Khám phá ý nghĩa biểu tượng của chuồn chuồn trên khắp thế giới
Người Việt chúng ta chắc hẳn quá quen thuộc với câu ca dao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, vậy còn trong các nền văn hóa khác trên thế giới thì loài côn trùng này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Sự thật về chuồn chuồn
Chuồn chuồn là loài côn trùng tuyệt đẹp đã tồn tại hơn 300 triệu năm qua. Những con chuồn chuồn đầu tiên xuất hiện có kích thước lớn hơn rất nhiều so với loài chuồn chuồn ngày nay. Theo đó, hóa thạch của một con chuồn chuồn khổng lồ có đôi cánh dài khoảng 76cm từ kỷ Permi đã được tìm thấy ở bang Kansas, Mỹ.
Không giống như nhiều loài côn trùng khác, chuồn chuồn hoàn toàn vô hại. Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều câu chuyện thần thoại. Chúng còn được đặt nhiều biệt danh vì tính lẩn tránh, đôi cánh xinh đẹp và kiểu bay thất thường của nó. Một số biệt hiệu độc đáo dành cho loài vật này:
- Cây kim mạng của ác quỷ (Devil’s Darning Needle): Vì người ta cho rằng chuồn chuồn sẽ khâu miệng những đứa trẻ xấu tính khi chúng ngủ.
- Bác sĩ rắn (Snake Doctor): Chuồn chuồn được xem là loài vật bảo hộ rắn, sẽ giúp lũ rắn khâu vết thương hoặc giúp chúng hồi sinh.
- Đầy tớ của rắn (Addant’s Servant): Tên gọi này có nguồn gốc từ cái tên “gwas-y-neidr” trong tiếng Wales vì mối liên hệ của chuồn chuồn và rắn.
- Øyenstikker: Tên chuồn chuồn trong tiếng Na Uy, có nghĩa là Mắt Xì Phé.
Mặc dù đa số các câu chuyện thần thoại kể về loài vật này đều mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng nó lại là loài côn trùng có ích cho con người. Do đó, ở Nhật Bản chuồn chuồn rất được tôn kính và nó cũng chính là biểu tượng văn hóa quốc gia của đất nước Mặt Trời mọc.
Chuồn chuồn (Odonata) là một bộ côn trùng có hơn 5.000 loài khác nhau trên thế giới. Đồng thời, chuồn chuồn cũng là một trong những loài côn trùng bay nhanh nhất trên thế giới, một loài ở Australia có tốc độ bay đạt đến 578km/giờ.
Mắt của những con chuồn chuồn được cấu tạo bởi nhiều vật kính nhỏ ghép lại với nhau, gọi là mắt kép. Nhờ vậy mà chúng có thể quan sát thế giới xung quanh với 360 độ. Nhưng chúng lại không có tầm nhìn rõ ràng như con nhiều và nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên, đổi lại chúng có thể nhìn thấy ánh sáng cực tím và tia phân cực, cho phép chúng điều hướng dễ dàng hơn.
Mỗi mắt của chúng được tạo nên từ 30.000 đơn vị thị giác được gọi là ommatidia, mỗi đơn vị này chứa đựng một thủy tinh thể và hàng loạt các tế bào nhạy cảm ánh sáng. Nếu con người có thể nhìn thấy màu sắc kết hợp giữa xanh dương, đỏ, xanh lá thì chúng lại có thể cảm nhận đến 33 loại khác nhau cùng với sự nhạy cảm ánh sáng ở mức cao. Cùng với đó, mỗi ommatidia hấp thụ một màu sắc ánh sáng có quang phổ, bước sóng khác nhau nên chúng có thể “thưởng thức” tới 10 triệu màu sắc.
Không chỉ vậy, chuồn chuồn còn có 3 con mắt nhỏ hơn được gọi là ocelli, có khả năng phát hiện chuyển động nhanh hơn so với cặp mắt kép to lớn. Những ocelli này nhanh chóng gửi thông tin trực quan tới các trung tâm dây thần kinh vận động của chúng, cho phép chúng phản ứng trong một phần nhỏ của một giây. Mặc dù chuồn chuồn không phải là loài côn trùng duy nhất sở hữu mắt ocelli (một số loài ong bắp cày và ruồi cũng có đặc điểm này) nhưng chúng sở hữu những con mắt phụ phát triển nhất.
Bởi đôi mắt to của chuồn chuồn có khả năng cảm nhận được những chuyển động nhanh, nên mắt chuồn chuồn sẽ có hai điểm mù. Do đó nếu như bạn muốn đến gần con chuồn chuồn để quan sát kỹ hơn hoặc chụp hình nó, bạn hãy tiếp cận từ phía dưới hoặc phía sau. Nó sẽ không bao giờ trông thấy bạn ở hai vị trí này.
Ngoài ra, khả năng di chuyển của chuồn chuồn là nhờ vào đôi cánh óng ánh rất đẹp mắt, có thể vẫy 30 lần/giây. Mặc dù tốc độ này không quá nhanh, nhưng bù lại chúng là loài có sức mạnh lớn nhất trong thế giới côn trùng. Đôi cánh của chúng đủ mạnh để cho phép chúng bay lượn ngay cả trong những cơn gió mạnh nhất.
Ngoài chuyển động đơn giản lên và xuống, những đôi cánh cũng có thể giúp chúng di chuyển về phía trước và sau, hoặc cũng có thể xoay ở nhiều góc độ. Những hoạt động phức tạp này giúp côn trùng đạt được nâng, giảm lực kéo, và thực hiện các động tác nhào lộn.
