Clip giáo viên đuổi đánh học sinh trong lớp học gây xôn xao dư luận
Một đoạn clip vừa được đăng lên mạng ghi lại cảnh cô giáo đuổi theo một học sinh nữ trong lớp học, sau khi tóm được liền đánh, tát túi bụi trước mặt các học sinh khác đang gây xôn xao dư luận.
Trước mặt hàng chục em học sinh, một cô giáo mặc trang phục mùa đông vừa đuổi vừa quát tháo em học sinh nữ. Sau khi chạy lòng vòng quanh lớp học, cô giáo đã tóm được em học sinh và liên tục đánh, tát. Sau khi đánh học sinh, cô giáo còn có những lời lẽ thô tục ngay trong lớp học khi gọi học sinh là “con này”, là “mày”.
Nhiều người xem clip cho rằng, cô nữ sinh bị đánh trước đó đã phạm lỗi. Tuy nhiên, thay vì dùng những lời lẽ và hình thức phạt đúng mực thì cô giáo lại hành động một cách “du côn” ngay trước mặt học sinh bằng những màn đánh tát và lời lẽ chợ búa.
Sự việc trên xảy ra khiến cư dân mạng lại bất bình và quá choáng vì tệ nạn bạo lực học đường trong giới học trò, nay lại thêm hình ảnh giáo viên đánh học trò. Vấn đề đạo đức trong học đường đúng thực sự có vấn đề như một số ý kiến chuyên gia đã nhận xét.
Hôm Thứ Hai (23/3), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là Nguyễn Thị Nghĩa đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”, phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời.
Lãnh đạo bộ cho biết, tại một số địa phương, cơ sở giáo dục, tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau có diễn biến phức tạp, trong đó, một số vụ học sinh đánh nhau gây hiệu quả nghiêm trọng, được quay hình đưa lên mạng Internet, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Vì vậy, các trường cần thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đối với việc quản lý, giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cơ quan công an, ban đại diện cha mẹ học sinh … và các cơ quan liên quan ở địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Theo Dân Trí