Cnet ví Bkav như Apple của Việt Nam

01/08/15, 12:00 Tin Tổng Hợp

Biên tập viên Shara Tibken của trang Cnet đã có chuyến thăm trụ sở Bkav hồi tháng 6 và chia sẻ những đánh giá của mình về Bphone.

“Đèn trong phòng họp nháy vài lần rồi tắt hẳn. Cả căn phòng im ắng, không còn tiếng điều hòa ù ù. Thật không phù hợp với một công ty công nghệ đang cố gia nhập thị trường smartphone vốn rất ồn ào.

Tôi đến trụ sở Bkav, công ty Việt Nam chuyên về phần mềm bảo mật nhưng hiện muốn góp mặt trên thị trường điện thoại thông minh trị giá 2,2 tỷ USD. Hệ thống điện của tòa nhà ngừng hoạt động khi buổi thuyết trình đang diễn ra và tôi được giải thích rằng chuyện này vẫn thi thoảng xảy ra.

Cuối tháng 5, một vài tuần trước khi tôi đến, Bkav công bố điện thoại Bphone mà họ khẳng định là smartphone cao cấp đầu tiên được thiết kế và sản xuất ngay tại Việt Nam. Thiết bị bóng bảy này có 6 phiên bản, giá từ 450 USD đến 925 USD, gợi nhớ đến iPhone 4 nhưng lớn hơn với màn hình 5 inch.

Những gì Bkav đang làm là một phần trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, đa số nguồn đầu tư ở đây đến từ các công ty nước ngoài đang cần tìm kiếm những nơi có thể sản xuất thiết bị cho họ với giá rẻ hơn. Đó là lý do Bkav trở nên nổi bật: Họ là công ty nội địa với mục tiêu tạo ra một chiếc điện thoại cho người dùng trong nước. Họ làm giống như Xiaomi – xây dựng tiếng tăm toàn cầu bằng cách trước tiên sản xuất điện thoại giá rẻ cho thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bkav lại nhắm đến thị trường cao cấp. Sản xuất một smartphone cao cấp 'là giấc mơ của các công ty công nghệ cao trên thế giới', theo lời ông Tạ Minh Hoàng, Giám đốc sản phẩm di động của Bkav. 'Sản xuất smartphone cũng là giấc mơ của chúng tôi vì chúng tôi muốn trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới'.

Người Việt không ngại tiêu tiền cho thiết bị điện tử. Năm ngoái, theo thống kê của Strategy Analytics, 24 triệu điện thoại được tiêu thụ ở Việt Nam (trong khi tổng dân số là 94 triệu). Nhu cầu về smartphone sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm sắp tới.

Nghe có vẻ tiềm năng, nhưng vấn đề là người Việt chưa mặn mà với điện thoại 'sản xuất ở Việt Nam'. Họ hài lòng với iPhone của Apple và các dòng Galaxy của Samsung. Với mức lương công nhân trung bình 150 USD mỗi tháng, giá Bphone quá đắt đỏ. Tính cách hay 'nổ' của Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cũng khiến nhiều người quay lưng. Không ít người hoài nghi liệu Bkav có thực sự thiết kế và sản xuất Bphone ở Việt Nam hay không khi mà họ không tiết lộ nhà máy nằm ở đâu, bên trong trông như thế nào.

Tôi đã tới một trong hai nhà máy sản xuất Bphone, chỉ khoảng 10 phút lái xe từ trụ sở Bkav. Khi tới nhà máy lắp ráp, khoảng hơn ba chục người mặc đồng phục xanh trắng đang làm việc ở đó. Họ đeo găng tay trắng, khẩu trang và mũ xanh để tránh các sợi tóc rơi vào linh kiện.

Công nhân ngồi trên ghế xoay như ở văn phòng, trước mặt là dây chuyền lắp ráp nhỏ màu xanh trông như bàn đánh bóng bàn. Mỗi người thao tác với một phần của quy trình, như làm sạch linh kiện. Nhà máy có khoảng 100 người, nhưng tôi đến vào giờ ăn trưa.

Nhà máy cơ khí của Bkav gần đó cũng có 50 người với nhiệm vụ sản xuất các bộ phận như khung kim loại, khe chứa sim, loa… Họ cũng tạo các mẫu thử prototype và mô hình chuẩn của các linh kiện để thuê đối tác sản xuất đúng theo thiết kế. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, cho biết công ty đã sẵn sàng để mở thêm một nhà máy lớn hơn ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc nếu nhận được phản hồi tốt từ thị trường.

Bkav đã đầu tư khoảng 20 triệu USD với hơn 200 kỹ sư và mất hơn 4 năm để phát triển smartphone đầu tiên của mình. Họ thiết kế mọi thứ từ bảng mạch, kiểu dáng bên ngoài cho đến phần mềm. Hệ điều hành BOS dựa trên Android chứa nhiều ứng dụng do Bkav tự làm như trình duyệt Bphone, ứng dụng thoại Btalk và một trong những tính năng quan trọng là phần mềm diệt virus tích hợp sẵn trong máy.

'Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể làm ra những sản phẩm hàng đầu như của Mỹ, Nhật, Hàn', ông Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch Bkav, nhấn mạnh.

Tuy vậy, việc vẫn sử dụng phần lớn linh kiện từ các công ty nước ngoài đã khiến nhiều người thắc mắc. Trước khi thiết bị có mặt trên thị trường, một số người đã đặt câu hỏi liệu Bphone có phải là điện thoại Việt hay thực chất là một thiết bị Trung Quốc. Các hãng điện thoại khác, như MobiiStar, đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc để thiết kế và xây dựng smartphone cho họ và họ chỉ việc gắn thương hiệu của mình lên đó. Một cuộc tranh cãi khác là liệu Bkav có nên nói sản phẩm 'sản xuất tại Việt Nam' hay không khi Bphone sử dụng linh kiện của hãng khác, như chip Qualcomm.

'Vì sao một số người nghĩ Bphone không phải là điện thoại Việt? Vì thật khó mà tin nổi Việt Nam lại có thể thiết kế và sản xuất một smartphone hàng đầu', ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ qua e-mail.

CEO 40 tuổi của Bkav không phải là người mà bạn có thể dùng từ 'khiêm tốn' để nói về ông. Ông đã viết phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus Bkav khi mới là sinh viên năm thứ ba (1995) và đã thành lập công ty để bán phần mềm từ cách đây hơn một thập kỷ. Hiện Bkav là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam và có một chi nhánh ở Mountain View, California (Mỹ). Ông là người mê công việc và nổi tiếng với biệt danh 'Quảng nổ'. Ông gọi Bphone là 'siêu phẩm', 'không thể tin được' và cho đây là smartphone tốt nhất thế giới.

Một số người dùng tỏ ra hài lòng với Bphone, số khác lại chê bai. Nhưng còn rất nhiều người Việt thậm chí chưa biết đến sự tồn tại của Bphone. Một đôi nam nữ đang dùng thử smartphone tại một cửa hàng điện tử lớn ở Hà Nội nói họ chưa từng nghe về sản phẩm này.

Thương hiệu quá mới thực sự là một vấn đề với Bkav. Ngay cả những tên tuổi vang bóng một thời như Nokia, Sony còn thu hút người dùng hơn. Trong khi đó, Apple và Samsung luôn là thứ đầu tiên người mua nhìn thấy khi bước vào một cửa hàng điện tử. Gần như mọi con phố ở Hà Nội đều có một cửa hàng treo hình ảnh iPhone hoặc sử dụng logo của Apple để lôi kéo người mua. Apple logo xuất hiện trên cả mũ bảo hiểm cho tới áo khoác của một thợ may nữ ở Hội An. Dù Apple còn chưa mở một cửa hàng nào ở nước này.

'Hiện tôi không có tiền, nhưng nếu có, tôi sẽ sắm iPhone', Dao Dat, 20 tuổi, đang đi học và đi làm thêm, cho biết cậu phải tiết kiệm một năm mới mua được iPhone 6.

Các băng rôn về sản phẩm Samsung cũng được treo trên nhiều con đường. Hãng này đã đầu tư gần 9 tỷ USD trong 7 năm qua để xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Hơn một nửa số smartphone được bán ở nước này trong quý I/2015 là của Apple và Samsung theo thống kê của Strategy Analytics.

Thách thức của Bkav là thuyết phục người dùng từ bỏ thương hiệu yêu thích của họ để chuyển sang dùng điện thoại 'made in Vietnam' với giá hàng trăm USD. Bkav cho rằng người mua Bphone sẽ sở hữu điện thoại cao cấp mà chỉ phải bỏ ra số tiền bằng một nửa cho với iPhone hay Galaxy S. Nhưng nếu đã có hàng trăm USD rồi, thì sao không mua sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng hơn?

'Giá Bphone quá cao. Tôi sẵn sàng ủng hộ sản phẩm Việt miễn là giá trị của nó xứng với giá tiền. Đừng biến lòng yêu nước trở thành một chiêu trò marketing', thành viên có tên Anh Tuấn chia sẻ trên mạng.

Việc bán sản phẩm với số lượng hạn chế qua website cũng ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng của Bphone. Tại Việt Nam, đa số người dùng mua sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng trong khi ở Trung Quốc, Xiaomi bán hàng triệu máy thông qua các đợt flash sale (mô hình bán điện thoại theo đợt qua mạng).

Đợi bán Bphone đầu tiên đã diễn ra ngày 2/6 và đợt bán tiếp theo là giữa tháng 8″.

Châu An (theo Cnet)

Theo VnExpress – Số Hóa

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

Ad will display in 09 seconds

Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

    Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

    Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

    Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

x