Chàng trai châu Phi chế tạo giày đi bộ tạo ra điện sạc điện thoại
Chàng trai trẻ đến từ đất nước Kenya – Anthony Mutua đã sáng chế một loại chip thủy tinh siêu mỏng cho vào trong đế giày có thể tạo ra điện dùng để sạc điện thoại và cả các đồ dùng điện tử khác.
Những con chip gắn trong đế giày sẽ sản sinh ra điện khi chịu áp lực của trọng lượng cơ thể và cũng có thể lưu trữ điện. Để sử dụng nguồn điện được tạo ra trong những con chip thủy tinh này, chúng ta có 2 cách:
– Ở đế giày sẽ tích hợp các cổng usb để kết nối với điện thoại, phải đảm bảo dây sạc đủ dài để bạn có thể vừa sạc vừa di chuyển.
– Bạn có thể sạc điện thoại lúc đang dừng chân vì những con chip thủy tinh này có cơ chế lưu trữ điện.
Các con chip thủy tinh của Anthony có thể được tùy biến và sạc được nhiều thiết bị cùng một lúc. Nó còn có thể được tháo ra và gắn vào một đôi giày khác nếu như đôi cũ đã bị hỏng.
Gần như tất cả mọi loại giày đều có thể tích hợp công nghệ này trừ những loại giày đi trong nhà tắm vì có nguy cơ giật điện.
Trong giai đoạn thử nghiệm của loại chip này, nếu bạn đi bộ khoảng 800 m sẽ đủ để sạc đầy một chiếc điện thoại. Về vấn đề an toàn của con chip, nó đã được thiết kế chống nước và chống bụi bẩn để có thể đảm bảo được tuổi thọ. Người dùng cũng sẽ không phải lo lắng bị điện giật nguy hiểm bởi dòng điện tạo ra là rất nhỏ.
Hiện nay, Anthony Mutua đã sáng lập ra công ty chuyên sản xuất giày sạc điện Hatua Shoes. Anthony không muốn cung cấp sản phẩm của mình tới các nhãn hàng giày dép nổi tiếng như Adidas, Nike, Reebok, Bata… bởi các công ty này sở hữu các công nghệ riêng về giày dép và họ không muốn những con chip này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm của họ.
Sáng chế này của anh sẽ giúp những người sống ở các khu vực thiếu thốn cơ sở vật chất nguồn điện. Nó còn ủng hộ chế độ sinh sống khỏe mạnh khi đôi giày này muốn mọi người phải tích cực hoạt động và mở đường tiên phong cho công nghệ tạo năng lượng điện bằng các hoạt động vật lý của con người.
Hiện tại một đôi giày có giá khoảng 46 USD với chế độ bảo hành trong một năm rưỡi.
Theo GenK