Chớp sáng bí ẩn khiến dân Nga tưởng Mỹ tấn công hạt nhân Triều Tiên
Hôm 7/1, khi dân Nga chính thức bắt đầu đón Giáng sinh theo lịch Chính Thống giáo, một ánh chớp bí ẩn đã sáng lòa trên bầu trời nước này khiến nhiều người cho rằng Mỹ đang tấn công hạt nhân phủ đầu Triều Tiên.
Hôm 7/1, một chớp sáng lóe lên sáng rực bầu trời đêm khắp một vùng rộng lớn ở nước Nga và được rất nhiều người dân ở Bashkortostan, Udmurtia, Tatarstan nhìn thấy và ghi lại, Sun hôm 9/1 đưa tin.
Các video đăng tải trên mạng cho thấy bầu trời đêm bỗng chốc rực sáng như ban ngày trong tích tắc.
“Chúng tôi nhìn thấy hiện tượng này trong lúc đang lái xe, có một chấn động và một tiếng nổ trên bầu trời“, nhân chứng Artyom Russkikh nói với The Siberian Times.
Chớp sáng kèm theo rung chấn khiến một số người lo ngại về khả năng người ngoài hành tinh ghé thăm, thiên thạch đâm xuống Trái Đất, hay Mỹ đang tiến hành đòn tấn công hạt nhân phủ đầu Triều Tiên.
“Nó là cái gì vậy? Một thiên thạch, một đĩa bay hay một tên lửa từ không gian?“, Russkikh đặt câu hỏi. “Có lẽ nó là một vụ thử vũ khí“, Firaya Zaripova bình luận về chớp sáng bí ẩn vào đầu giờ sáng 8/1.
Tuy nhiên, giới chức và các nhà khoa học Nga đã phủ nhận về việc có một vụ thử tên lửa hay một thiên thạch va vào Trái Đất.
Những chớp sáng tương tự từng xảy ra 3 lần ở Nga trong 12 năm qua, nhưng đến nay các chuyên gia chưa thể thống nhất về nguyên nhân chớp sáng xuất hiện.
Yuri Nefefyev, Giám đốc Đài quan sát Thiên văn Engelhardt, cho rằng điện khí quyển là nguyên nhân. “Có rất nhiều hiện tượng gắn liền với điện khí quyển, trong đó nhiều hiện tượng chưa được nghiên cứu cụ thể vì chúng xảy ra quá ít“, ông nói.
Các nhà thiên văn học tại Đại học Kazan lại nghĩ chớp sáng do bolide, một dạng sao băng cực sáng, gây ra. “Đó là sao băng bolide với toàn bộ vật chất bốc cháy trong khí quyển và không chạm xuống Trái Đất, theo sau là một tiếng nổ lớn“, Tiến sĩ Sergey Golovkin nhận định.
Tiến sĩ Golovkin bác bỏ giả thuyết hiện tượng này bắt nguồn từ mảnh vỡ tàu vũ trụ, bởi các mảnh vỡ thường mất nhiều thời gian hơn để tiến vào khí quyển nên hiện tượng xảy ra cũng sẽ kéo dài hơn.
“Đó là một sao băng bolide cháy giữa các lớp khí quyển dày nên người dân trên khắp một vùng rộng lớn đều có thể nhìn thấy“, ông kết luận.
Tú Văn (t/h)