Chua xót nhìn lễ hội bị xúc phạm
“Tôi rất lấy làm xấu hổ về hành động xấu của giới trẻ trong lễ hội tại đền Gióng có rất nhiều ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam”, Nhà văn hóa – sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nói.
Ông chia sẻ: “Hàng ngàn năm nay, ở một quốc gia với hàng ngàn năm văn hiến, chưa bao giờ xảy ra cuộc hỗn chiến đánh nhau với những người bảo vệ kiệu rước để ăn cướp như lễ hội Thánh Gióng năm Ất Mùi này”.
TS Nguyễn Nhã nói thêm: Những sự việc đau lòng cứ tiếp diễn tại các lễ hội văn hóa đầu năm của người Việt. Đánh nhau, giẫm đạp lên nhau cướp ấn, leo trèo để được vào nơi thờ tự trước, nhét tiền vào tay tượng… không còn là những hình ảnh quá xa lạ. Trong ngày 24/2, tại sân đình làng Ném Thượng, cảnh hỗn loạn cũng đã diễn ra khi nhiều người tham gia vào nghi lễ rước lợn, chém lợn. Phóng viên có mặt tại đây cho biết khung cảnh sân đình làng trước, trong và sau lễ chém lợn rất đông và hỗn loạn. Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy tiền quết máu lợn để lấy may. TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên chính khoa văn hóa học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, cho biết ở nhiều nơi, người ta còn nhét đầy tiền vào tay tượng Phật hoặc các tượng được thờ cúng với mong muốn “lấy hên”. Ông Đoàn Văn Sinh, trưởng Phòng văn hóa – thông tin huyện Sóc Sơn, nói đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng thanh niên cầm gậy đánh nhau, gây hỗn loạn tại lễ hội đền Gióng. Ông Sinh cho biết thêm năm nay đã có biện pháp phòng ngừa nhưng sự việc hỗn loạn, đánh nhau vẫn tái diễn. Quên đi phần lễ trang nghiêm TS Nguyễn Ngọc Thơ, phó trưởng khoa văn hóa học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, chia sẻ ông không ngạc nhiên trước những hiện tượng này, nhưng “buồn vì mức độ và quy mô càng ngày càng nghiêm trọng hơn, càng vô lý hơn do một bộ phận công dân đã không còn kiềm chế xúc cảm cá nhân, đã không còn giữ lễ tục trong ứng xử công cộng như xưa nữa”. Theo TS Nguyễn Nhã, rất nhiều người nhầm lẫn rằng lễ hội là chỉ có vui chơi mà quên đi phần lễ rất trang nghiêm, cung kính. “Với những hành động như đánh nhau ngay tại lễ thì tôi nghĩ là không có lễ gì cả, chỉ có hội thôi. Mà hội kiểu bát nháo như thế thì cũng chẳng phải là truyền thống của dân tộc”, ông nói. “Ở phần hội, người ta có thể tranh nhau một cái gì đó với tính chất vui chơi nhưng không bao giờ có chuyện đánh nhau để giành giựt. Đánh nhau như thế không thể gọi là văn hóa được”, TS Nguyễn Nhã khẳng định. “Những cách hành xử thiếu kiềm chế, thậm chí là những hành vi có tính chất bạo lực không chỉ làm mất đi những giá trị thiêng liêng của lễ hội mà còn phá vỡ những khế ước tốt đẹp của cộng đồng được kết tinh trong ý nghĩa của bản thân lễ hội, qua các sinh hoạt cộng đồng, lâu dần sẽ làm biến chất một phong tục tốt đẹp của dân tộc: khai lễ cầu an”, TS Nguyễn Ngọc Thơ nhận định. Ông Nguyễn Tam Thanh – cán bộ phúc lợi động vật Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) cho biết Animals Asia vẫn giữ nguyên quan điểm rằng lễ hội chém lợn có những tác động tiêu cực đến cộng đồng.
