Chuyện lạ ở cổ mộ Ai Cập
Một “bộ phim người lớn” mới được quay trong kim tự tháp Giza, nơi các camera quan sát không còn hoạt động
Hệ thống an ninh không được đầu tư đúng mức đang đẩy các địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất ở Ai Cập vào tình thế nguy hiểm. Đặc biệt lâm nguy là đại kim tự tháp Giza, 1 trong 7 kỳ quan của thế giới. Mới đây, người ta cả gan quay cả một “bộ phim người lớn” tại Giza, nơi các camera giám sát không còn hoạt động. Kim tự tháp Ai Cập là điểm thu hút nhiều du khách. Ảnh: EGYPT PYRAMID TOURS Tại lăng mộ của Pharaoh Khufu (còn được gọi là kim tự tháp Cheops) thuộc quần thể Giza, trong thời gian qua, nhiều người đã kéo vào gian phòng chôn cất vua Khufu nhiều giờ liền. Hệ thống an ninh ở đây không thể ngăn một số du khách đốt nến, thay quần áo và… ngủ trong các quan tài. Các thành viên Hội Tam Điểm tin rằng ai nằm ngủ trong các cỗ áo quan sẽ được ban cho sức mạnh và có cơ hội giao tiếp với thế giới thần linh. Tình hình tệ đến mức vào đầu năm nay, người ta phát hiện 3 cỗ quan tài của các pharaoh trôi lềnh bềnh trên một con kênh nhưng chẳng ai biết chúng từ đâu ra, theo trang tin Al-Monitor. Ông Ahmad Shehab, nhà khảo cổ và Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền khảo cổ, cáo buộc Bộ Phụ trách các vấn đề cổ vật Ai Cập không thể bảo đảm an ninh cho các địa chỉ khảo cổ, cụ thể nhất là số lượng camera giám sát lắp đặt tại các kim tự tháp chưa đủ và không thể hoạt động vào ban đêm. Hệ quả là thực trạng đào bới và trộm cắp cổ vật từ các lăng mộ pharaoh, sau đó bán đấu giá công khai, thường là ở Tel Aviv, rất nhức nhối. “Nhiều bảo tàng còn là đối tượng của các vụ tấn công khủng bố, như Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, Bảo tàng Malawi và Bảo tàng Arish. Bộ này cũng không thể bảo đảm an toàn cho kim tự tháp Giza. Các nhà kho ở làng Mit Rahina đã bị trộm viếng. Vì sao các camera không thể ghi nhận hình ảnh bọn trộm?” – ông này bức xúc. Đồng thời, ông nhấn mạnh 289 cổ vật đã “không cánh mà bay” khỏi Bảo tàng Aswan. Đáp lại những chỉ trích trên, ông Yousef Khalifa, Vụ trưởng Vụ Địa chỉ Khảo cổ, cho biết các hệ thống an ninh điện tử đang được lắp đặt tại những địa điểm khảo cổ nổi tiếng, chẳng hạn như tại đền Luxor mới đây. Bên cạnh đó là biện pháp tăng cường nhân lực, như cảnh sát du lịch và khảo cổ, đội ngũ nhân viên giám sát… Tuy nhiên, ông Khalifa thừa nhận camera giám sát vẫn chưa được lắp đặt tại tất cả địa điểm cần thiết và cam kết sẽ sớm cải thiện tình hình này. Thiếu huấn luyện Cư dân tại những khu vực có các địa chỉ khảo cổ thường xuyên đào bới phần mộ của các pharaoh, đánh cắp cổ vật đem bán. Nhà khảo cổ Ai Cập Monica Hanna đề nghị thành lập đơn vị bảo vệ di tích và cổ vật, được quân đội và cảnh sát hỗ trợ để đương đầu với các nguy cơ cũng như hành động khủng bố. Theo bà, điều đáng ngạc nhiên và mỉa mai là có 14.000 nhân viên an ninh bảo vệ cổ vật Ai Cập nhưng họ không được huấn luyện để bảo quản các di tích đang bị đánh cắp hằng ngày. NGÔ SINH |
Theo Người Lao Động