Cố đô Huế: Làm sạch Cổng Ngọ Môn bằng hơi nước nóng
Trải qua hàng trăm năm, Cổng Ngọ Môn (Cố đô Huế) đã bị che phủ bởi lớp ô nhiễm hữu cơ sẫm màu. Để làm sạch di tích, các chuyên gia Đức đã dùng một phương pháp đặc biệt giúp loại bỏ hoàn toàn các loại nấm mốc, rêu tảo, địa y và vi khuẩn.
Nằm trong chuỗi chương trình tài trợ văn hóa, công ty Đức Kärcher tiến hành Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn – cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế vào tháng 3/2019. Lễ bàn giao công trình sẽ diễn ra vào sáng 26/4 với sự tham dự của Đại sứ Đức Christian Berger và đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trải qua hàng thế kỷ, khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm và nhiều mưa đã khiến màu gạch nguyên thủy và lớp đá vôi xám của Cổng Ngọ Môn bị che phủ bởi lớp ô nhiễm hữu cơ sẫm màu. Điều này về lâu dài sẽ gây hư hại đến bế mặt của cổng thành.
Các chuyên gia làm sạch từ Kärcher đã tiến hành loại bỏ các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên Cổng Ngọ Môn – một di tích lịch sử được xây dựng từ năm 1804 và là cổng lớn nhất trong số bốn cổng thành bao quanh Hoàng Thành Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993.
Làm sạch nhẹ nhàng bằng hơi nước
Các di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, một phương thức làm sạch cẩn trọng và nhẹ nhàng là điều hết sức cẩn thiết cho việc bảo tồn di tích một cách bền vững. Vẻ cổ kính tự nhiên theo năm tháng và lớp rêu phong lan rộng trên bề mặt là một phần trong những đặc tính giá trị của di tích và công trình kiến trúc lịch sử.
“Việc làm sạch sẽ không làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của di tích mà ngược lại sẽ góp phần đảm bảo các thế hệ tương lai có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp này”, ông Thorsten Möwes, chuyên gia làm sạch tại Kärcher và là người trực tiếp đảm trách việc làm sạch tại hiện trường, cho biết.
Để làm sạch di tích, các chuyên gia sử dụng chế độ làm sạch nhẹ nhàng bằng hơi nước với áp suất bề mặt 0.5-1 bar và nhiệt độ khoảng 100°C. Bốn thiết bị phun rửa áp lực cao sử dụng nước nóng để tạo ra luồng hơi nước giúp loại bỏ hoàn toàn các loại nấm mốc, rêu tảo, địa y và vi khuẩn. Cách này hoàn toàn không cần sử dụng hóa chất. Phương thức làm sạch này cũng làm chậm thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại nhờ hơi nước nhiệt độ cao giúp tiêu diệt các bào tử cư trú sâu bên trong.
“Làm sạch bằng hơi nước nóng là phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất để chăm sóc và bảo tồn vật liệu khoáng chất của công trình, đặc biệt với khí hậu nhiệt đới tại Huế. Việc làm sạch Cổng Ngọ Môn thật sự là một khởi đầu đầy thuyết phục”, bà Andrea Teufel, chuyên viên bảo tồn di sản của Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa Đức (CPCE) tại Huế, chia sẻ.
Huế là cố đô của Việt Nam vào triều Nguyễn (1804-1945). Hầu hết cụm di tích đã bị hư hại nghiêm trọng trong thời gian chiến tranh. Trước đây, Cổng Ngọ Môn là nơi chỉ dành riêng cho đức vua sử dụng. Ngày nay, Cổng Ngọ Môn là cổng vào cho tất cả khách tham quan.
Kärcher đã làm sạch hơn 140 di tích lịch sử trên thế giới
Kärcher là nhà cung cấp dẫn đầu trên thế giới về công nghệ làm sạch. Từ một doanh nghiệp gia đình, ngày nay Kärcher có hơn 13.000 nhân viên và hơn 110 công ty hoạt động trên khắp 70 quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2018, Kärcher đã đạt được doanh thu kỷ lục trong lịch sử kinh doanh với 2,525 tỷ euro.
Trong khuôn khổ chương trình tài trợ văn hóa của công ty, nhà sản xuất thiết bị làm sạch Kärcher đã làm sạch hơn 140 di tích lịch sử trên thế giới kể từ năm 1980. Các công trình tiêu biểu bao gồm Hàng cột trên Quảng trường St Peter tại Thành phố Vatican, Ý; Tượng Chúa Cứu Thế tại Rio De Janeiro, Brazil; Cặp Tượng đá Memnon tại Luxor, Thượng Ai Cập; Gương mặt các vị tổng thống trên Núi Rushmore, Mỹ; Nhà thờ lớn Aachen và Nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm – Berlin, Đức. Công tác làm sạch luôn được thực hiện dưới sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia bảo tồn và phục dựng di tích cũng như các chuyên gia về sử học và nghệ thuật.
Theo TienPhong