Chính phủ Anh tiết lộ kế hoạch xử phạt những doanh nghiệp trốn thuế
Chính phủ Vương quốc Anh đã tiết lộ kế hoạch xử phạt những doanh nghiệp dính dáng tới những hành vi trốn thuế, một tháng sau vụ bê bối liên quan đến chi nhánh của Ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ tiếp tay cho khách hàng nước ngoài trốn thuế.
Danny Alexander, quan chức Bộ Tài chính Anh quốc nhận định, hệ thống thuế của nước Anh vẫn còn nhiều lỗ hổng và loan báo một loạt các biện pháp xử phạt, bao gồm cả các mức phạt cao hơn đối với người trốn thuế.
Theo đó, các hành vi gian lận thuế sẽ bị khởi tố mà không cần chứng minh mục đích. Đồng thời, các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến hành vi trốn thuế cũng sẽ bị “bêu tên” một cách công khai.
Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính là George Osborne công bố kế hoạch ngân sách cuối cùng của Chính phủ nước Anh trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, dự kiến sẽ tổ chức vào Tháng 5 tới.
Ông Alexander nói rằng, “xứ sở sương mù” đang muốn xem sự bất lực của các doanh nghiệp trong việc ngăn chặn những gian lận kinh tế diễn ra là một tội ác, và muốn đảm bảo rằng những án phạt được đưa ra là đủ nghiêm khắc để trừng phạt và răn đe.
Bên cạnh đó, các mức phạt tài chính cũng sẽ được tăng lên và được tính theo giá trị số tài sản không khai báo được giữ ở nước ngoài.
Hồi đầu Tháng 2, Tổ chức phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố trên tờ Le Monde của Pháp các hồ sơ cho thấy chi nhánh tại Thụy Sĩ của HSBC đã giúp nhiều khách hàng giàu có nước ngoài trốn thuế trong giai đoạn từ tháng 11/2006 đến tháng 3/2007, với khối tài sản lên tới 180 tỷ euro (tương đương 204 tỷ USD)
Chiến dịch truy quét và chặn đứng nạn gian lận thuế trong bốn năm qua đã đóng góp thêm 100 tỷ USD vào nguồn thu ngân sách của Chính phủ Anh.
Với việc thực thi thuế mới, London hy vọng sẽ thu về tổng cộng 3,1 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có 560 triệu USD từ chiến dịch chống trốn thuế ở nước ngoài.
Vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã thông qua mô hình tự động trao đổi dữ liệu thuế, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thúc đẩy, như là phương tiện hiệu quả nhất để chống lại vấn nạn trốn thuế.
Theo VN Plus