Chuồn chuồn có thể làm được điều này là vì cánh của chúng có cơ chế bay trực tiếp, tức là chúng sử dụng các cơ trên cánh để làm cánh vận động, từ đó nâng cơ thể nó lên khỏi mặt đất. Trên mỗi cánh có một bộ cơ chính nằm tại điểm gốc (nơi cánh nối liền với cơ thể) và một bộ cơ nằm ngoài cánh. Bộ cơ chính hoạt động đầu tiên, nó làm cánh di chuyển lên, bộ thứ hai tạo ra cú đập cánh xuống. 2 bộ cơ hoạt động song song xen kẽ với nhau tạo ra hành động đập cánh lên xuống cho côn trùng.
Một trong những điều thú vị là đôi cánh của chúng di chuyển không phụ thuộc vào nhau trong suốt chuyến bay, khi cánh trước đập lên thì cánh sau đập xuống. Trong đoạn video dưới đây, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt mà chúng ta vừa nói ở trên khi quan sát con chuồn chuồn hổ phách miền Đông (Eastern Amber Wing).
Biểu tượng của chuồn chuồn
Giống như rồng, chuồn chuồn đã trở thành loài vật bất tử trong nhiều câu chuyện thần thoại trên toàn thế giới. Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra tên tiếng Anh của loài vật này (dragonfly) cũng được bắt nguồn từ rồng (dragon).
Người Mỹ bản địa tin rằng loài côn trùng này thực sự là một con rồng. Đó là con rồng bị sói đánh lừa biến thành một con chuồn chuồn. Trong thân thể của một con côn trùng nhỏ bé, nó sẽ không thể nào trở lại hình dạng ban đầu của mình được.
Ngoài ra, đối với người Mỹ bản địa loài vật là biểu tượng của sự nhanh nhẹn, ảo tưởng và cả sự thay đổi. Đây chính là ba đặc điểm chung của loài chuồn chuồn được biết đến trên toàn thế giới. Những con côn trùng xinh đẹp này cũng được xem là thế lực tà ác trong nhiều nền văn hóa. Trong đó, biệt danh “cây kim mạng của ác quỷ” có nguồn gốc từ một huyền thoại kể rằng: Chuồn chuồn sẽ tìm kiếm những đứa trẻ xấu xa và khâu miệng của nó khi đứa trẻ đang ngủ.
Riêng biệt danh “bác sĩ rắn” xuất phát từ truyền thuyết chuồn chuồn sẽ đi theo rắn để khâu vá vết thương, hoặc giúp những con rắn hồi sinh.
Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa khác, chuồn chuồn đại diện cho vẻ đẹp và sự kiều diễm, nên nó thường được sử dụng trong nghệ thuật và thơ ca. Khi này, chuồn chuồn được đặt một số biệt danh khác như “gáo nước” ở Anh, “pha lê cổ” ở Trung Quốc. Riêng người Celtic gọi chuồn chuồn là “cây kim lớn có cánh”, vì hình dáng cơ thể của nó trông giống như một cây kim.
Chuồn chuồn có mang đến may mắn không?
Mặc dù chuồn chuồn mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều nền văn hóa, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn quy chụp là nó mang điềm xấu. Bởi ở một số nền văn hóa khác, chúng từng được xem là dấu hiệu may mắn cho ngư dân. Cụ thể, ở những nơi có chuồn chuồn bay lượn sẽ có rất nhiều cá để đánh bắt, hoặc nếu nó bay cao quá đầu ngư dân thì đây sẽ được xem là một điềm báo may mắn.
Trong lịch sử, biểu tượng của chuồn chuồn còn được sử dụng để ám chỉ tình yêu đôi lứa và người ta cho rằng nó là loài vật mang đến sự may mắn. Ngày nay, loài vật này được mọi người sử dụng như là thứ có thể giúp họ buông bỏ quá khứ, thay đổi cuộc sống và khám phá những giấc mơ.
Ý nghĩa của chuồn chuồn
Tương tự như loài bướm, loài vật này được nhiều nền văn hóa xem như loài vật mang nhiều đặc tính huyền diệu. Điều này là do vòng đời sinh trưởng của chúng và một phần còn là vì sự biến đổi màu sắc của cả con đực và con cái khi chúng già đi.
Cụ thể hơn, chuồn chuồn mang một số đặc tính kỳ diệu như:
- Vòng đời
- Linh hồn
- Sự biến đổi và tái sinh
- Cảm xúc
- Tính siêu việt
- Sự biến đổi
Ngoài ra, chuồn chuồn cũng liên quan đến khả năng thích nghi hoặc khả năng “trôi theo dòng chảy”. Người ta tin rằng chuồn chuồn có thể di chuyển nhịp nhàng theo nhiều chiều khác nhau. Nó chính là sứ giả của những giấc mơ và ảo mộng. Loài vật này còn được cho là có sự liên kết với các nàng tiên, linh hồn thiên nhiên và các vương quốc của những sinh vật huyền bí khác.
Chưa hết, loài vật này còn được xem là một điềm báo. Theo đó, nếu một con chuồn chuồn rơi vào tay bạn, nó được xem là điều may mắn. Nhưng nếu bạn trông thấy chúng trong những giấc mơ, hoặc đột nhiên nó xuất hiện trong cuộc sống của bạn, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo bạn cần phải thận trọng. Nó có thể là một thứ gì đó trong cuộc sống của bạn đang bị mất kiểm soát, hoặc bí mật nào đó của bạn có nguy cơ bị tiết lộ.
Tú Văn, theo owlcation