Chuyện người đàn ông mua vé trẻ em và bài học dạy con làm người
Một người đàn ông mua hai tấm vé trẻ em đi xe lửa, cuối cùng bị phát hiện trốn vé. Lúc này cậu con trai 5 tuổi của ông đã làm một việc khiến nhiều người trên toa xe rưng rưng nước mắt…
Một người đàn ông dáng vẻ nông dân dẫn theo bé trai khoảng 5 tuổi đi xe lửa. Làn da của cả hai người trông ngăm ngăm đen, dường như đều có thể nhìn thấy được vết tích dầm mưa dãi nắng.
Chuyến tàu đi được hơn nửa chặng đường, lúc này một nhân viên phục vụ đến kiểm tra vé. Cậu bé đưa ra một tấm vé trẻ em, còn người đàn ông thì sờ soạng trong túi một hồi như đang tìm kiếm thứ gì đó, rồi dè dặt hỏi:
“Anh này, vé trẻ em và loại vé dành cho người tàn tật là cùng mức giá phải không?”.
Người phục vụ không lên tiếng.
“Anh xem, tôi là người tàn tật, tôi mua vé trẻ em”.
Ông vừa nói vừa giơ ra cái chân giả bên trái…
“Hãy đưa giấy chứng nhận tàn tật cho tôi xem thử!”.
“Chuyện là như thế này, giấy chứng nhận tàn tật của tôi vẫn còn chưa làm xong. Lúc làm thuê cho một người chủ tư nhân tôi đã gặp tai nạn ngoài ý muốn, chân bị cưa đi, còn người chủ thì đã bỏ trốn, ngay đến cả tiền lương cũng không thể nhận được. Chúng tôi lần này là đi đến công trường khác để tìm việc”.
“Anh nói nhiều vậy cũng vô dụng thôi! Chúng tôi quy định nhất định cần phải xuất trình giấy chứng nhận thương tật mới có thể mua loại vé dành cho người tàn tật được. Hãy bù tiền vé đi!”, người phục vụ lạnh lùng nói.
Người đàn ông loay hoay mãi cũng chỉ sờ thấy mấy đồng bạc lẻ, nghẹn ngào nói: “Anh này, tôi không có tiền, mua vé trẻ em tôi cũng là bất đắc dĩ. Tôi thật sự là người tàn tật, không tin anh hãy xem đi!”.
Ông vừa nói vừa đưa chiếc chân giả ra chứng minh.
Đứa trẻ bên cạnh cúi gầm mặt xuống không nói lời nào, khắp mặt đỏ ửng, có lẽ cậu cảm thấy hành vi “trốn vé” của bố minh khiến cậu thấy rất mất mặt, cũng có thể là vì những gì đang diễn ra xung quanh khiến lòng tự tôn của cậu bị tổn thương.
Trong lúc hai bên đang lời qua tiếng lại, cậu bé nói với người phục vụ rằng: “Chú ơi, bố cháu rất nghèo, cháu có thể giúp chú lau bàn ghế để trừ vào tiền vé của bố cháu, được không?”. Đang nói, nước mắt cậu bé như muốn trào ra, còn người phục vụ vẫn dửng dưng không chịu.
Lúc này, một nữ nhân viên làm vệ sinh trên đoàn xe không nhìn tiếp được nữa, nói với cậu bé rằng: “Được chứ, cháu có thể lau bàn ghế để bù vào số tiền mà bố cháu còn thiếu”.
Người phục vụ trừng mắt nhìn, đang muốn nói gì đó, liền bị nữ nhân viên kia ngăn lại.
Thì ra, người phụ nữ tốt bụng này cũng có đứa con 5 tuổi. Khi cô nhìn thấy người đàn ông tàn tật nghèo khổ và sự bối rối ngượng nghịu của đứa trẻ, trong lòng không khỏi chua xót. Về sau người phụ nữ tốt bụng này đã lén bù thêm tiền giúp người đàn ông tàn tật kia, và yêu cầu người phục vụ không được nói với hai cha con họ.
Nhìn thấy chiếc cổ áo thun rộng thùng thình trên người đứa trẻ tụt đến bả vai đang chăm chú lau từng chiếc bàn một, không ít người đều rơm rớm nước mắt.
“Nam tử hán” bé nhỏ này đang gánh chịu một trách nhiệm khó khăn, nhưng có thể chắc chắn rằng, lúc này cậu bé không hề cảm thấy bị mất mặt, trái lại gương mặt còn mang theo nụ cười.
Sự tự tôn có thể thành tựu một đứa trẻ, cũng có thể hủy đi một đứa trẻ. Nếu như người phục vụ kiên trì đòi người đàn ông tàn tật này bù tiền vé, trong khi hai cha con họ không có tiền, hậu quả có thể rất xấu hổ, đối với một đứa trẻ mà nói cũng là một loại tổn thương.
Người phụ nữ làm vệ sinh tốt bụng này đã giúp đỡ hai cha con họ, còn khiến cho cậu bé cảm thấy rằng thông qua lao động của chính mình đã giúp đỡ được cho bố, loại tự tin và cảm giác thành tựu đó có dùng tiền cũng không đánh đổi được.
Tự trọng rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ
Lòng tự tôn của đứa trẻ giống như mầm cây non nớt, một khi bị thương tổn, sẽ để lại vết thương khó mà lành lặn được, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời.
Một chuyên gia giáo dục từng đưa ra lời khuyên rằng, một đứa trẻ mất đi lòng tự tôn từ nhỏ, sau khi lớn lên rất khó làm người một cách đường đường chính chính, rất khó có được nhân cách toàn vẹn.
Ví như lòng tự tôn của một đứa trẻ khi còn nhỏ bị tổn thương, bị người khác xem thường bắt nạt, thế thì sau khi đứa trẻ đó lớn lên, rất có khả năng sẽ nghĩ đủ mọi cách chi phối, sai khiến người khác, cũng rất khó có được cảm giác hạnh phúc.
Trái lại, một đứa trẻ được đối xử bình đẳng, mọi chuyện đều được tôn trọng, tâm thái của chúng sẽ trở nên bình thản, hiểu được tự tôn tự ái, cố gắng vươn lên, tự tin vui vẻ.
Những ông bố bà mẹ, nếu muốn đào tạo một đứa trẻ đầy lòng tự tin, thì xin hãy bảo vệ lòng tự tôn của trẻ ngay từ khi còn nhỏ; hãy bắt đầu từ việc bé cưng của bạn thích loại chăn gì, thích quần áo màu sắc gì, thích chơi đồ chơi gì, và thích để đồ chơi ở đâu…
Tiểu Thiện, dịch từ Cmoney.tw