Chu Vĩnh Khang và hành trình tội ác kết thúc trong “bẫy hổ”
Ở đỉnh cao quyền lực của mình, Chu Vĩnh Khang kiểm soát sức mạnh của cảnh sát, cơ quan tình báo, hệ thống tòa án và văn phòng công tố trên khắp Trung Quốc, theo đó ông không ngần ngại triển khai sức mạnh khổng lồ của mình để đè bẹp bất đồng chính kiến và tình trạng bất ổn dưới chiêu bài “duy trì ổn định xã hội”.
Từ khi nắm quyền đến khi nghỉ hưu vào năm 2012, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng tồi tệ, trong khi tham nhũng tràn lan đã dẫn đến sự bất mãn của quần chúng toàn quốc, ông Chu đã chi ngân sách cho an ninh nội địa vượt qua cả lực lượng quân đội 2 triệu người của Trung Quốc, vốn là đội quân hùng hậu nhất thế giới.
Là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị của ĐCS Trung Quốc, cơ quan đầu não đưa ra quyết định tối cao, Chu là một trong 9 người đàn ông quyền lực nhất ở quốc gia hơn 1,3 tỷ người này. Thế nhưng khi rời xa sân khấu quyền lực, ông Chu và các thành viên trong gia đình bị cáo buộc lợi dụng chức quyền để tích lũy khối tài sản khổng lồ.
Theo tiết lộ của truyền thông nhà nước, việc mua bán trao đổi quyền lực và tiền bạc đến trắng trợn, cuối cùng đã đưa đến sự sụp đổ gây chấn động của Chu Vĩnh Khang. Ông là quan chức cao cấp nhất từng đối mặt với cáo buộc tham nhũng trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bước ngoặt quan trọng
Nhiều người xem sự thất sủng này như một bước ngoặt quan trọng trong giới chính trị ngầm ở Trung Quốc, vốn đang nằm dưới quyền kiểm soát của Chủ tịch Tập Cập Bình, người đã mở đầu chiến dịch chống tham nhũng lớn nhắm vào “hổ và ruồi”, ám chỉ quan chức cấp cao lẫn cấp thấp.
Nhà phân tích chính trị kỳ cựu Willy Lam của Đại học Trung Văn Hồng Kông: “Điều quan trọng ở đây là Tập đã chứng minh rằng mình đủ mạnh để phá vỡ điều cấm kỵ, đó là không bao giờ được buộc tội Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị đã về hưu”.
Xuất thân nghèo khổ, đi lên bằng sự khôn ngoan chính trị
Không giống như Tập, một “thái tử Đảng” từng bước đi lên nhờ vào uy danh của cha, vốn là một trong những đồng chí của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong suốt công cuộc cách mạng, ông Chu được sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền đông Trung Quốc. Cha ông là một nông dân mù chữ nhưng đã vay tiền để cho ông đi học.
Thông minh và chăm chỉ, Chu Vĩnh Khang đã không làm cha thất vọng khi trở thành một trong số ít học sinh địa phương được nhận vào trường Đại học ưu tú ở Bắc Kinh. Ngôi trường hiện là Đại học Dầu khí Trung Quốc, cái nôi của những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp dầu khí quốc gia.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng chuyên về thăm dò dầu khí, ông Chu được phân công đến một mỏ dầu ở phía đông bắc đất nước rồi từ đó lần lượt thăng cấp từ cuối những năm 1960 đến giữa những năm 1980. Được mô tả là một cán bộ trẻ có khả năng và khiêm tốn, ông Chu được nhiều người biết đến do sự khôn ngoan chính trị hơn là kiến thức kỹ thuật.
Khả năng chính trị ngày càng được phát huy khi ông được chuyển công tác đến Bộ Dầu khí tại Bắc Kinh, sau trở thành công ty dầu khí quốc doanh khổng lồ, và là một trong những căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang.
Vượt lên những cuộc chiến phe phái trong chính phủ, Chu được xem là một nhà lãnh đạo quyết đoán trong việc tập trung mở rộng thăm dò dầu khí trong và ngoài nước. Chiến lược “hai mũi nhọn” đó vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động kinh doanh tại nước ngoài vượt ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh, đã tạo mầm mống cho tham nhũng. Năm 2001, sau một thời gian làm Bộ trưởng Tài nguyên đất, ông Chu được cất nhắc lên làm Bí thư Đảng tỉnh Tứ Xuyên, khu vực tây nam Trung Quốc, và là một trong những tỉnh đông dân nhất đất nước.
