“Chính quyền ngầm” giữa Triều Tiên và chính phủ Trung Quốc
Nội bộ Trung Quốc, phe đối lập với ông Tập Cận Bình với việc chia sẻ nền tảng lợi ích cùng chính quyền độc tài họ Kim của Triều Tiên, dường như đang gia cường mối đe dọa của vũ khí hạt nhân bất chấp việc đánh đổi an ninh quốc gia Trung Quốc.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, trong nhiều năm, các quan chức thuộc phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã lợi dụng việc duy trì mối nguy hạt nhân của Triều Tiên để phân tán sự chú ý đối với các cáo buộc nhân quyền, cũng như vô hiệu hóa đối thủ chính trị.
Gần đây, tình hình hạt nhân tại Bình Nhưỡng trở thành tiêu điểm, đã đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung lên một tầm cao mới sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump tại Florida với những thảo luận về cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, việc thương thảo kiểu như thế phải tính đến mối quan hệ trước đây giữa Trung Quốc và Triều Tiên do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân gây dựng.
Ở tuổi 90, ông Giang là đối tượng lãnh đạo đại diện cho nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền hơn đảm đương việc điều hành quốc gia.
Tuy nhiên, nguy cơ tàn lụi của đế chế độc tài họ Giang ngày lan rộng, khi các lãnh đạo thân tín nòng cốt thuộc phe cánh ông ta đang phải chống cự trước nỗ lực thanh trừng nội bộ Đảng do Tập Cận Bình triển khai nhằm chặt đứt nền tảng đang củng cố địa vị cho Giang Trạch Dân.
Những bức ảnh từ năm 2004 cho thấy sự thân mật giữa ông Giang và cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Các chính trị gia thuộc phe cánh Giang bao gồm 3/7 Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tất cả những người này đều có mối quan hệ mật thiết với phía Bình Nhưỡng.
Hai ủy viên thường trực là Tăng Khánh Hồng và Trương Cao Lệ đều từng học tại Bình Nhưỡng và đã nhiều lần đến thăm Triều Tiên, điều này cho thấy vai trò của họ trong mối quan hệ Trung-Triều. Trương Đức Giang là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, đồng thời là người phụ trách các vấn đề của đặc khu Hồng Kông, sự nghiệp của ông vươn tới cả ngoài biên giới phía Đông Bắc Trung Quốc.
Thân tín thứ ba của ông Giang, hiện đang phục vụ trong Bộ Chính trị, ông Lưu Vân Sơn, trưởng ban Tuyên truyền đã có nhiều chuyến viếng thăm cấp cao tại Triều Tiên với tư cách Ủy viên thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ với mục tiêu “Xây dựng nền văn minh tinh thần”.
Được bảo trợ của ban liên lạc đối ngoại ĐCSTQ do ông Vương Gia Thụy đứng đầu, từ năm 2003 đến năm 2015, nhiều công ty Trung Quốc đã có các giao dịch với phía Triều Tiên bất chấp lệnh cấm vận từ Liên Hợp Quốc.
Qua nhiều năm, tên lửa của Triều Tiên vẫn là mối lo lắng của các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh, bởi chúng có thể dễ dàng khai hỏa nhắm vào các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều hàng hóa mà Triều Tiên cần cho các dự án hạt nhân và tên lửa của nước này như bệ phóng tên lửa đạn đạo, nhôm ô-xit đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong báo cáo năm 2015 của Vụ khảo cứu Quốc hội, Mỹ từ lâu đã cố gắng giảm “vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc đẩy mạnh tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa thông qua viện trợ. Các nước nhận viện trợ công nghệ từ Trung Quốc bao gồm Pakistan, Triều Tiên và Iran”.
Don Tse, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nói trên trang China Decoding rằng 5 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều diễn ra theo đúng diễn tiến được kích động từ ông Giang và phe cánh. Chúng đều trùng khớp với thời điểm ông Giang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hay khi phe cánh ông này đang phải đối mặt với những cuộc tranh đấu trong chính quyền Trung Quốc.
Tse tin rằng, vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 10/2006 nhằm mục đích che lấp việc ngã ngựa trước đó 1 tháng của Trần Lương Vũ – thân tín thuộc phe Giang khi ấy đang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và là ứng cử viên chính cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 2012, khi ông Tập bắt đầu lên nắm quyền, Don Tse cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang đã âm mưu ngăn chặn nỗ lực phi hạt nhân hóa tại Bắc Hàn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
“Năm 2012, ông Jang Song-thaek [chú của Kim Jong-un] đến thăm Trung Quốc và tổ chức cuộc mật đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, họ thảo luận cách thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ thử nghiệm hạt nhân và cân nhắc khả năng thay thế anh trai Kim Jong-nam vào vị trí của Kim Jong-un”, Tse nói.
Ông Giang Trạch Dân sử dụng mối đe dọa hạt nhân tại Triều Tiên nhằm phân tán sự chú ý của người Mỹ trước các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc cũng như chống lại các cuộc tấn công chính trị từ các phe phái trong ĐCSTQ – Don Tse, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc.
“Nhưng Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ thông tin này cho Kim Jong-un – người ra lệnh hạ sát Jang”. Truyền thông Triều Tiên đưa tin, Jang bị xử tử ngày 12/12/2013, một ngày sau khi phiên phán xét.
Giang và các thân tín có đủ lý do để kháng cự lại sự tái cơ cấu trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.
Vào thời điểm các nhà quan sát phương Tây mong đợi tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc, thì chính quyền của Giang đã tăng cường đàn áp các tộc người thiểu số, các nhóm tôn giáo không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước.
Nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong- Il và lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân bắt tay nhau trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2004. (Ảnh: CCTV/AFT/Getty)
Dưới thời của ông Giang – người bước lên đỉnh cao của sự nghiệp sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn, ĐCSTQ kế thừa những đặc điểm hung ác nhất trong hệ tư tưởng Marx – Lenin, đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Ngân sách an ninh nội bộ của Trung Quốc tăng vọt, có thời điểm vượt quá ngân sách của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Cơ Đốc giáo đã bị sát hại, cung cấp nội tạng cho hệ thống tạng siêu lợi nhuận của chính phủ Trung Quốc.
Những sự kiện gần đây dường như chứng minh các phân tích này. Như một chính trị gia không liên quan đến di sản hay cuộc đàn áp mà ông Giang phát động, ông Tập dường như thấy rằng những trò hề của Bình Nhưỡng sẽ không đem lại lợi ích gì đối với uy tín và đất nước của ông.
Theo Epoch Times