“Có mẹ ở đây con đừng sợ…”
Câu chuyện về cách ứng xử của một người mẹ khi nghe tin con lấy trộm tiền ở trường dưới đây sẽ là một bài học hữu ích cho các bậc phụ huynh khi giáo dục con. Bạn hãy luôn là người mẹ tin tưởng và hiểu rõ con mình nhé!
Hôm ấy mẹ đang ở chỗ làm thì được thông báo có ai gặp qua điện thoại. Mẹ cầm máy lên và nghe tiếng con đang khóc nức nở ở đầu dây bên kia: “Mẹ ơi con sợ quá…con không biết làm sao…”.
Mẹ chưa kịp hỏi có chuyện gì thì một giọng người lớn chen ngang nghe khá thô lỗ: “Mời chị tới trường cháu X gấp để giải quyết việc quan trọng!”.
Đầu bên kia tút tút, chứng tỏ đã dập máy. Sốt ruột vì nghe tiếng con nức nở, mẹ vội xin nghỉ để tới trường xem sao.
Người mẹ đạp xe dưới trời nắng nóng mà trong lòng lo lắng ngổn ngang. Tới trường, dựng xe xong mẹ vội vào ngay phòng họp của giáo viên theo lời người nói trong điện thoại.
Con đang ngồi thu lu một góc, nước mắt chảy dài trên má, mắt đỏ hoe, mặt cúi xuống, toàn thân run rẩy như tàu lá héo vừa bị vùi dập bởi cơn bão dữ dằn. Thấy mẹ vào con nhìn nhưng không dám đứng lên chạy lại ôm chầm lấy mẹ như mỗi khi đi học về.
Xung quanh con là ba người lớn, hiệu trưởng, giáo viên bộ môn và cảnh sát.
Mẹ chào họ rồi chạy tới vuốt tóc con như muốn động viên cho con đỡ sợ. Mẹ hỏi con có chuyện gì vậy. Con chưa kịp trả lời thì một người là giáo viên đã cắt lời: “Chị xem nên dạy con cái thế nào, con chị đã lấy trộm 1.000 đồng trong ví của tôi. Học trò mà lại ăn cắp tiền của giáo viên như thế có chấp nhận được không?”.
“Có đúng là con lấy tiền của cô giáo không con? Có mẹ đây con đừng sợ, mẹ luôn tin con mẹ là người trung thực. Cho dù con có phạm phải sai lầm gì, vẫn có cơ hội để sửa. Con hãy nói thật cho mẹ và mọi người biết nhé!”
Nghe giọng sang sảng đầy tức tối của cô giáo đó, con như càng bé lại, người run bần bật, nước mắt thêm trào. Mẹ chỉ kịp nói câu xin lỗi với cô giáo đang phừng phừng vì tức giận rồi vẫn đứng cạnh con, một tay xoa đầu để truyền thêm sức mạnh cho con vốn rất cần lúc bấy giờ, một tay mẹ nâng khuôn mặt đẫm nước mắt của con lên và hỏi nhẹ nhàng:
“Có đúng là con lấy tiền của cô giáo không con? Có mẹ đây con đừng sợ, mẹ luôn tin con mẹ là người trung thực. Cho dù con có phạm phải sai lầm gì, vẫn có cơ hội để sửa. Con hãy nói thật cho mẹ và mọi người biết nhé”.
Nghe vậy con như thêm dũng khí, con nói với mẹ: “Mẹ ơi may có mẹ tới đây, may mà mẹ nói vậy, con đã muốn chạy ra ngoài nhảy xuống dưới chết đi cho xong”.
Rồi con nói tiếp, mắt nhìn vào mẹ vốn cũng đang dịu dàng nhìn con, ánh mắt ngập tràn tình yêu thương và sự tin tưởng, “lúc nãy giờ ra chơi tự dưng cô giáo gọi con lên và hỏi con có lấy tiền cô để trong ngăn kéo bàn không. Con bảo con không lấy nhưng cô vẫn nói con lấy tiền của cô vì cô không tìm thấy tiền mà con chơi gần chỗ đó”.
