Chuyên gia y tế Hồng Kông: Chính quyền TQ đã tiêu hủy bằng chứng về virus Vũ Hán
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung), một chuyên gia Hồng Kông về các bệnh truyền nhiễm nói rằng vào ngày 12/1 ông đã thông báo với chính quyền Bắc Kinh rằng virus Vũ Hán có thể lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên phải đến 8 ngày sau đó, chính quyền Trung Quốc mới công bố điều này ra thế giới.
Viên Quốc Dũng đã tham gia điều tra ngay từ những ngày đầu và đã đích thân chẩn đoán qua các ca viêm phổi chưa được xác định vào thời điểm đó tại Vũ Hán. Chuyên gia này nói rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiêu hủy các bằng chứng về virus Vũ Hán (COVID-19).
Vào ngày 27/7, chương trình “Toàn cảnh” của đài truyền hình BBC đã phát sóng một chuyên đề có tên “Trung Quốc che giấu virus corona” (China’s Coronavirus Cover-Up). Chương trình đã phỏng vấn một số chuyên gia về virus và tiết lộ những sự thật bị che giấu đằng sau tình hình dịch bệnh lần này.
Cũng trong ngày hôm đó, một biên tập viên người Trung Quốc tên Khải Thụy (Carrie Gracie) cũng đã đăng một bài viết trên tờ The Guardian rằng ĐCSTQ đang viết lại lịch sử về virus Vũ Hán nhằm có lợi cho chính mình.
Chuyên gia Viên Quốc Dũng cho biết vào ngày 12/1, ông đã chẩn đoán cho cả một gia đình ở Thâm Quyến đều bị nhiễm virus Vũ Hán, tuy nhiên chỉ một vài thành viên trong gia đình này đã đến Vũ Hán cách nhà khoảng 700 dặm. Vậy nên ông ngay lập tức báo cáo vụ việc này lên cơ quan chức năng. Nhưng mãi đến ngày 20/1, chính quyền ĐCSTQ mới tuyên bố rằng virus Vũ Hán có khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Viên Quốc Dũng nói: “Tôi nghi ngờ rằng họ đang che đậy sự thật tại Vũ Hán”. Ông tin rằng các quan chức ĐCSTQ đã tiêu hủy các bằng chứng về sự bùng phát dịch bệnh tại chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc, nơi được xem là ngọn nguồn bùng phát dịch bệnh.
Sau khi một số bác sĩ cố gắng cảnh báo cho cộng đồng về một loại bệnh viêm phổi chưa được xác định vào cuối tháng 12/2019, Viên Quốc Dũng đã tham gia trợ giúp điều tra ổ dịch xảy ra ở Vũ Hán vào đầu tháng 1/2020. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xác định và phòng ngừa dịch SARS năm 2003 và là chuyên gia có thẩm quyền về các bệnh truyền nhiễm ở Hồng Kông.
Viên Quốc Dũng nói với BBC rằng ông tin rằng các quan chức địa phương đã tiêu hủy các bằng chứng vật lý và trì hoãn việc phản ứng đối với các phát hiện lâm sàng, từ đó che đậy quy mô ban đầu của tình hình dịch bệnh.
“Khi chúng tôi đến chợ Hoa Nam Trung Quốc, không có gì nhiều để quan sát, bởi vì chợ đã được dọn sạch sẽ”, ông nói. “Vì vậy, bạn có thể nói rằng hiện trường vụ án đã bị phá hủy bởi vì chợ đã được dọn dẹp sạch và chúng tôi không cách nào có thể nhận dạng được bất kỳ vật chủ nào có thể truyền virus cho người”.
Vì trì hoãn việc công bố thông tin tình hình dịch bệnh cho thế giới biết, cho nên chính quyền Trung Quốc đã bị lên án mạnh mẽ. Các chuyên gia y tế đều cho rằng nếu có thể sớm phong tỏa sự lây lan dịch bệnh tại Vũ Hán, rất có thể phạm vi lây nhiễm của đại dịch đã giảm đi rất nhiều.
Viên Quốc Dũng nói rằng nguyên nhân là do các quan chức địa phương đã nghe theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh và che giấu thông tin.
“Tôi nghi ngờ rằng họ đã tiến hành các hoạt động che đậy tại Vũ Hán”, ông Viên nói. “Các quan chức địa phương vốn có thể đã truyền thông tin đi ngay lập tức, nhưng họ không được phép làm như vậy và không được phép làm hết trách nhiệm của mình”.
Vào tháng 1, chính quyền Vũ Hán đã xử phạt một số bác sĩ Vũ Hán đang cố gắng đưa ra cảnh báo sớm cho một nhóm nhỏ cộng đồng. Một trong số đó là Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ Lý Văn Lượng sau đó đã bị nhiễm virus và cuối cùng đã qua đời.
Cái chết của bác sĩ Lý đã gây ra sự đau buồn và phẫn nộ chưa từng thấy trên cộng đồng mạng xã hội vốn đã bị phong tỏa của ĐCSTQ. Tuy nhiên, đội quân kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ đã nhanh chóng xóa tất cả thông tin liên quan đến vị bác sĩ này trên Internet và sau đó chính quyền đã cố gắng chuyển hướng sự chú ý bằng cách phong cho anh là “liệt sĩ”.
Chính phủ ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng phản ứng của họ đối với sự bùng phát virus Vũ Hán là “công khai, minh bạch và có trách nhiệm”. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới – WHO cũng đã nhiều lần từ chối chỉ trích Bắc Kinh về việc thiếu minh bạch trong việc công bố dịch bệnh. Điều này đã khiến Hoa Kỳ, nhà tài trợ hàng đầu cho WHO, đã tuyên bố rút khỏi tổ chức này.
Gia Hưng (Theo Epoch Times)