Chiêu thức nhập cảnh trái phép trên biên giới Việt – Lào
Có nhiều mánh khóe để nhập cảnh trái phép về nước nhưng phổ biến nhất là thuê người Lào dẫn đi đường rừng, thỏa thuận với tài xế nấp trong cabin hoặc hầm tự chế, lợi dụng giao ban tài xế để trốn lên xe… đây đều là những mánh nhập cảnh trái phép để trốn cách ly.
Theo Vnexpress, hồi cuối tháng 4, Công an Hải Dương đã bắt được một người đàn ông 32 tuổi là BN 3051 trốn trong thùng xe container để vào Việt Nam trái phép. Sau khi vượt biên trót lọt, người này đã di chuyển khắp 5 tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội và Hưng Yên, lây bệnh cho các F1.
Không chỉ có trường hợp này, từ đầu mùa dịch đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 vượt biên trái phép lây bệnh ra xã hội.
Theo Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó trạm trưởng biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), Việt Nam có nhiều tỉnh thành chung đường biên giới với Lào, do dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng giao thương 2 nước nên tội phạm liên quan hoạt động trái phép gia tăng, mục đích để trốn cách ly tập trung.
Đại úy Đỗ Mạnh Hùng cho biết, những người này thường vượt biên qua đường tiểu ngạch, hoặc trốn trong trong các phương tiện vận chuyển để đi từ Lào nhập cảnh vào Việt Nam.
Đối với hình thức với vượt biên bằng đường tiểu ngạch, những người này liên hệ với một số người Lào sống ở gần khu vực biên giới giáp ranh Việt Nam rồi đưa tiền để được đối tác dẫn đi đường rừng hoặc lội qua sông suối để về quê hương, sau đó người dân tự tìm đường thoát ra quốc lộ, về quê.
Theo Đại úy Hùng, để phát hiện và xử lý các trường hợp vượt biên bằng đường rừng rất khó, bởi địa hình mênh mông, người dân quanh khu vực lại rất thông thuộc lối mòn, có thể đi qua đi lại dễ dàng giữa 2 nước. Do đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã yêu cầu chính quyền các xã biên giới Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) tổng hợp danh sách những người làm ăn tại địa phương và những người đang lao động tại Lào để chủ động theo dõi. Ngoài ra lực lượng chức năng còn tăng cường lập 4 tổ chốt, tuần tra 24/24.
Đối với hình thức trốn trong các phương tiện vận tải, lực lượng chức năng ghi nhận thường có sự hợp tác giữa người vi phạm với các tài xế, có thể do quen biết hoặc qua thỏa thuận chi phí. Người vi phạm được tài xế để ngồi trốn trong các hầm tự chế, thùng đựng hàng hóa hoặc cabin….
Ngoài ra, còn có các đối tượng lợi dụng khi các phương tiện giao ban tài xế, thay xe để trèo lên nóc cabin hoặc bám vào các vị trí khuất của thành xe để trốn, nhằm thoát qua chốt kiểm soát.
Mỗi ngày tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có khoảng 500 đến 550 phương tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh. Từ ngày 27/4, cặp cửa khẩu Lao Bảo – Densavan tiến hành kiểm tra kỹ ở 2 phía phương tiện để đề phòng người trốn cách ly, nhập cảnh trái phép.
Yên Yên (t/h)