Chặt 6.700 cây xanh: Hà Nội có thể sẽ lâm vào cảnh ô nhiễm nặng
Những ngày qua, Hà Nội đang tiến hành chặt bỏ, thay thế cây xanh trên một số đường. Đây là việc làm nằm trong kế hoạch chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua.
Cả một hàng cây tuyệt đẹp trên con đường của Thủ đô sắp bị chặt hạ. Những thân cây cao lớn bị cưa trụi lủi, trơ trọi. (Ảnh: Sơn-Long/Vietnam+) Những ngày qua, Hà Nội đang tiến hành chặt bỏ, thay thế cây xanh trên một số đường. Đây là việc làm nằm trong kế hoạch chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua. Phản ứng trước thông tin trên khi trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng cây di sản, cho rằng việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh có thể sẽ khiến các tuyến phố của Hà Nội lâm vào cảnh ô nhiễm không khí nặng nề hơn. – Với vai trò là người làm công tác bảo tồn cây di sản, tài nguyên và môi trường, ông có thể cho biết cây xanh có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Hà Nội hiện nay? Giáo sư Đặng Huy Huỳnh: Cây xanh là “lá phổi” điều hòa không khí rất quan trọng phục vụ cho cuộc sống của con người, cũng như góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của cây xanh tại các vùng đô thị có mật độ dân cư lớn, đô thị hóa nhanh lại càng có ý nghĩa to lớn. Đối với Hà Nội, từ trước đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, nhiều cây xanh ở Hà Nội đã bị đốn hạ, việc này không chỉ để lại nỗi buồn cho những nhà bảo tồn như tôi, mà nhiều người dân cũng bày tỏ những trăn trở, lo lắng, nhất là khi nghe thông tin khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Thủ đô sẽ bị chặt hạ. – Cây xanh có vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, vậy việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người dân và cảnh quan đô thị của Hà Nội hiện nay? Ngay từ sau Tết, tình hình thời tiết như lạnh, mưa, nồm, ẩm đã diễn biến rất khó chịu. Việc thay đổi này thực tế cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người dân Hà Nội, nhất là người già và trẻ em. Điều này cho thấy, nếu có thảm cây xanh, độ nóng, ẩm sẽ giảm bớt đi… Một điều nữa chúng ta cần phải nghĩ là, nếu việc chặt cây chúng ta làm không tốt có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục. Bởi từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có chủ trương kêu gọi toàn dân trồng cây, trồng rừng. Chủ trương này cũng đã được đưa vào giáo dục trong các trường học nhằm hướng tới mục đích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sáng 20/1, đội công nhân thuộc công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã bắt đầu công việc chặt hạ những cây xanh trên tuyến đường Cầu Giấy. (Ảnh: Sơn-Long/Vietnam+) – Đứng trước các mối lo đi kèm với việc chặt hạ cây xanh nêu trên, ông có kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý? Giáo sư Đặng Huy Huỳnh: Tôi cho rằng làm cầu đường hay xây dựng một khu công nghiệp để phát triển kinh tế xã hội là việc làm cần thiết, tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cân nhắc việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh (phần lớn là cây cổ thụ). Chúng ta càng không thể vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi “lá phổi” điều hòa không khí của con người. Riêng trong trường hợp bất khả kháng phải chặt hạ cây xanh để phát triển kinh tế, tôi nghĩ chúng ta cũng phải chấp nhận. Thế nhưng, chỗ nào có cây xanh trong quy hoạch nhưng có thể hạn chế chặt hạ thì cơ quan quản lý cũng cần phải suy xét. Bởi nếu chúng ta “mạnh tay” chặt hạ cây xanh, cuộc sống của con người sẽ tiềm ẩn những rủi ro, rồi chính chúng ta sẽ phải gánh chịu. – Theo ông, trong việc chặt hạ cây xanh để phát triển kinh tế, người dân có vai trò như thế nào? Và thành phố cần phải xử lý ra sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân? Giáo sư Đặng Huy Huỳnh: Tôi nghĩ rằng đối các khu vực có cây xanh nằm trong quy hoạch cần phải chặt hạ, thành phố cũng nên trao đổi với cộng đồng, lấy ý kiến của người dân đối với từng loại cây cụ thể. Trên cơ sở đó, các cây xanh cũng phải được đánh dấu nhận biết, để người dân tận mắt chứng kiến và kiểm nghiệm. Với những cây bắt buộc phải chặt, thành phố cũng cần công khai cụ thể đồng thời bố trí vị trí trồng phục hội. Tuy nhiên, theo tôi, để có thể gây dựng lại được một cây xanh có vai trò “điều hòa không khí” cũng phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Điều đáng lo là, trong quá trình chờ cây phát huy vai trò điều hòa, các tuyến phố của Hà Nội có thể sẽ lâm vào cảnh ô nhiễm không khí nặng nề hơn. Ví như tại Trung Quốc, thời gian qua ô nhiễm không khí, khói bụi đang ảnh hưởng rất lớn đên cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, Trung Quốc đã kêu gọi nhân dân trồng rừng, trồng cây để giảm ô nhiễm. Việc này cho thấy, cây xanh rất có ý nghĩa đối với cuộc sống. Đây là một bài học mà chúng ta cần phải ghi nhận và rút kinh nghiệm trước khi nghĩ đến việc đánh đổi cây xanh của Thủ đô./. – Xin chân thành cảm ơn ông! |
Theo Vietnam Plus