Chuyện dân gian: Chỉ còn mỗi mình ta là vẫn chưa mở miệng…
Trong cuộc sống, chúng ta thường dễ dàng tìm ra sai sót của người khác, nhưng lại khó lòng nhận thấy khuyết điểm của mình, thường đi bắt lỗi người khác mà chẳng mấy khi tự mình xét lại bản thân…
Chỉ có ta không mở miệng
Có bốn vị tiểu hòa thượng giao hẹn với nhau cùng ngồi thiền trong bảy ngày liên tiếp. Để có thể chuyên tâm đả tọa, họ đã giao ước với nhau nội trong bảy ngày này cần phải im lặng, không ai được mở miệng nói lời nào.
Trong buổi sáng ngày đầu tiên, cả bốn vị hòa thượng đều tĩnh lặng chuyên tâm đả tọa. Đến khi hoàng hôn buông xuống, trời bắt đầu sẩm tối, dưới gió chiều hiu hiu thổi, chiếc đèn dầu đặt trên bàn lập lờ thoắt sáng thoắt tối, xem chừng ngọn đèn như muốn tắt ngấm.
Trong nhóm, tiểu hòa thượng lớn tuổi nhất nhẫn không nổi la lớn: “Cần nhanh chóng cho thêm dầu vào đèn, nếu không đèn sẽ tắt ngấm bây giờ!”.
Vị tiểu hòa thượng ngồi bên cạnh vị này, vừa mới nghe thấy tiếng hô hoán, cảm thấy không được vui, bèn nói lại rằng: “Không được nói chuyện!”.
Tiểu hòa thượng khác sau khi nghe thấy hai người này lên tiếng, cũng khẽ nói: “Hai cái người này, tại sao lại nói chuyện?”.
Lời của vị tiểu hòa thượng thứ 3 vừa mới nói xong, vị tiểu hòa thượng thứ 4 càng dương dương đắc ý hướng tới 3 người kia mà nói rằng: “Ha ha! Bây giờ chỉ còn chừa lại mỗi ta là chưa mở miệng nói chuyện!”.
Rốt cuộc cả 4 vị tiểu hòa thượng đều đã nói chuyện, không ai “tu khẩu” qua nổi ngày đầu tiên.
Cảm ngộ
Người ta luôn nhìn thấy vết dơ trên mặt người khác mà không nhìn thấy cặn dầu đầy khắp trên mặt mình, chỉ nhìn thấy sai của người mà không nhìn thấy bản thân mình còn sai hơn. Đối với mình thì kỷ luật dễ dãi, đối với người thì làm khó làm dễ ra bề nghiêm ngặt, thường tự cho rằng mình là phải, tưởng rằng bản thân đều là đúng, sai tại ở người.
Vậy nên khi chúng ta đang trách cứ, đổ tội người khác, trước tiên đừng ngại bình tâm tĩnh khí suy xét bản thân mình có phải cũng có sai? Có câu rằng: “Cung tự hậu, nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hỹ!” có nghĩa là: “Tự mình nhận lấy nhiều mà ít trách người, thì tránh xa được điều oán hận”.
Có một số ở nhà, một số không ở nhà
Lưu viên ngoại giảng đạo lý cho đứa con trai tên A Viên rằng: “Làm người, trong lúc nói chuyện, tư tưởng trí não đều cần linh hoạt một chút, như thế mới không giết chết ‘nói chuyện’, lại còn có thể làm cho ‘nói chuyện’ sống nữa”.
A Viên không hiểu ý tứ lời dạy bảo của phụ thân, càng tròn xoe đôi mắt, hướng về phụ thân, thắc mắc: “Thưa cha, cái gì gọi là nói chuyện linh hoạt? Cái gì gọi là giết chết nói chuyện? Rồi để cho nói chuyện sống là sao ạ?”.
Lưu viên ngoại thoáng nghĩ một chút, bèn đưa ra một ví dụ, giải thích cho con trai nghe: “Giả dụ như, có người hàng xóm đi vào trong nhà ta hỏi mượn đồ, con không thể nói thứ gì cũng có và cho mượn, nhưng con cũng không thể nói cái gì cũng không có và không cho mượn. Con nên nói rằng, có cái có, có cái không. Như thế sẽ không khiến ‘nói chuyện’ chết đi, mà đã để cho ‘nói chuyện’ sống”.
Ngày hôm sau, có một người khách đến trước nhà tìm Lưu viên ngoại, người khách gõ gõ cửa. A Viên nghe thấy tiếng gõ cửa, vội nhanh chân chạy ra mở cửa. Người khách vừa nhìn thấy A Viên mà không phải Lưu viên ngoại, liền hỏi: “A Viên, lệnh tôn có ở nhà không?”.
A Viên nhớ kỹ lời cha nhắc nhở, ra vẻ suy nghĩ mà thưa rằng: “Dạ, có thứ ở nhà, có thứ không ở nhà ạ!”.
Người khách nghe xong, ngơ ngẩn chẳng hiểu gì, đến một câu cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ lẳng lặng rời đi.
Cảm ngộ
Có rất nhiều sự tình cần phải qua trải nghiệm từ trong cuộc sống mà trưởng thành. Mỗi hoàn cảnh mỗi khác, đôi khi chúng ta tưởng rằng như thế là tốt cho người khác nhưng hóa ra lại chưa hẳn là tốt.
Có nhiều khi không nên áp đặt, không nên nói lại là tốt hơn, hãy để mọi thứ tự bản thân chúng vươn nên và trưởng thành, khi can thiệp không đúng cách có khi lại làm cho sự tình méo mó đi. Bản thân mỗi người cũng hãy tự tin vào chính mình và trau dồi học hỏi trải nghiệm vươn lên, tùy kỳ tự nhiên, thuận theo tự nhiên là phúc.
Thanh Tâm