“Mọi người thường mang văn hóa, truyền thống ra làm bình phong và điều này khó thay đổi, nên chúng tôi cần thời gian để thuyết phục họ”, ông Thanh bày tỏ. Căn nguyên từ đâu? TS Nguyễn Ngọc Thơ nhận định những hiện tượng lộn xộn trong một số lễ hội dân gian ở đình chùa hoặc các nơi công cộng vốn dĩ là một hiện tượng không mới trên thế giới và ở Việt Nam. Ông phân tích: Nó chủ yếu bắt nguồn từ những ứng xử bất cân bằng giữa bên cung cấp dịch vụ với bên tiếp nhận dịch vụ (giá cắt cổ, dịch vụ kém chất lượng, hiện tượng lừa gạt nhau), giữa cá nhân (nhóm) này với cá nhân (nhóm) khác. TS Thơ cho rằng có thể vì những nguyên do khác nhau từ va chạm, nói khích, văng tục, mâu thuẫn cá nhân, bị xúc phạm thể diện, danh dự hoặc đôi khi chỉ vì bông đùa chọc ghẹo lẫn nhau trong phạm vi lễ hội tạo nên. “Cũng có khi những mâu thuẫn ấy vốn đã phát sinh từ trước, trong lễ hội chỉ cần đối phương lườm lườm nhìn nhau đã có thể gây nên chuyện”, TS Thơ nói TS Nguyễn Nhã cho rằng căn nguyên của những hiện tượng này là giáo dục từ gia đình và xã hội. “Ngày xưa, ông bà không để cho con cháu làm ô danh, nhưng ngày nay thì con cháu làm ô danh nhưng mọi người dường như vẫn vô cảm”. Chia sẻ về vấn đề này, TS Lý Tùng Hiếu cho rằng lỗi một phần thuộc về những người đến cúng bái, phần khác thuộc về giáo dục từ gia đình, làng xã và sự quản lý của ngành văn hóa. “Ai bước đến nơi đặt tượng rồi nhét tiền vào tay phải bị cảnh cáo ngay lập tức. Những người khác sẽ thấy đó làm điều răn cho mình”. Nếu những người được giao quản lý nơi thờ tự có động cơ thu lợi bất chính thì sẽ rất dễ dung túng cho những hành vi nhét tiền vào tay tượng như thế này, TS Lý Tùng Hiếu chia sẻ. Không có phúc lành ở nơi cư xử cộc cằn, thiếu văn hóa Nói về sự việc diễn ra tại lễ hội đền Gióng, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, cho rằng cần giải pháp mạnh: Về vấn đề xử lý những hiện tượng, hành động bát nháo, không tôn trọng truyền thống và lễ nghi văn hóa dân tộc, TS Nguyễn Nhã cho rằng phải có biện pháp thật nghiêm khắc từ phía giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. “Nếu còn vô cảm, những chuyện như thế này sẽ còn tiếp diễn”, TS Nguyễn Nhã bày tỏ quan điểm. “Để những lễ hội, những nơi thờ tự mang giá trị đích thực thì hãy trả mọi thứ về nguyên gốc”, đó là ý kiến của TS Lý Tùng Hiếu. TS Nguyễn Ngọc Thơ thì cho rằng lễ hội không phải để dành riêng cho ta mà phải nhận thức đầy đủ rằng ta là một bộ phận cấu thành nên lễ hội. Cá nhân người tham gia phải nhận thức mình là người trong cuộc, cái đạt được sau mùa lễ hội là bản thân tinh thần tinh tấn, các mối quan hệ nhân sinh được kiến tạo hay được củng cố thêm, khế ước xã hội qua sinh hoạt lễ hội được tiếp nối, tinh hoa văn hóa cộng đồng được lưu truyền làm hành trang cho con cháu. “Bên cạnh đó, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục tính tôn nghiêm của việc tham gia lễ hội”, TS Thơ bày tỏ. Sau gia đình là làng xã, cộng đồng, đặc biệt là người tổ chức lễ hội, phải có kế hoạch hướng dẫn rõ ràng về trình tự nghi thức và trình tự tham gia lễ hội, về ý nghĩa của thái độ và hành vi người tham gia lễ hội, về sự cộng hưởng giữa cái hồn với từng cử chỉ, hành động của người tham gia, và cần khéo léo nhắc nhở rằng từng người tham gia là một “diễn viên” làm nên bức tranh lễ hội.
“Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu lành; song không có cái phúc, cái lành nào ngự trị ở những nơi mà con người dành tặng cho nhau thái độ cọc cằn hiềm khích, những lời mắng chửi xé nát thể diện hay những nấm đấm đầy vô tình đâm toạc vào tâm và trí của tổ tiên mình”, TS Nguyễn Ngọc Thơ kết luận. Nhiều người tham gia lễ hội vì tâm lý đám đông Lễ hội dân gian hàm chứa cả cái phần thiêng (tổ tiên, thần Phật.. – phần lễ) và cái phàm (hoạt động xã hội – phần hội). Phần thiêng là cái hồn, cái cốt lõi quy định nên diện mạo và tính chất phần hội. Thế nhưng, ở nhiều nơi, người ta tham gia lễ hội vì tâm lý đám đông, vì danh tiếng của chùa chiền hay của một lễ hội nhất định, trong đó có cả những cơ hội làm giàu từ hoạt động lễ hội hay tâm lý mưu cầu một danh hiệu xa xỉ nào đó của không ít các cá nhân. Và rồi bản chất và ý nghĩa của linh hồn lễ hội, linh hồn sự kiện đôi khi không còn được gìn giữ và lưu truyền. Cái hồn của sự kiện hoặc bị giản lược hoặc bị bỏ quên. Người tham gia lễ hội ngoài đại bộ phận người dân tìm đến với lễ hội với tâm thức thánh thiện thì vẫn tồn tại một lực lượng đôi khi vì hiếu kỳ, vì tâm lý “nhiều người tới chắc hẳn rất vui, ừ thì đi”. Cái thiêng của lễ hội không còn đủ sức để ràng buộc, để thúc ước thái độ và hành vi của công chúng như nó đã từng. Nhiều người đi chùa chiền hay đi lễ hội thực chất họ không hiểu sẽ được gì từ cái thiêng liêng ấy của lễ hội. Người ta sẵn sàng lao vào giành giật “lộc” (hoa, quả) trong các đền miếu sau nghi lễ, sẵn sàng lao vào nhau rồi nảy sinh mâu thuẫn, ẩu đả, sẵn sàng chén chú chén anh với đầy các món thịt rừng treo lủng lẳng trước cổng chùa, đền sau khi cúc cung vái lạy thần thánh dù họ không hề biết (mà có lẽ cũng không có nhu cầu được biết) vị thần thánh ấy là ai? TS Nguyễn Ngọc Thơ Theo Đặng Tươi-Vũ Viết Tuân-Trà My/Tuổi trẻ |
Theo Zing