém phần vinh quang cho những người An Nam dũng cảm đã chết trên chiến trường”.
Tờ báo cũng kết luận rằng “đây cũng như một nơi thiền định và hành hương cho người An Nam, tượng đài cũng sẽ là một kiệt tác mà du khách nước ngoài sẽ đến để đánh giá cao vẻ đẹp của nghệ thuật địa phương”.
Năm 1955, ngôi đền được xây dựng lại để tưởng nhớ đến ông tổ của người Việt là Vua Hùng, chính thức đổi tên thành Đền Quốc tổ Hùng Vương (Đền Tổ Hùng Vương), mặc dù ngôi đền vẫn được biết đến một cách rộng rãi là Đền Tưởng Niệm.
Hàng năm, vào ngày 10/3 Âm lịch, ngôi đền lại tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm ghi nhớ công ơn dựng nước Việt của các Vua Hùng.
Trong sân ngay phía trước Đền Hùng là tượng voi bằng đồng ba tấn được gắn trên một bệ bê tông hình chữ nhật. Đây là món quà của Vua Rama VII của Thái Lan gửi tặng nhân chuyến thăm đầu tiên tới Đông Dương vào ngày 14/4/1930.
Tuệ Tâm (Theo HV)