Chiến hạm chen đặc Singapore
Triển lãm thiết bị hải quân và hội luận về an ninh biển diễn ra sôi động ở Singapore giữa lúc có nhiều lo ngại về tình hình Biển Đông.
Sáng qua 19.5, phát biểu khai mạc sự kiện có tên gọi IMDEX Asia được tổ chức mỗi 2 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: “Để đảm bảo vùng biển của chúng ta duy trì được tình trạng an toàn và ổn định, cần hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức an ninh đang đe dọa tất cả chúng ta”. Phát biểu của ông Ng, cũng như những phát biểu gần đây của các quan chức và báo chí Singapore, rõ ràng thể hiện mối lo của một quốc gia nằm tại vùng biển huyết mạch của thế giới đang căng thẳng bởi những tính toán quân sự từ nhiều phía, dù nước này không là một bên trực tiếp tranh chấp.
Bên cạnh sự nóng bỏng liên quan đến những tranh chấp chủ quyền và hoạt động xây dựng cấp tập của Trung Quốc trên Biển Đông, Giáo sư Geoffrey Till của đại học Kings College (Anh) cũng chỉ ra rằng IMDEX Asia 2015 diễn ra giữa lúc xuất hiện những chiến lược biển đầy tham vọng. Đó là “Con đường tơ lụa trên biển” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “Điểm tựa an ninh biển toàn cầu” của tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Chuyên gia lịch sử hàng hải và an ninh biển này cũng nói rằng, với tất cả những gì đang diễn ra, biển trong tương lai sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu trong nền kinh tế mỗi quốc gia vùng châu Á – Thái Bình Dương, bởi nước nào cũng tăng cường đầu tư cho hải quân. “Lần đầu tiên trong lịch sử 400 năm, các nước châu Á đầu tư cho hải quân lớn hơn các nơi khác. Châu Âu đang giảm đi, trong khi châu Á phình to”, Giáo sư Till nói.
Lo ngại từ những con số
Cùng nhận định với Giáo sư Till, chuyên gia quân sự Richard Bitzinger tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) cũng chỉ ra rằng hải quân các nước Đông Nam Á đang “lột xác”, từ những “binh chủng khiêm tốn” tập trung bảo vệ bờ biển nay trở thành các “hạm đội hiện đại” với hỏa lực đáng gờm, có khả năng chinh phục biển cả. Không dừng ở mức đầu tư các tàu hộ tống tên lửa lớn hơn, tầm hoạt động xa hơn, hải quân của phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều trang bị tàu ngầm và các phương tiện chiến tranh đa năng, thần tốc…
Nhà tổ chức triển lãm lần thứ 10 này cho hay có hơn 180 công ty chế tạo thiết bị quốc phòng từ 28 quốc gia tham dự với những sản phẩm tân tiến nhất. Chưa hết, 20 chiến hạm từ 12 quốc gia cũng tề tựu về quân cảng Changi trong một cuộc phô diễn năng lực làm chủ vùng biển của mình.
Đại diện nhà tổ chức, ông Leck Chet Lam dẫn các con số dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường AMI International cho biết đến năm 2031, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chi khoảng 200 tỉ USD để sắm mới chiến hạm và tàu ngầm, trong đó các nước ASEAN chi khoảng 25 tỉ USD. “Sự tăng trưởng năng động này đem đến cho các công ty sản xuất thiết bị an ninh biển những cơ hội bao la”, ông Leck nói.
Nhưng trái ngược với sự lạc quan của nhà tổ chức, tiến sĩ Bitzinger cảnh báo: “Việc tăng cường sức mạnh này chắc chắn sẽ phóng đại các va chạm quân sự không may xảy ra trên Biển Đông. Những xung đột tương lai trong khu vực nhiều khả năng diễn ra nhanh hơn, nặng nề hơn, chết chóc và thiệt hại cũng lớn hơn”.
Cơ hội hợp tác ?
Bên cạnh triển lãm, IMDEX Asia với sự phối hợp của hải quân Singapore kéo dài từ ngày 19 – 21.5 cũng diễn ra một loạt hội thảo về an ninh biển, công nghệ hải quân, tàu ngầm, diễn tập chia sẻ thông tin, với sự tham gia của trên 70 quan chức hải quân, không quân, cảnh sát biển từ 40 quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen coi đây là cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác an ninh biển. Tuy nhiên, như phát biểu của một học giả quân sự tại IMDEX Asia 2011, mâu thuẫn và căng thẳng trên biển có lẽ cũng gia tăng từ sự kiện này. “Trong lúc chúng ta đang ngồi đây bàn về hợp tác, thì ngay bên ngoài gian triển lãm, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng ra sức chào mời các vũ khí tối tân”, ông này nói.
Thục Minh (Văn phòng Singapore) |
Theo Thanh Niên