Chất lượng cuộc sống của Việt Nam ở mức… âm, thua cả Lào và Campuchia?
Việt Nam được website Numbeo.com đánh giá là quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới với số điểm -13,89, xếp sau cả Lào và Campuchia.
Chỉ số Chất lượng Cuộc sống được tính toán dựa trên hàng loạt yếu tố bao gồm mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, giá nhà đất so với thu nhập và mức độ ô nhiễm môi trường.
Và đây là kết quả
Thụy Sỹ là quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới, theo sau là Đan Mạch, Đức và Phần Lan. Tuy nhiên, Ả rập Saudi và Oman lần lượt xếp thứ 6 và 7 trong danh sách những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới, trên cả Mỹ, Canada, Australia và Các Tiểu Vương quốc Ả rập.
Dữ liệu về Chỉ số Chất lượng Cuộc sống được thu thập bởi Numbeo.com, website dữ liệu lớn nhất thế giới về các thành phố và quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng dữ liệu được thu thập thông qua các khảo sát trực tuyến chứ không phải từ báo cáo chính thức của chính phủ. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới với số điểm -13,89, xếp sau cả Lào và Campuchia.
Dưới đây là 7 yếu tố quan trọng nhất dùng để tính toán chỉ số Chất lượng cuộc sống:
Mức độ an toàn: Chỉ số mức độ an toàn được xác định thông qua những câu hỏi khảo sát đánh giá về mức độ tội phạm và tỷ lệ này đã thay đổi như thế nào trong 3 năm qua. Ngoài ra còn có các câu hỏi về mức độ an toàn vào ban ngày và đêm, mức độ lo sợ trộm, cướp của người được khảo sát.
Chăm sóc sức khỏe: Người tham gia khảo sát sẽ được hỏi về năng lực của đội ngũ nhân viên y tế và chất lượng của trang thiết bị y tế. Ngoài ra còn có mức độ nhanh, chậm của quy trình kiểm tra sức khỏe, độ chính xác và thân thiện khi giải quyết vấn đề với bệnh nhân.
Giá tiêu dùng: Những nhân tố liên quan đến giá hàng tiêu dùng bao gồm rau củ quả, nhà hàng, phương tiện đi lại và các dịch vụ khác, ngoại trừ giá thuê bất động sản.
Sức mua: Nếu chỉ số giá tiêu dùng ở phía trên tập trung vào giá của hàng hóa tiêu dùng thì sức mua chỉ ra khả năng mua hàng hóa của người dân.
Giao thông đi lại: Đây được xem là chỉ số thú vị nhất dùng để đánh giá Chất lượng cuộc sống tại mỗi quốc gia. Nó bao gồm chỉ số thời gian người dân dành cho việc đi lại, mức độ không hài lòng về lượng thời gian tiêu tốn và ước lượng mức khí thải CO2.
Mức độ ô nhiễm: Chỉ số này được xem xét dựa trên những câu hỏi như sự cảm nhận về nguồn nước và chất lượng không khí, mức độ tiếp cận nước uống, ô nhiễm tiếng ồn, không gian xanh công cộng và mức độ hài lòng với vấn đề xử lý rác thải.
Giá nhà đất so với thu nhập: Chỉ số này được tính toán dựa trên tỷ lệ giá căn hộ trung bình so với thu nhập bình quân năm của người dân.
(Theo Trí Thức Trẻ/Numbeo.com)