Mẹ nhẹ nhàng hỏi con: “Vậy sao thầy cô đều bảo con nhận là đã lấy tiền?”.
Con nói với mẹ: “Vì cô giáo bảo nếu nhận tội cô cho về, còn không con phải ngồi lại lớp một mình”.
Người mẹ nghe xong quay ra hỏi cô giáo đang đỏ mặt thay vì hùng hồn mấy phút trước: “Con tôi không lấy tiền, tôi hiểu rõ cháu. Nhưng tôi không hiểu vì sao cô lại nói với cháu như vậy”.
Cô giáo giải thích rằng con mẹ chơi gần bàn một lúc thì cô thấy mất tiền. Chỉ có thể là con chứ còn ai lấy đây?
Mẹ hỏi chú cảnh sát đứng bên: “Anh có thấy bằng chứng gì ngoài việc cô giáo nói rằng con tôi lấy trộm tiền của cô?”.
Chú cảnh sát trả lời, “chúng tôi chưa tìm ra, chỉ nghe nhà trường báo nên mới tới đây điều tra”.
Lúc đó mẹ nói rất dõng dạc: “Nếu chưa tìm ra chứng cứ chứng tỏ con tôi lấy trộm tiền của cô giáo, thì chưa thể kết luận gì. Nhờ nhà trường và anh cảnh sát điều tra kỹ càng, nhưng tôi tin cháu không làm chuyện này. Tôi đề nghị vẫn cho cháu tiếp tục học bình thường và về đúng giờ như các bạn. Đặc biệt khi chưa có bằng chứng rõ ràng, nhà trường không được thông báo về vụ việc để ảnh hưởng tới tâm lý của cháu”.
Hiệu trưởng và viên cảnh sát đều đồng tình, cô giáo bộ môn tuy không vui nhưng không thể nói lại được.
Mẹ nắm chặt tay con, vuốt tóc con rồi nói: “Con hãy về lớp học ngoan nhé, có mẹ đây rồi, con đừng lo gì cả”.
Nghe mẹ nói con tự tin hơn hẳn, chào thầy cô và chú cảnh sát rồi về lớp học. Chiều hôm đó mẹ tới đón con về để tiếp tục động viên con.
Tối hôm ấy hiệu trưởng gọi tới nhà xin lỗi, thông báo rằng qua điều tra, cô giáo bộ môn đã nghi nhầm cho con. Hóa ra cô để tiền trong ngăn kéo phòng giáo viên, nhưng lại nghĩ mang tiền tới lớp học.
Mẹ đã xử sự thật hợp lý để con không bị tổn thương và cuối cùng con đã được minh oan.
Nhiều phụ huynh chưa chắc đã làm được như vậy. Nếu được thông báo con mình mắc lỗi gì đó ở trường, rất có thể một số phụ huynh sẽ vì thấy mất mặt mà mắng mỏ con cái, khiến chúng tổn thương và đôi khi còn gây hậu quả đáng tiếc như trầm cảm hoặc thậm chí là tự tử.
Có trường hợp một cậu bé hay bị cha mắng mỗi khi cô giáo phê bình và gửi tới phụ huynh. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân để khích lệ con tiến bộ, người cha luôn dùng lời lẽ cộc cằn và thái độ dữ dằn đối với con trai. Cậu bé cứ thế dần xa lánh cha ruột mình. Rồi một hôm cậu bé đoạt giải cao trong một cuộc thi, ai cũng biết và cha cậu bé là người biết cuối cùng. Người cha đã hỏi vì sao không kể với cha chuyện vui đó, cậu bé chỉ trả lời: “Con sợ lại bị cha mắng”.
Với con trẻ, tình yêu thương và sự động viên, khích lệ là rất quan trọng, cho trẻ thấy mình được cha mẹ thực sự tin tưởng và yêu quý. Từ đó trẻ sẽ tiến bộ và tự tin hơn, còn ngược lại, chúng ta có nguy cơ khiến con ruột ngày càng xa rời mình.
Theo minhbao.net