Truyền thông nhà nước mô tả ông Chu là một nhà lãnh đạo có tài hùng biện với tầm nhìn rõ ràng, và họ tin tưởng ông có khả năng thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao như Intel vào khu vực Tây Nam, cũng như hiện đại hóa nông nghiệp và du lịch. Ông Chu cũng tăng cường các mối quan hệ với địa phương, cất nhắc các quan chức trung thành với mình, trong đó giao cho các thư ký của ông ở Bắc Kinh nắm giữ các vị trí chủ chốt trên toàn tỉnh.
Bước ngoặt lớn nhất của Chu là vào năm 2002, khi ông trở về Bắc Kinh và nhậm chức Bộ trưởng Bộ Công An, chỉ huy lực lượng cảnh sát của nước này.
5 năm sau, ông leo đến đỉnh cao quyền lực với việc có một ghế trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị gồm 9 thành viên, cùng với việc quyền lực được mở rộng bao phủ tất cả các vấn đề an ninh trong nước. Việc ông lên nắm quyền trùng hợp với thời điểm bất ổn xã hội và xung đột chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo cùng các sự kiện lớn như Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2009 và Triển lãm thế giới ở Thượng Hải.
Đường lối cứng rắn tàn nhẫn cùng hành trình trượt dài trên tội ác
Khi an ninh và ổn định của giai cấp lãnh đạo là ưu tiên hàng đầu, Chu Vĩnh Khang đã để quyền lực của lực lượng công an lấn lướt hệ thống tòa án. Ông củng cố danh tiếng bằng đường lối cứng rắn tàn nhẫn đối với các nhà bất đồng chính kiến và các hoạt động của họ.
Tuy nhiên, điều thực sự tạo nên thành công và được cho là khôn ngoan trên chính trường Trung Quốc chính là “lấy được lòng lãnh đạo và vừa ý cấp trên”. Trong đó, cấp trên cao nhất mà ông Chu có thể “làm vừa ý” chính là cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Chu Vĩnh Khang cùng Bạc Hy Lai được xem là tâm phúc và là cánh tay đắc lực của Chủ tịch Giang trong mọi chiến dịch.
Sau khi Bạc Hy Lai bị cách chức và bắt giam năm 2012, tai tiếng về Chu Vĩnh Khang bị phơi bày trên trang mạng Mingjing ở hải ngoại, vốn thuộc phe cánh của Giang Trạch Dân. Tất cả mọi khía cạnh bao gồm tội phản nghịch, giết vợ cũ, giết hại nhiều người khác, dâm loạn, và gia tộc tham nhũng… đều bị phơi bày trước ánh sáng. Dưới đây là những tội ác mà Chu Vĩnh Khang được cho là từng nhúng tay vào:
– Sát hại vợ trước là Vương Thục Hoa: Một số người trong đó có cả con trai Chu Vĩnh Khang đều cho rằng chính ông đã sát hại người vợ trước của mình. Năm 2000, bà đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe. Một số trang báo của Trung Quốc đưa tin, chiếc xe gây ra vụ tai nạn có biển số quân đội. Trước khi qua đời, bà Hoa từng bất ngờ xông vào làm náo loạn hội trường cuộc họp Bộ Dầu Khí vì nghi ngờ chồng mình có “bồ” bên ngoài. Một năm sau khi vợ qua đời, ông Chu kết hôn với Giả Hiểu Diệp, cựu biên tập viên dẫn chương trình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Ngoài việc nhỏ hơn chồng 28 tuổi, Hiểu Diệp còn là cháu gái của Giang Trạch Dân.
– Cưỡng hiếp và ngoại tình: Khi về làm Bí thư Tứ Xuyên, ông Chu cũng nhiều lần bị tố giác cưỡng hiếp phụ nữ, trong đó có các nhân viên khách sạn. Nhiều đơn tố cáo ông đã được gửi lên cấp trên, nhưng ông được “Vua dầu khí” Khang Thế Ân bảo vệ, che đỡ nên bình an vô sự. Tháng 3/2013, khi Bạc Hy Lai mất chức, báo chí phanh phui chuyện Bạc thường tuyển chọn gái đẹp để dâng lên cho ông, trong đó đã xác định được tên tuổi 28 người, bao gồm ca sĩ, nữ diễn viên và sinh viên đại học.
– Tham nhũng: đây là tội danh không thể thiếu đối với các quan chức ngã ngựa như Bạc Hy Lai hay Chu Vĩnh Khang. Vào thời điểm Chu Vĩnh Khang bị bắt để điều tra, người dân đã được chính quyền chính thức công bố khoản tài sản kếch xù mà vị quan cấp cao này “tích cóp” được trong suốt thời gian còn “đương chức đương quyền”. Theo Reuters, tổng số tài sản của gia đình Chu Vĩnh Khang đang nắm giữ trị giá khoảng 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương với hơn 14,5 tỷ USD. Tờ Nam Hoa Nhật báo (SCMP) dẫn lời ông Hồ Tinh Đấu, nhà bình luận chính trị từ Viện Công nghệ Bắc Kinh: “Nếu đây là sự thật thì nó quá khủng khiếp. Các học giả từ lâu đã nói đến thu nhập không minh bạch và tiền tham nhũng chiếm tổng cộng hơn 30% GDP của Trung Quốc, nhưng con số kia vẫn là quá nhiều”.
