Chỉ số Tự do kinh tế 2018: Việt Nam thua cả Lào và Campuchia
Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, chỉ xếp thứ 35 trong số 43 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Mặc dù tăng 0.7 điểm nhưng mức xếp hạng này được coi là dưới trung bình và trong nhóm nước phần lớn không có tự do kinh tế.
Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018” (Index of Economic Freedom) được Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) công bố hôm 02/02 (giờ địa phương). Báo cáo đánh giá chung rằng kinh tế thế giới phát triển ở mức độ tự do vừa phải và năm 2017 là năm thứ sáu liên tiếp chỉ số tự do kinh tế bình quân thế giới tiếp tục tăng. Điểm bình quân đạt 61,1/100, mức cao nhất trong lịch sử xếp hạng và cao hơn 3 điểm so với lần công bố chỉ số đầu tiên vào năm 1995.
Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018” xếp hạng 180 nền kinh tế, trong đó 102 nền kinh tế đã cải thiện chỉ số tự do kinh tế, 75 nền kinh tế giảm chỉ số này và 3 nền kinh tế giữ nguyên chỉ số. Có 6 nền kinh tế được xếp hạng “tự do” (từ 80 điểm trở lên) và 90 nền kinh tế thuộc hạng “cơ bản tự do” (70 – 79,9 điểm) hoặc hạng “tự do vừa phải” (60 – 69,9 điểm).
Như vậy có 96 nền kinh tế đã tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy, vẫn còn 63 nền kinh tế được đánh giá là “cơ bản không tự do” (50 – 59,9 điểm) và 21 nền kinh tế thuộc hạng tự do kinh tế “bị áp chế” (dưới 50 điểm).
Báo cáo ghi nhận ở các nền kinh tế thuộc hạng “tự do” và “cơ bản tự do”, thu nhập bình quân đầu người cao hơn hai lần so với bình quân các nước và cao hơn năm lần so với các nền kinh tế thuộc hạng “bị áp chế”.
10 nền kinh tế thuộc top 10 lần lượt là Hong Kong, Singapore, New Zealand, Thụy Sĩ, Úc, Ireland, Estonia, Anh, Canada và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 10 nền kinh tế đứng cuối bảng gồm CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Cuba, Congo, Eritrea, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Bolivia, Algeria và Djibouti.
Theo xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế 2018, Việt Nam xếp hạng 141/180 về mức độ tự do kinh tế trên thế giới và thứ 35 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2018, thua Lào (53,6 điểm, hạng 34), Myanmar (53,9 điểm, hạng 33) và Campuchia (58,7, điểm hạng 22). Mặc dù tăng 0.7 điểm nhưng mức xếp hạng này được coi là dưới trung bình và trong nhóm nước phần lớn không có tự do kinh tế (mostly unfree).
Theo Chỉ số Tự do kinh tế 2018, yếu tố giúp điểm số của Việt Nam tăng lên là mức độ trung thực của chính phủ, hiệu lực của cải cách pháp lý và tình hình tài khóa được cải thiện. Tuy nhiên tự do thương mại, quyền sở hữu đất đai và tự do lao động vẫn bị đánh giá thấp.
Các khía cạnh được đánh giá bao gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả chính sách quản lý và thị trường.
Về mặt luật pháp
Hệ thống hành pháp vẫn chịu nhiều sự kiểm soát của Đảng. Theo đánh giá của tổ chức này, hiện tại quyền sở hữu đất đai chủ yếu vẫn nằm trong tay nhà nước. Tình trạng tham nhũng phổ biến trong các doanh nghiệp nhà nước và những quan chức tham nhũng thường được miễn trừ các hình phạt hoặc chịu án phạt thấp. Mức độ trung thực của chính phủ tuy có cải thiện (đạt 30,4 điểm – tăng 5,8 điểm so với năm trước) nhưng vẫn thấp so với mức trung bình của thế giới (khoảng 45 điểm).
Về quy mô chính phủ
Chính sách tài khóa tăng 6,2 điểm nhưng vẫn kém xa mức trung bình trên thế giới. Chi tiêu chính phủ trong vài năm qua chiếm 29,4% GDP và thâm hụt ngân sách khoảng 6,4% GDP, nợ công tương đương 62,4% GDP. Gánh nặng thuế được cải thiện ở mức thấp (tăng 0,1 điểm). Thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, mức thuế trung bình tính chung cả nền kinh tế là 17,9% thu nhập nội địa.
