Châu Á dẫn đầu thế giới về tăng trưởng tài sản
Người giàu vẫn tiếp tục giàu lên bất chấp những ghi nhận về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo báo cáo của BCG ngày 7/6, châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực có tài sản tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) về sự giàu có trên thế giới, số triệu phú, tỉ phú đã tăng 6% trong năm 2015 (lên đến 18,5 triệu trường hợp) và số này đang giữ đến 47% tài sản của thế giới, tính gồm thu nhập, tài khoản ngân hàng và cổ phần, cổ phiếu.
Như vậy, số người giàu này đang nắm giữ tổng tài sản trị giá 78.800 tỉ USD, tức nhiều hơn GDP toàn thế giới hiện nay.
Châu Á dẫn đầu
Báo cáo của BCG, một công ty tư vấn chiến lược ở Mỹ, công bố hôm 7/6 cho thấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng tốc.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối các nước phát triển có được sự tăng trưởng tài sản trong năm 2015 cao hơn tỉ lệ của năm 2014: đạt mức tăng 4%, hơn cùng kỳ năm trước chỉ 3%. Mức tăng ổn định này được cho là nhờ thị trường chứng khoán Nhật ăn nên làm ra.
Nhưng phần còn lại của châu Á – Thái Bình Dương còn tăng trưởng mạnh hơn nữa: tài sản các hộ gia đình tăng 13% trong năm 2015, lên đến 37.000 tỉ USD, chủ yếu nhờ vào mức tăng thu nhập của cá nhân.
Theo đánh giá của BCG, theo đà này thì đến năm 2017 châu Âu sẽ mất vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng “khu vực giàu có nhất thế giới” vào tay châu Á và đến năm 2020 Mỹ sẽ mất vị trí quán quân.
Những người giàu nhất trong số những người giàu – tức nhóm có tài sản trên 100 triệu USD – lại có mức tăng đáng kể là 7%, cao hơn cả năm trước đó. Đặc biệt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những trường hợp giàu có nhất lại còn tăng được tài sản của mình đến 21%!
Mỹ vẫn còn giàu nhất
Tài sản trên thế giới tiếp tục tăng trong năm qua (5,2%) dù tỉ lệ không cao bằng năm 2014 (7,5%). Tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chậm lại và hiệu quả từ kinh doanh tài chính trên các thị trường chứng khoán cũng không tốt khiến thu nhập của các hộ gia đình không tăng tốt.
Ở các nước phát triển, sự tăng trưởng kém đi đó được thể hiện rõ nhất. Dù Mỹ vẫn là quốc gia giàu có nhất thế giới (có 8 triệu triệu phú) nhưng tài sản của người dân (không tính nhà chính) chỉ tăng được 2% trong năm 2015 trong khi năm trước đó tỉ lệ lên đến 6%.
Ở Tây Âu, tình hình không đến nỗi quá tệ. Tài sản các hộ gia đình tăng được 4% trong năm vừa qua (Pháp tăng tốt nhất với mức 5%) dù năm 2014 tỉ lệ này đến 6%. Mức tăng còn tốt này là nhờ thị trường tài chính khá hiệu quả trong năm rồi ở một số nước Tây Âu.
Hiện tượng lạ chính là Đông Âu vì dù giá dầu mỏ và giá nguyên liệu giảm mạnh, rồi thì cuộc khủng hoảng Ukraine còn đó nhưng tài sản ở khu vực này vẫn tăng 6% trong năm rồi (năm 2014 tăng đến 11%).
Cũng ở châu Âu, những hộ gia đình có tài sản vào khoảng 1-20 triệu USD lại giàu thêm 10% trong khi những người có 1 triệu USD trở xuống chỉ tăng thêm được 2%.
Trên bình diện thế giới, dù trong vài năm gần đây người ta thường nhắc đến sự đình trệ, suy giảm tăng trưởng kinh tế nhưng có điều lạ là số triệu phú đôla lại tăng đến 6% trong năm 2015. Câu trả lời nằm ở Trung Quốc (2 triệu triệu phú) và Ấn Độ.
Nhưng Thụy Sĩ và công quốc Liechtenstein tiếp tục là nơi có tỉ lệ triệu phú/dân số cao nhất thế giới.
Theo Tuổi Trẻ