Chuyện luân hồi: Con gái út qua đời vì tai nạn xe hơi lại chuyển sinh trở về nhà
Năm 1961, một cô bé 6 tuổi tên Winnie Eastland đã tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi. Cả gia đình, đặc biệt là mẹ cô, đều cảm thấy đau đớn tột cùng. Nửa năm sau, chị gái của Winnie là Sharon đã mơ thấy đứa em đã qua đời, nói rằng cô ấy sẽ trở về nhà.
Hai năm sau, mẹ của Winnie là bà Eastland mang thai và cũng mơ thấy đứa con đã qua đời nói rằng sẽ trở về nhà. Bà Eastland nghĩ rằng có lẽ là do mình ngày nhớ đêm mong con gái nên mới sinh ra ảo giác như vậy.
Năm 1964, bà sinh hạ được một cô con gái, đặt tên là Susan Eastland. Khi cô bé khoảng 2 tuổi, một điều kỳ lạ đã xảy ra: Lúc đó Susan đang tập nói, nhưng bất cứ khi nào có người hỏi về tuổi, cô bé đều nói rằng mình 6 tuổi, mà đây chính là tuổi của Winnie lúc qua đời.
Một ngày nọ, khi Susan nhìn thấy bức ảnh của Winnie thì đột nhiên xúc động nói: “Đây chính là con”. Susan cũng hay nói về việc chơi xích đu ở trường, mặc dù cô bé vẫn còn nhỏ và chưa bao giờ đi học. Chỉ có Winnie, trước khi qua đời đã từng đi học và cũng thường hay chơi xích đu ở trường.
Trước những hành động kỳ lạ của con gái, bà Eastland và chồng không thể không suy nghĩ: “Phải chăng Susan chính là Winnie đã chuyển sinh để trở về nhà?”. Hơn nữa, chồng của Eastland còn nhớ trong lúc chờ sinh Susan, ông cũng loáng thoáng nghe thấy tiếng Winnie nói: “Ba ơi, con về rồi!”.
Khi Winnie còn sống, bà Eastland thường lấy ra một lọ bánh quy có hình con mèo trên nắp để chơi một trò chơi với các con: Khi trẻ muốn lấy một cái bánh quy, bà giả vờ hỏi con mèo xem trẻ lấy được bao nhiêu miếng. Sau đó, bà trả lời bằng giọng mèo: “Meo meo, bạn có thể lấy một miếng” hoặc “Meo meo, bạn có thể lấy hai miếng”.
Sau cái chết của Winnie, bà Eastland sợ rằng “nhìn vật nhớ người”, vì vậy bà đã cất chiếc lọ đi xa khỏi tầm mắt. Khi Susan lên 4 tuổi, bà Eastland lại lấy nó ra và đổ đầy bánh quy vào. Lần đầu tiên Susan xin bánh quy, bà Eastland lúc đó vẫn chưa ý thức được rằng Susan không biết trò chơi con mèo, liền hỏi trong vô thức: “Được rồi, con mèo đã nói gì nào?”. Câu trả lời của Susan đã khiến bà rất kinh ngạc, cô bé nói với một giọng nhẹ nhàng như của mẹ: “Meo meo, bạn có thể lấy một miếng”.
Không chỉ vậy, Susan còn kể rành mạch về những chuyện mà bản thân cô bé chưa từng trải qua. Chẳng hạn cô kể rằng đã từng đi cùng gia đình ra biển bắt cua, còn nói ra tên của những người có mặt lúc đó. Mà đây đúng là chuyện từng xảy ra một năm trước khi Winnie qua đời, khi đó cả gia đình họ đã đến bãi biển ở Washington để dạo chơi.
Susan mặc dù mới 5 tuổi, nhưng cô bé vẫn khẳng định mình lớn hơn anh trai Richard khi đó đang là 11 tuổi. Winnie, người đã qua đời cũng lớn hơn Richard 3 tuổi. Bởi thế, gia đình ngày càng tin rằng cô bé Susan chính là Winnie.
Một lần bà Eastland hỏi Susan có nhớ cậu bé Gregory và chú Georgy sống bên kia đường không. Kỳ thực, bà biết rằng Susan chưa bao giờ gặp họ, bởi Susan sinh ra tại Idaho, còn hai người này lại sống ở thị trấn nhỏ lúc Winnie còn sống.
Không ngờ Susan lại nói: “Con nhớ Greggy, con vẫn thường chơi chung với bạn ấy” (Greggy là biệt danh của cậu bé Gregory). Susan cũng nói rằng mình nhớ chú Georgy: “Khi bọn con đến trường, thường dừng lại chơi ở nhà chú ấy một lúc”. Đây vốn là thói quen của Winnie, trên thực tế, cô bé đã chơi ở nhà chú George vào hôm tai nạn xảy ra.
Susan cũng kể lại một chuyện thú vị, nói rằng trong một lần cùng mẹ đi chơi bowling, mẹ đã để cô ở cạnh một điểm bán đồ ăn cách đó không xa, khi đó có một cậu bé chạy đến hôn cô khiến bố rất tức giận. Bà Eastland nhớ lại sự việc này mà cảm giác như mới ngày hôm qua, nhưng bà vẫn hiểu rõ ràng rằng người trải qua việc này không phải là Susan, mà là Winnie.
Susan và Winnie có tính cách rất giống nhau, đều hòa đồng và tốt tính. Ngoài ra, Susan còn có một vết bớt ở hông trái, trùng với vị trí với vết thương của Winnie khi cô bé bị ô tô đâm. Điều này đã được ghi rõ trong báo cáo khám nghiệm của bệnh viện.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)