Chuyện gì xảy ra khi một người ngồi tù nửa thế kỷ bước ra ngoài?
Sau 44 năm ngồi song sắt, một tù nhân đã cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ trước những thay đổi của cuộc sống bên ngoài. Ông cứ thể vừa đi lạc vào một thời đại khác…
Ông Otis Johnson phải ngồi tù từ những năm 1970 do cố ý giết hại một sĩ quan cảnh sát, lúc đó ông mới chỉ 25 tuổi. Mùa hè năm 2014, ông Otis đã được thả sau 44 năm ngồi sau song sắt.
Khi trở lại với cuộc sống hiện đại, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Những thứ đã quá đỗi quen thuộc với người Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung trở nên thật xa lạ trong mắt ông: Công nghệ thông tin phát triển, giá cả hàng hóa cao gấp nhiều lần, thức ăn thì thừa mứa…
Otis đã không còn liên lạc với gia đình từ những năm 1998. Ông có hai cô cháu gái sinh đôi rất đáng yêu, và trước đây ông cũng là người rất yêu trẻ con: “Tôi nhớ gia đình mình rất nhiều”, ông nói.
Khi ra tù, Otis được nhận lại chứng minh nhân dân, số tiền trợ cấp 40USD và 2 vé xe bus. Ông mất phương hướng, không biết đi đâu về đâu, nhưng thật may mắn, tổ chức phi lợi nhuận Fortune Society ở Harlem đã giúp ông lo về nhà cửa và các điều kiện thiết yếu khác.
Sau khi ra tù, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt như cũ. Hàng ngày, Otis đi ngủ lúc 9 giờ tối, đúng giờ “giới nghiêm”; ban ngày ông đi nhà thờ nghe giảng đạo, cầu nguyện và tập thái cực quyền.
“Quãng thời gian ở trong tù đã ảnh hưởng đến tôi quá nhiều. Việc tái hòa nhập cộng đồng có đôi chút khó khăn vì tất cả mọi thứ đã thay đổi”.
Ngay sau khi vừa ra tù, ông bắt chuyến tàu điện đầu tiên tới thẳng Quảng trường Thời đại. Ông muốn sử dụng điện thoại công cộng và vô cùng ngạc nhiên khi giá cước đã tăng từ 25cent lên 1USD một phút gọi. Sau đó ông cũng nhận ra rằng hầu hết mọi người không sử dụng điện thoại công cộng nữa.
“Tôi nhìn một lượt xung quanh, hầu hết mọi người dường như đang nói chuyện với chính mình. Nhìn kỹ hơn thì tôi thấy hình như họ có thứ gì đó ở trong tai”.
“Thứ gì đó ở trong tai” ở đây là tai nghe điện thoại di động, nhưng ông Otis không biết dùng từ gì để diễn tả. “Tôi trộm nghĩ, mọi người đều là nhân viên CIA hay đặc vụ, gián điệp gì đó phải không? Bởi vì đó là thứ duy nhất tôi có thể nghĩ được, một người đi lại với những dây nhợ bên trong tai”.
Otis cũng cảm thấy rất lạ lẫm vì mọi người đều chỉ chú ý vào điện thoại của mình, thậm chí không thèm nhìn xung quanh: “Một số người còn chẳng thèm nhìn xem họ đang đi đâu. Tôi đang cố cắt nghĩa tại sao mọi người lại hành động như vậy”, ông nói.
Trong khi công nghệ thông tin khiến Otis hết sức bất ngờ và ngạc nhiên thì những thứ nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày lại khiến ông thích thú.
“Tôi có thể ăn được nhiều thứ khác nhau, vì có nhiều đồ ăn ngon quá. Tôi sẽ thử”, ông nói và đi quanh siêu thị, thích thú nhìn ngắm các loại bánh kẹo, hoa quả, đồ ăn.
Sau nhiều năm trong tù, Otis cảm thấy cuộc sống bên ngoài thật đáng sống. Ông thích ngồi trên xe bus và lắng nghe những người xung quanh, hay chỉ đơn giản ngắm nhìn dòng người qua lại.
“Được sống ở xã hội này thật là tuyệt”, Otis nói.
Thay vì tiếc nuối quá khứ, Otis đang muốn làm những điều thật ý nghĩa cho cuộc sống về sau. Ông đang ấp ủ ý định mở một trung tâm chăm sóc và bảo trợ phụ nữ mặc dù hiện tại vẫn chưa có đủ tiền.
“Bạn phải biết học cách chấp nhận và bước qua quá khứ, vì sống mãi trong quá khứ thì không thể trưởng thành được”, ông giải thích.
“Tôi không cảm thấy xã hội này nợ tôi điều gì. Mọi thứ xảy ra đều có lý do riêng của nó, tôi tin vào điều đó. Vậy nên tôi sẽ bắt đầu một tương lai mới thay vì gặm nhấm quá khứ kia. Tôi sẽ bước tiếp, đó là cách tôi tồn tại trong xã hội này”.
Theo vntinnhanh.vn