‘Cò chị’ lặn lội nuôi em…
Xưa nay người ta thường ví “thân cò lặn lội” là hình ảnh của người mẹ. Nhưng trong câu chuyện này, “thân cò” là một người chị, lặn lội từ sáng sớm đến tối mịt để nuôi ba đứa em. Cả bốn chị em đều mồ côi cha lẫn mẹ.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Minh Phương (23 tuổi, thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) một mình gồng gánh nuôi ba người em cùng mẹ khác cha đã khiến nhiều người rơi nước mắt.
Phương sinh ra đời mà không biết mặt cha, sau đó mẹ đi bước nữa. Nhà đã nghèo, lại thêm cha dượng bị ung thư nên mới học hết lớp 7 Phương phải nghỉ học, làm thuê ở Quảng Ngãi hai năm rồi dạt vào TP.HCM làm thuê tiếp. 16 tuổi, cha dượng Phương là ông Lê Văn Nghĩa mất vì ung thư, lúc này bà Nguyễn Thị Điều (mẹ Phương) cũng phát hiện bị ung thư.
Phương quần quật làm việc ở TP.HCM gửi tiền về nuôi em và chuẩn bị tiền cho mẹ vào TP.HCM xạ trị, hóa trị. Đó là vào năm 2009. Năm 2014 mẹ qua đời, sau 9 năm làm thuê xứ người, Phương trở về đảo Lý Sơn đóng cả hai vai cha lẫn mẹ để chăm ba đứa em là Lê Thị Trí (lớp 11), Lê Tấn Vũ (lớp 9) và Lê Văn Thanh (lớp 5). Mà ba em nào có yên ổn, Trí thường xuyên đau ốm, Vũ bị thiếu máu, Thanh còn quá bé.
Một ngày của Phương như mọi ngày, luôn bắt đầu từ 5h sáng dậy lo bữa sáng cho các em, rồi tất tả đi lột hành thuê theo giờ. Đến 8h30, khi chuyến tàu đầu tiên đưa du khách cập cảng Lý Sơn, Phương mượn xe máy của người anh họ lao ra bến cảng hành nghề xe ôm, một công việc được xem là có nhiều tiền nhất.
Sau một cuốc xe ôm, Phương lại vội vã chạy về lột hành. Buổi chiều, công việc cũng tương tự. 17h, khi thủy triều rút, Phương ra ghềnh biển tìm ốc, rong biển về lo bữa ăn cho các em. 19h, Phương lao vào bóng đêm bán trứng vịt lộn, đôi chân Phương đi khắp các ngõ ngách rao “Ai trứng vịt lộn đây”.
Đó là tiếng rao duy nhất mà từ trước đến giờ người dân nghe được ở Lý Sơn, mà Phương bảo học được từ những người bán hủ tiếu gõ ở TP.HCM. 22h, Phương đến một quán ăn phụ rửa chén, dọn hàng và trở về nhà khi đã 23h để nghỉ ngơi. Và hôm sau, “chị cò” lại tất tả đóng vai cha lẫn mẹ cưu mang đàn em…
Còn thầy Dương Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường THCS An Vĩnh, lo lắng bởi không biết sức của mình Phương có đủ nuôi ba đứa em ăn học đến nơi đến chốn được không. “54 cán bộ giáo viên trong trường mỗi tháng cũng góp 540.000 đồng giúp Phương trang trải bớt khó khăn nuôi các em” – thầy Thành cho biết.Dì Liên, hàng xóm của Phương, xót xa: “Nghèo quá, rồi cha mẹ không còn, mọi gánh nặng dồn lên lưng con Phương hết, nhìn nó tất tả suốt ngày tui thương lắm. Ở xóm này ai cũng thương chị em nó”.
Nhưng bài học lớn nhất từ Phương truyề tới mọi người đó là khổ đến cùng cực nhưng Phương không hề than vãn và trên môi Phương luôn nở nụ cười.
Nhưng khi nghĩ về ba mẹ, Phương lại rơm rớm nước mắt: “Em rất nhớ ba mẹ, giá như cả hai còn sống…”, Phương thổn thức.
Trò chuyện cùng Phương, cô tâm sự nhẹ như lông hồng: “Ba mẹ mất thì em phải có nhiệm vụ chăm sóc các em. Em tin ba mẹ sẽ phù hộ để em đủ sức khỏe làm việc. Cực mấy em cũng chịu, bởi em còn ba đứa em phải lo nữa mà”.
Chính quyền huyện đảo cũng rất quan tâm hoàn cảnh của chị em Phương, có học bổng hay chương trình từ thiện gì cũng nghĩ đến các em đầu tiên. Bà Lê Thị Của, chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Vĩnh, bảo bốn chị em mồ côi là hoàn cảnh được quan tâm nhiều nhất ở xã, “cả về vật chất và tinh thần chúng tôi đều nghĩ đến các em”.