Chương Mỹ: Hơn 700 người nhiễm bệnh do ô nhiễm nguồn nước
Hơn 9 ngày lũ trôi qua, môi trường tại các xã trong huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác nổi lềnh bềnh khắp nơi, không có nước sạch, rất nhiều người đã mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước.
Ông Trần Văn Kỳ – Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ) cho biết sau 9 ngày ngập lụt, đã có hơn 700 người nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như nấm chân tay, tiêu chảy, đau mắt đỏ.
Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát thuốc miễn phí cho 700 hộ dân, mỗi hộ một túi thuốc. Tuy nhiên, nhiều hộ đã dùng hết và tiếp tục kéo đến các điểm khám chữa bệnh để xin thêm thuốc.
Theo ông Kỳ, dự kiến số lượng người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi phải ít nhất 1 tháng nữa nước mới rút và cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng.
Giếng đào bị ngập, giếng khoan không thể lấy nước do ngành điện lực cắt điện toàn phần nên không thể vận hành máy bơm. Tối đến, nhiều ngôi nhà tối đen như mực vì không còn nến để thắp. Việc nấu ăn trở nên vô cùng khó khăn bởi thiết bị tạo nhiệt không thể hoạt động. Một số hộ bị nước cô lập, không có phương tiện di chuyển.
Để vào được các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ và một phần thôn Hạnh Côn xã Nam Phương Tiến đang bị cô lập bởi “biển nước”, chỉ có cách đi thuyền hoặc ca nô.
Xóm Bèo, thôn Nam Hài là vùng trũng thấp, cũng là nơi ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nhiều ngày qua, nước dâng lút nhà, phần lớn đồ đạc đều chìm trong nước, nhiều gia đình phải đi lánh nạn ở nhà người thân.
Theo báo cáo nhanh của xã Nam Phương Tiến, đã có 250ha lúa, 150ha hoa màu, 68ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Khoảng 25.000 con gia cầm và 500 con lợn đã bị chết vì ngập nước, đói ăn hoặc không đủ sức đề kháng trong quá trình vận chuyển. Những thiệt hại trên đã đẩy người nông dân vào tình cảnh điêu đứng.
Trong suốt 9 ngày ngập lụt, trung bình mỗi nhân khẩu (nằm trong diện bị ảnh hưởng) tại xã Nam Phương Tiến được hỗ trợ khoảng 0,7 kg gạo; 17 gói mì tôm. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 3 cặp nến, một bình nước lọc (20 lít). Tổng số tiền mặt được hỗ trợ mà UBND xã Nam Phương Tiến nhận được đến ngày 30/7 là 21 triệu đồng.
Theo Trithucvn