Chuyện cầu con, cầu duyên ở ngôi chùa linh thiêng
Không biết từ bao giờ, chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng) đã trở thành nơi cầu con của các cặp đôi vợ chồng hiếm muộn. Kể cả phụ nữ, thanh niên trắc trở trong chuyện tình cảm cũng đổ về đây để cầu duyên.
Nghi lễ cầu con Chùa Ngọc Hoàng nằm ở số 73 Mai Thị Lựu, quận 1, TP.HCM. Tên chính thức của chùa là Phước Hải, nhưng cái tên Ngọc Hoàng đã trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn từ rất lâu. Ban đầu, chùa là một miếu thờ, được người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1892. Sau, miếu được mở rộng ra, có thờ Phật nên trở thành chùa. Tại chùa Ngọc Hoàng, phòng thờ ông Tơ, bà Nguyệt, Kim Hoa thánh mẫu là nơi được cúng bái đông đúc nhất. Vì theo lời đồn đại, chỉ cần thành tâm và sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh mẫu sẽ cầu được con, cầu được tình duyên mau tới. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, Tết, và cả ngày thường người dân đều đổ về chùa Ngọc Hoàng rất đông. Khuôn viên chùa Phước Hải còn gọi là chùa Ngọc Hoàng Người dân muốn cầu con thì đến phòng thờ Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ nằm phía bên trái chánh điện. Ở đây, luôn có người của nhà chùa túc trực để hướng dẫn khách thập phương cách cúng bái. Kim Hoa thánh mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sanh nở ở chốn nhân gian. Bên dưới Kim Hoa thánh mẫu là tượng 12 bà mụ, mỗi bên 6 người với các tư thế khác nhau. Bà lo việc nặn đầu đứa trẻ, bà khác lại nặn chân, người nặn mắt, người dạy trẻ tập đi, tập nói… Khách đến cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Phòng thờ Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ Có thật sự linh nghiệm? Sau khi khấn nguyện, người dân thường “làm lễ” phóng sinh trước sân chùa. Đa phần đều tin rằng, làm vậy lời khấn nguyện sẽ thêm … thành tâm. Nhưng theo những người quản lý chùa Ngọc Hoàng thì việc làm này là tự phát, nhà chùa neo người nên khó lòng quản lý được. Tuy không khuyến khích nhưng tại thời điểm chúng tôi ghi nhận tại chùa Ngọc Hoàng, có rất nhiều người đang phóng sinh ba ba, cá con vào những chiếc hồ xung quanh chùa. Việc làm này gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến hoàn cảnh rất trớ trêu là, cá tuy được phóng sinh nhưng lại chết hàng loạt, phơi bụng trắng hếu trong hồ… Hồ phóng sinh ken đầy rùa con Chưa kể, trước chùa Ngọc Hoàng, có rất nhiều quầy bán sinh vật để phóng sinh. Mỗi khi lễ, Tết, giá cá, rùa, ba ba để phóng sinh lại bị đội lên rất nhiều lần. Vợ chồng chị Võ Thị Kiều T. vừa xong nghi lễ cầu con liền đi thắp nhang ở chánh điện và nấn ná trước khuôn viên chùa. Thấy chị không “làm lễ” phóng sinh, chúng tôi liền hỏi, chị T. cho biết, sở dĩ chị không phóng sinh là vì cảm thấy việc này trái với tự nhiên. Chị T. nói: “Cá đang bơi ngoài sông suối, người ta bắt về rồi đem thả. Nếu mình mua, khác nào khuyến khích họ bắt cá ngày càng nhiều. Chưa kể, cá bị chết ở trong hồ nhiều quá, làm vậy mang tội thêm”. Khi được hỏi, liệu chị có tin vào sự linh ứng ở đây không thì chị cười buồn: “Hiếm muộn khổ lắm em ơi, ngoài việc đi bác sĩ, chỉ còn biết gửi niềm tin vào thần Phật. Kệ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Những ngày lễ, Tết dễ bắt gặp hoàn cảnh cá phơi bụng trong hồ … phóng sinh Nói về sự ứng nghiệm trong việc cầu con, cầu duyên, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chuyện cầu xin thần Phật là tùy tâm và tùy duyên. Tín ngưỡng tôn giáo vốn là để con người khi khổ đau, tuyệt vọng nhất trao gửi niềm tin và là chỗ dựa. Nhưng tin tưởng không có nghĩa là mê tín, để kẻ xấu lợi dụng moi tiền của. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói: “Phật tử hiếm muộn, trước tiên nên nhờ đến y học. Cầu con hay cầu duyên là biện pháp giúp tâm an, tăng thêm sự tin tưởng. Song song đó, Phật tử nên làm nhiều việc thiện, tâm an bình thì phước lành sẽ sớm đến”. |
Theo Khampha.vn