Chiến thuật gài bẫy các quan chức tham nhũng của Trung Quốc
Các điều tra viên sắp xếp các cuộc bắt giữ để có sự thị uy tối đa, trong khi cố gắng giữ cho mục tiêu vẫn còn sống.
Vạn Khánh Lương, cựu bí thư thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, người bị bắt vào ngày 27/6/2014 là một ví dụ cho chiến lược bắt giữ quan chức tham nhũng của Trung Quốc.
Sáng hôm đó, Vạn Khánh Lương có thể vẫn nghĩ rằng mọi chuyện đang diễn ra như bình thường, ông ta phải tham dự một buổi họp cấp cao ở tòa nhà chính quyền tỉnh Quảng Đông. Chờ ông Vạn bên ngoài là những viên chức cấp dưới của ông này từ chính quyền thành phố Quảng Châu. Những người này sẽ đi cùng ông Vạn sau buổi họp để thanh tra một trường học.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi trong cuộc họp. Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông không cho ông Vạn phát biểu trong suốt buổi thảo luận.Sau đó, cuộc bắt giữ diễn ra ngay trước mặt các quan chức hàng đầu của tỉnh này, do các điều tra viên của cơ quan chống tham nhũng đáng sợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI).
Ông Vạn nhanh chóng được đưa ra khỏi tòa nhà trước sự chứng kiến của các quan chức thành phố Quảng Châu. Trong vòng 10 phút, CCDI tuyên bố trên trang web của cơ quan việc ông Vạn bị điều tra vì các vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng. Cụm từ “các vi phạm pháp luật và kỷ cương Đảng” thường được sử dụng trong các cuộc điều tra tham nhũng ở Trung Quốc.
“Quan chức bị nhắm tới rất dễ lơ là cảnh giác vì ông ta tự đặt bản thân lên quá cao khi tham dự một cuộc họp như vậy“. – Nhân Dân Net
Sáu tháng sau, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng nhiều chương trình mô tả về lối sống xa hoa của ông Vạn.
‘Thị uy’
Ngày 2/2/2015, phiên bản online Nhân Dân Net của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài miêu tả vụ bắt giữ ông Vạn. Việc bắt giữ các quan chức Đảng vì tham nhũng được tính toán để có tác động tối đa đối với các Đảng viên, nhưng tự tử là một hệ lụy mà những người săn bắt tham nhũng phải cố gắng tránh.
Theo Nhân Dân Net, những chiến thuật được sử dụng để bắt giữ Vạn Khánh Lương là rất điển hình. Những người săn bắt tham nhũng thường tổ chức một cuộc họp quan trọng mà quan chức bị nhắm đến khó có thể vắng mặt. Tất nhiên, để giúp cho buổi họp diễn ra bình thường, không làm cho đối tượng lo ngại, thì cấp trên của người này phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra.
“Quan chức bị nhắm tới rất dễ lơ là cảnh giác vì ông ta tự đặt bản thân lên quá cao khi tham dự một cuộc họp như vậy. Những người săn bắt tội phạm sẽ chờ bên ngoài để sẵn sàng phản ứng, giám sát cuộc họp thông qua camera giám sát và trao đổi tin nhắn với một số người trong cuộc họp”, bài báo nói rõ.
“Tất cả những bước đi [trong việc bắt giữ ông Vạn] này đã được tính toán nhằm lưu lại một vết hằn trong ý thức cá nhân của mọi quan chức địa phương có mặt tại đó”, DWnews, một trang tin tức tiếng Trung có trụ sở ở Mỹ, nhận định.
Việc ca tụng các chiến công chống tham nhũng của CCDI trên các phương tiện truyền thông nhà nước là một phần của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phát động. Hơn hai năm qua, hàng nghìn quan chức của Đảng đã bị bắt giữ. Những “con hổ” lớn – các quan chức cao cấp – những người tưởng chừng không thể động đến, cũng đã bị hạ bệ thẳng thừng.
Trong một bài viết vào tháng 9/2014, lãnh đạo CCDI Vương Kỳ Sơn nói rằng tham vọng của đội quân chống tham nhũng của ông là làm cho các quan chức “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
Bài báo ngày 2/2/2015 của Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của chính quyền – đã lặp lại lời phát biểu của Vương Kỳ Sơn và lưu ý rằng “việc bắt giữ các “con hổ” là một cách để đe dọa những kẻ khác”.
Yếu bóng vía
Các điều tra viên chống tham nhũng chia các quan chức thành hai nhóm yếu bóng vía và mạnh thần kinh.
Theo tờ Nhân Dân Net, Dương Hồng Vệ, phó bí thư châu tự trị Sở Hùng của tộc người Di ở tỉnh Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc, đã sợ hãi đến độ quỵ cả gối khi các nhân viên của CCDI xuất hiện.
Dương Vệ Trạch, Bí thư Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc đã chạy về phía cửa sổ toan tự tử khi nhìn thấy người của CCDI. Nhưng các điều tra viên đã tóm lấy và đè ông này xuống nền nhà.
“Sẽ là thiệt hại rất lớn cho chiến dịch chống tham nhũng nếu chúng ta mất đi một vị quan chức cấp tỉnh như vậy (do bị chết)”, bài báo của Nhân Dân Net tuyên bố.
Việc bắt giữ những con hổ là một cách để đe dọa những người khác. – Theo Tân Hoa Xã
Bài báo cũng kêu gọi CCDI cảnh giác và sẵn sàng hành động khi dẫn giải các quan chức bằng máy bay hoặc tàu lửa.
Lý do các quan chức tự tử
Tỷ lệ tự tử của quan chức Trung Quốc đang gia tăng, mặc dù không có ghi chép công khai về con số quan chức tự tử. Theo thông tin ngày 31/1/2015 của kênh truyền thông nhà nước mới được thành lập Peng Pai, 77 người tự tử trong hai năm 2013 và 2014 so với 68 người trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2012.
Theo một kênh truyền thông khác do nhà nước quản lý, China Young Daily, thì từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2014 đã có 54 trường hợp chết bất thường, trong đó có 23 vụ tự tử.
Phó giám đốc Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh Nội Hoa Hoa tuyên bố có một mối liên hệ rõ ràng giữa số quan chức chết bất thường và chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra, tạp chí kinh doanh Caixin đưa tin ngày 2/2.
“Để che đậy tội lỗi, bảo vệ phe nhóm trong đảng, bảo vệ gia đình và sự thiếu niềm tin vào quy trình tư pháp của Trung Quốc là các lý do khiến các quan chức tham nhũng tự tử”, giáo sư Nội nói.
Trong một bài blog đăng vào tháng 5/2014, một nickname là Muran đã làm rõ hơn về nguyên nhân các quan chức tự sát.
Nếu một quan chức tự sát, gia đình của ông ta sẽ vẫn tiếp tục tận hưởng số tài sản bất chính ông ta vơ vét được. Vậy nên, quan chức đó có thể đã chuẩn bị mọi thứ kĩ càng trước khi quyết định tự vẫn.
Một quan chức cũng có thể bị bức ép đến mức phải tử tự, vì các mối đe dọa đến sự an toàn của gia đình và những người có lợi ích gắn liền với ông ta có thể bị lợi dụng để chống lại ông ta.
Thêm vào đó, cái có vẻ như là một vụ tự tử trên bề mặt trên thực tế lại có thể là một vụ giết người bịt đầu mối để bao che cho việc làm của họ và vì nỗi sợ hãi bị phát giác, khi mà những tội lỗi của ông này đã bị phát hiện.
Frank Fang, Epoch Times / DAIKYNGUYENVN chuyển ngữ