Chỉ 20 doanh nghiệp nội lọt top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 5/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã công bố kết quả khảo sát 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2014.
Ảnh minh họa. (Nguồn: wallcreator.com) Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015 với sự tham gia của trên 15.000 đáp viên thuộc 24 ngành nghề trên toàn quốc. Khảo sát dựa trên 46 yếu tố nằm trong sáu nhóm tiêu chí chính gồm: Lương, thưởng, phúc lợi; cơ hội phát triển; đội ngũ lãnh đạo; văn hóa và giá trị; chất lượng công việc và cuộc sống; danh tiếng công ty. Điểm mới của khảo sát năm nay là doanh nghiệp có thể đo lường sức khỏe thương hiệu nhà tuyển dụng nội bộ và bên ngoài dựa trên ý kiến của nhân viên và ý kiến của nhân tài, ứng viên. Tốp 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam dẫn đầu là Unilever, lần lượt các vị trí tiếp theo là Vinamilk, Microsoft, Abbott, Nestlé, Procter&gamble, HSBC, IBM, Coca Cola, Pepsi… Năm nay có 20 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, tăng sáu doanh nghiệp so với năm 2013. Bên cạnh đó, khảo sát cũng đưa ra xếp hạng các công ty có nơi làm việc tốt nhất phân loại theo ngành nghề, trong đó đứng đầu ngành bán lẻ/bán sỉ/thương mại là công ty FPT. VinGroup đứng đầu ngành bất động sản/kiến trúc/thiết kế; đứng đầu lĩnh vực công nghệ phần mềm/thuê ngoài là Microsoft; dẫn đầu ngành du lịch/khách sạn/nhà hàng là Vietjet. Ngoài ra, Samsung dẫn đầu ngành điện tử/công nghệ/thiết bị phụ trợ; Unilever dẫn đầu ở ngành hàng tiêu dùng nhanh; Nike dẫn đầu ngành may mặc/giày dép. Ban tổ chức cũng công bố sáu thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất theo từng nhóm tiêu chí, trong đó Vinamilk đứng đầu ở các tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi và chất lượng công việc và cuộc sống; Unilever đứng đầu ở các tiêu chí cơ hội phát triển và danh tiếng công ty; Microsoft đứng đầu ở tiêu chí đội ngũ lãnh đạo. Còn tiêu chí văn hóa và giá trị thì Intel ở vị trí dẫn đầu. Về xu hướng động cơ nghề nghiệp của người lao động, cuộc khảo sát cũng đã đưa ra những phân khúc nhân tài trong thị trường lao động Việt Nam gồm: nhóm khám phá thử thách, nhóm khát khao thành công, nhóm theo đuổi đam mê, nhóm thích ổn định và nhóm thích đồng đội. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, dù ở nhóm nhân tài nào thì người lao động cũng đều hướng tới ba mục tiêu nghề nghiệp chính đó là cân bằng công việc và cuộc sống; có đủ tiền để sống thoải mái và có được công việc ổn định, đảm bảo. Trong số đó, lương, thưởng, phúc lợi vẫn là yếu tố có tầm quan trọng nhất, từ thực tế đó, muốn thu hút và giữ chân nhân tài, doanh nghiệp cần đưa ra những chương trình phúc lợi toàn diện và cụ thể để đáp ứng kỳ vọng đa dạng của người đi làm. Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Anphabe, cho biết các phương pháp đo lường sức khỏe Thương hiệu nhà tuyển dụng ngày càng được cập nhật chuyên sâu và bài bản của cuộc khảo sát sẽ giúp doanh nghiệp xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của mình. Từ đó, doanh nghiệp có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao sức hấp dẫn trong mắt nhân viên và ứng viên./. |
Theo Vietnam Plus