Hiệu quả quản lý chính sách
Hiệu quả quản lý chính sách được đánh giá trên các phương diện như tự do kinh doanh, tự do lao động và tự do tiền tệ. Trong đó, các thủ tục hành chính rườm rà, cồng kềnh đã cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt, thị trường lao động kém linh hoạt, Chính phủ vẫn kiểm soát giá cả và trợ giá cho các công ty nhà nước.
Độ mở của thị trường
Thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó tổng giá trị xuất nhập khẩu chiếm tới 185% GDP. Mức thuế trung bình trong hoạt động ngoại thương là 3,1% nhưng những hàng rào phi thuế quan đã cản trở đáng kể hoạt động thương mại. Nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ được thuê đất mà không được mua đất. Tự do đầu tư kém xa mức trung bình của thế giới (25 điểm so với 60 điểm trung bình).
Theo bảng xếp hạng, tuy cùng nằm trong nhóm những nước có nền kinh tế “phần lớn không tự do” (mostly unfree) nhưng Lào được xếp hạng 138 trong khi Campuchia xếp hạng 101 bên trên cả Trung Quốc (hạng 110), Việt Nam tụt sau khá xa khi chỉ xếp thứ 141.
Các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN cũng bỏ rất xa Việt Nam về mức độ tự do kinh tế. Cụ thể, có ba quốc gia được xếp vào nhóm “Tự do kinh tế tương đối” (moderate free) là Indonesia xếp hạng 69, Philipines hạng 61 và Thái Lan hạng 52. Thậm chí Malaysia còn được xếp vào nhóm có nền kinh tế “hầu như tự do” (mostly free) với hạng thứ 22, trên cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo báo cáo, để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, giảm thiểu lợi ích nhóm, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh và hệ thống tài chính, giảm nợ xấu ngân hàng, tự do hóa thương mại và cải thiện các quyền tư hữu tài sản. Báo cáo chỉ ra rằng tăng cường sức mạnh thể chế sẽ giúp Việt Nam cải thiện mức độ tự do kinh tế.
Báo cáo của Quỹ Heritage nhận định: Những kết quả tích cực nhất mà xã hội có được không đến từ việc tái phân phối của cải hay các chính sách can thiệp từ Chính phủ. Thay vào đó, sự dịch chuyển và tiến bộ xã hội đòi hỏi giảm bớt các rào cản về gia nhập thị trường, tự do hội nhập với thế giới và hạn chế “bàn tay” can thiệp của chính phủ.
Ghi chú:
Chỉ số tự do kinh tế được công bố thường niên kể từ năm 1995 bởi The Heritage Foundation và The Wall Street Journal để đo lường mức độ tự do kinh tế.
Định nghĩa năm 2008 về “tự do kinh tế” trong Chỉ số tự do kinh tế như sau: “Tự do kinh tế, cho người dân quyền tư hữu tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quyền tự do lưu thông về nhân công, tiền vốn, hàng hóa, và hoàn toàn không có sự chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó”.
Chỉ số tự do kinh tế được tính dựa trên 10 yếu tố tự do kinh tế, chia thành 4 nhóm:
Nền pháp quyền: bao gồm các đánh giá về quyền tư hữu, khả năng bị trưng thu tài sản của người dân và mức độ tham nhũng của bộ máy tư pháp.
Giới hạn quyền lực Chính phủ: đánh giá mức độ tự do của người dân khỏi gánh nặng thuế khóa và chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu càng nhiều, điểm số càng thấp.
Hiệu quả Điều tiết kinh tế: bao gồm bộ chỉ tiêu đánh giá về tự do kinh doanh, tự do lao động và tự do tiền tệ.
Thị trường Tự do: đánh giá các hàng rào thuế quan và phi thuế quan ảnh hưởng đến mức độ tự do thương mại; tự do đầu tư và mức độ tự do tài chính.
Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập từ các tổ chức uy tín như World Bank, IMF, Economist Intelligence Unit và Transparency International.
Tuệ Tâm (t/h)