– Âm mưu đảo chính: Theo tờ Waican News, Bạc tiết lộ rằng ông cùng Nguyễn Kinh Thiên, nguyên chiến lược gia An Ninh nhà nước bị ám sát, và Chu Vĩnh Khang đã lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính chính trị, ám sát đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình, người được chỉ định kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, cả hai lần ám sát đều thất bại.
– Tiết lộ bí mật quốc gia: Ngày 5/12/2014, Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi đảng và giam vào ngục với nhiều tội danh, trong đó có tội danh tiết lộ bí mật quốc gia. Theo tờ Đa Chiều, bí mật này chính là âm mưu lật đổ Chủ tịch Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-un. Một nguồn tin khác lại cho rằng, chính Chu Vĩnh Khang là người tiết lộ mật đàm giữa ông Hồ Cẩm Đào và Jang Song-thaek về việc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời ông Chu cũng có ý định đào tẩu sang Bắc Triều Tiên. Sự việc bại lộ khiến ông Kim nổi giận, ngay lập tức ra lệnh xử tử người chú rể và quay mặt với Trung Nam Hải.
– Đàn áp người bất đồng chính kiến: Đây là tội danh mà có lẽ không hãng thông tấn nhà nước nào đưa ra hay chính thức công bố, bởi đây là tội ác mà ông Chu thực hiện theo “chỉ thị của cấp trên”, và tuân thủ đường lối của Đảng Cộng Sản TQ. Theo tờ Epoch Times, trọng trách mà ông được giao là chỉ đạo công việc bắt giam người biểu tình mà không cần đến giấy phép, giám sát, đánh đập, đe dọa các tộc người thiểu số và giáo dân, “đàn áp thẳng tay” bất cứ đối tượng nào được coi là mối đe dọa cho sự cai trị của Đảng. Ông cũng kế nhiệm Lý Đông Sinh điều hành tổ chức 610, một tổ chức đứng ngoài pháp luật do chính phủ điều hành.
Theo Đài truyền hình Tân Đường Nhân, vào thời của Chu Vĩnh Khang, số lượng trại lao động tăng đột biến và đạt đỉnh điểm với một nửa số người bị bắt giam là học viên Pháp Luân Công. Ngoài ra, những người theo tập Pháp môn này còn trở thành đối tượng của một “tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này“, đó là mổ cướp nội tạng người sống để phục vụ cho ngành ghép tạng thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Ông Chu là người nổi tiếng với câu nói: “chúng tôi có thể loại bỏ bất cứ ai trên Trái đất này”. Những lời này được đưa ra nhằm đe dọa một người bất đồng chính kiến.
Gia sản tiêu tan, gia đình khốn đốn
Ngoài việc gia sản bị tịch thu, những người thân cận với Chu đã ngã ngựa cùng với ông. Phương tiện truyền thông nhà nước đã báo cáo điều tra chính thức và bắt giữ hàng chục thành viên trong gia đình ông Chu cùng các trợ lý cũ.
Tác động lớn nhất có thể thấy đó là bộ máy an ninh nội địa, ngành công nghiệp dầu khí quốc gia và tỉnh Tứ Xuyên, ba nơi ông Chu từng nắm quyền.
Dòng họ Chu được hưởng lợi ích khổng lồ khi Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ ngành năng lượng và bất động sản, nhờ vào mối quan hệ sâu sắc của Chu Vĩnh Khang với hai Bộ liên quan.
Một bài báo khác được công bố đã vẽ nên mạng lưới quan chức phức tạp gồm thân tín và những ông trùm, một số được cho là có dính líu tới mafia, vây quanh vị Sa Hoàng an ninh nội địa Chu Vĩnh Khang trước khi cấu trúc quyền lực của ông sụp đổ.
“Tôi nghĩ, không giống như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang sẽ hợp tác với các nhà điều tra vì gia đình ông cũng bị dính líu vào“, nhà phân tích Lam cho biết và dự đoán về bản án tử hình treo cho cả Chu và con trai lớn của ông. “Điều duy nhất khích lệ ông bây giờ là bảo vệ con trai mình, ông ta sẽ theo sự sắp xếp để bảo vệ con trai mình”.
Tổng hợp từ CNN, NTDTV, Epoch Times