Chui vào siêu thị dưới đất, coi chừng chết ngất
Siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, phòng khám… xuất hiện ngày càng nhiều dưới lòng đất. Xu hướng khai thác không gian ngầm để kinh doanh đang được các nhà đầu tư tận dụng triệt để, song, kèm với đó là những nguy cơ mất an toàn khó lường.
Suýt chết ngạt vì thiếu khí Sự cố hàng chục người bị ngất xỉu do ngạt khí, phải đưa đi cấp cứu khi mua sắm và tham dự một sự kiện văn hóa được tổ chức tại Big C The Garden tối 14/3 gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân sau đó được xác định là do hệ thống điều hòa và quạt thông gió gặp sự cố. Số lượng người tăng đột biến, cùng với đó là những chiếc xe máy cùng lúc phát ra khí thải khiến bầu không khí tại siêu thị ngột ngạt do nhiễm độc. Các chủ đầu tư dự án, nhất là ở những khu đất vàng, luôn tìm cách tăng diện tích sử dụng bằng cách tăng thêm tầng ngầm. Khu đất có vị trí càng đẹp, chủ đầu tư càng tìm cách chui xuống sâu hơn, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố. Cách đây không lâu, tại một chung cư cao cấp ở trung tâm Hà Nội, cư dân ở đây cũng đã lên tiếng phản đối khi chủ đầu tư cho thuê mở phòng khám ngay tầng hầm của tòa nhà. Tại khu vực tầng hầm B1, chủ đầu tư đã xây dựng gần như một nửa diện tích tầng hầm để cho phòng khám thuê. Hiện lối ra vào chính của khu vực tầng hầm để xe đã bị thu hẹp lại, có khả năng gây ách tắc trong trường hợp phát sinh cháy nổ.
Một số trung tâm thương mại điển hình đã triển khai kinh doanh dịch vụ, mở văn phòng, bệnh viện dưới tầng hầm là tòa nhà Keangnam (Mỹ Đình), Trung Hòa – Nhân Chính, Big C Long Biên hay tòa nhà Pacific trên phố Lý Thường Kiệt,… Bên cạnh đó, một diện tích lớn lên tới hàng nghìn mét vuông của hai trung tâm thương mại lớn của Hà Nội cũng ở dưới mặt đất. Một trong những dự án đầu tiên tại thành phố xây trung tâm thương mại dưới lòng đất là tòa nhà ở phố Đồng Khởi. Không chỉ vậy, nhiều chợ truyền thống sau khi chuyển đổi cũng đang sử dụng một phần tầng hầm là chợ như chợ Mơ, chợ Hàng Da,… Đại diện doanh nghiệp thừa nhận, thuê mặt bằng dưới lòng đất thì chi phí thấp hơn khá nhiều. Không những thế, thời gian thuê dài hạn, hạ tầng đảm bảo khiến những nhà đầu tư yên tâm hơn. Lý giải về vấn đề này, giám đốc một công ty địa ốc tiết lộ rằng, khi một số khu vực bị không chế tầng cao, trong khi lại được miễn thuế phần đất bên dưới thì các chủ đầu tư càng muốn “chui”xuống sâu hơn nhằm tận dụng không gian ngầm để kinh doanh. “Nếu đầu tư hầm ngầm chỉ dùng để giữ xe thì thời gian thu hồi vốn rất lâu. Vì vậy, chủ đầu tư phải tính đến các phương án kinh doanh khác”, ông cho hay. Lãnh đạo một công ty có xây dựng trung tâm thương mại dưới lòng đất cho biết, việc xây dựng gặp khá nhiều rủi ro và nếu không “mạnh về gạo, bạo về tiền” sẽ khó thực hiện được. Nếu siêu thị đặt dưới tầng hầm, gần khu vực trông giữ ô tô, xe máy thì đòi hỏi hệ thống thoát khí phải rất tốt, phải có công suất lớn hơn nhiều so với siêu thị đặt trên mặt đất và phải có thiết kế và phương án riêng về phòng cháy, chữa cháy. “Nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ xảy ra sự cố tương tự Big C The Garden hoặc nghiêm trọng hơn là cháy nổ hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”, vị chuyên gia nhận định. Rùng mình chui xuống đất mua hàng Sau vụ việc ngạt khí ở Big C The Garden, không ít người tiêu dùng có thói quen mua sắm ở những trung tâm thương mại dưới lòng đất phải rùng mình.
Từng đi chơi tại một trung tâm thương mại dưới lòng đất vào dịp nghỉ lễ cuối năm ngoái, chị Nguyễn Lê (quận Hà Đông, HN) chia sẻ: “Hôm đó, ngày lễ nên lượng người tới trung tâm thương mại đông nghìn nghịt, đúng là khó thở thật. Hai vợ chồng và con nhỏ mới bước xuống đã toát hết mồ hôi. Đi dạo một vòng thấy mệt mỏi khó thở nên vừa chơi một lát con gái tôi đã đòi về”. Chị cho hay: “Nếu sự cố xảy ra, người dân hoảng loạn chạy ra ngoài thì không biết sẽ thế nào”. Cũng từ đó, chị Lê cạnh tới già khi tới những trung tâm mua sắm, nhất là vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Tương tự như chị Linh (quận Đống Đa, HN) cho hay: “Một lần mình đi ăn uống ở dưới tầng hầm, thấy quá ngột ngạt vì dưới đó thiếu không khí còn các nhà hàng lại nướng ngay trên bàn nên bốc mùi khó chịu”. Từ đó, chị Linh và gia đình tránh tới những nhà hàng dưới tầng hầm để ăn uống, kể cả khi họ liên tục giảm giá mời mọc. “Ở các nước tiên tiến, tầng hầm luôn có điều hòa không khí; nhất là đặc biệt là hệ thống thoát hiểm nhưng ở Việt Nam mình nhiều khi chủ đầu tư cắt giảm nên rất sợ”, chị Linh lo lắng. Theo đánh giá của một chuyên gia, công năng của một tòa nhà chỉ đủ phục vụ theo tỷ lệ mật độ theo mục đích sử dụng. Việc tăng đột biến lượng người tới dẫn tới thiếu không khí, hệ thống điều hòa sẽ phải hoạt động hết công suất. Nhiệm vụ của máy điều hòa là “bơm” khí tươi từ ngoài vào và đưa khí độc hại, khí thải ra. Khi chức năng này ngừng hoạt động, lập tức sẽ biến khí xăng, khí thải từ tầng hầm thành khí độc hại. Trong điều kiện đông người, nếu hệ thống điều hòa bị hỏng, không được sửa chữa kịp thời thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người vì sẽ không có không khí từ bên ngoài bơm vào tòa nhà. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Viên (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, nếu nguyên nhân do ngạt khí từ hầm của tòa nhà thì rõ ràng tòa nhà được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo an toàn về thông khí, thông gió. Về việc các TTTM đang có xu hướng bố trí các siêu thị, trung tâm mua bán, ăn uống dưới tầng hầm, vị chuyên gia khuyến cáo cần bố trí các cửa thông gió thích hợp cũng như nơi để xe máy gần cửa ra vào nhất, giúp khí thải có thể thoát nhanh khi nhiều xe vào cùng lúc. Nên có cảnh báo yêu cầu không đi xe quá sâu hoặc tắt máy khi vào trong tầng hầm. Duy Anh |
Theo VietnamNet