Câu chuyện về nàng “Lâm Đại Ngọc Anh quốc” (P.1): Tình yêu định mệnh
Là một dịch giả nổi tiếng, Gladys được ví von như “hoa thụy liên trong thơ ca Đường Tống” hay “Lâm Đại Ngọc Anh quốc”. Tuy nhiên hạnh phúc đến với bà dường như quá ngắn ngủi, bởi tiếp sau đó là những chuỗi ngày hối tiếc, đau khổ.
Dương Hiến Ích (Yang Hsien Yi) và Gladys B.Tayler là hai dịch giả nổi tiếng tại Trung Quốc và cả thế giới. Ông bà đã cống hiến cả đời mình để phiên dịch những tác phẩm kinh điển trứ danh trong nền văn học truyền thống Trung Hoa như Ly Tao của Khuất Nguyên, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Tư Giám Thông Trị của Tư Mã Quang, … sang tiếng Anh cho đến Rolland Thi Ca của Sử thi Pháp, Áo Đức Tu Ký của Sử thi Homer sang tiếng Trung; đóng góp một di sản văn hóa to lớn trong lâu đài văn học thế giới.
Từ tình yêu nồng nàn với thơ ca cổ điển Đường Tống của Trung Hoa, Gladys đã đến với Trung Quốc như một định mệnh. Bà được ví von như “hoa thụy liên trong thơ ca Đường Tống” hay “Lâm Đại Ngọc Anh quốc”. Dương Hiến Ích, chàng trai tài năng, say mê nhiệt huyết vào chủ nghĩa lý tưởng, mong muốn mãnh liệt cống hiến cho tổ quốc trong thời chiến tranh loạn lạc cho đến thời cộng sản.
Tuy nhiên, ít ai biết được quãng thời gian hạnh phúc của ông bà quá ngắn ngủi. Trải qua Cách mạng Văn Hóa, bị tù đày, cái chết của đứa con trai yêu quý, thảm sát Thiên An Môn, sự sụp đổ đau thương về niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản đã khiến kết cục cuộc đời ông bà là những chuỗi ngày hối tiếc, khổ đau.
Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện tóm lược về cuộc đời cặp đôi dịch giả Dương Hiến Ích và Gladys B.Tayler, bao gồm cả phần đời đau khổ dưới “làn sóng đỏ” ít được đề cập đến tại Trung Quốc. Truyện được chia ra thành 5 kỳ, sau đây là kì đầu tiên của câu chuyện.
Phần 1: Tình yêu định mệnh
Mùa thu năm 1940, cô gái người Anh 21 tuổi, Gladys B.Tayler đã không màng đến sự phản đối của gia đình, dũng cảm vượt qua rào cản xã hội và đi theo tiếng gọi của trái tim, cùng hôn phu của mình vượt một hành trình dài đằng đẵng đến Trung Quốc. Mái tóc vàng óng như những sợi tơ lụa chảy từ thiên đường bắt đầu bước vào một đất nước bị tàn phá của chiến tranh, nạn đói nghèo và những vết thương hủy hoại khốc liệt khắp nơi.
Không biết làm thế nào mà một cô nữ sinh duyên dáng được yêu thích hàng đầu của Đại học Oxford lại phải lòng một du học sinh người Trung Quốc có gia cảnh sa cơ lỡ vận? Đối mặt với những khác biệt và thách thức của hệ thống xã hội và phong tục, liệu tình yêu lãng mạn của họ có thể kéo dài được bao lâu?
Vào tháng 2 năm sau đó, hai người hòa hợp kết duyên tại Trùng Khánh. Giống như hầu hết các cô dâu truyền thống Trung Quốc, Gladys cuộn mái tóc lên, mặc chiếc xường xám lụa thêu hoa. Đôi mắt xanh như nước hồ lấp lánh, nụ cười e thẹn tinh khiết như những cánh hoa sen sắp nở. Cô là hoa thụy liên ngàn năm anh chờ đợi, từ những khúc thi ca đời Đường Tống từ kiếp trước, là thiên sứ đến bầu bạn sẻ chia vui buồn cùng anh.
Đây chính là mối lương duyên của cặp vợ chồng dịch giả nổi tiếng từ hai đất nước khác nhau, Ông Dương Hiến Ích (Yang Hsien-yi) và Bà Gladys.
Tình yêu nồng nàn với Trung Quốc
Gladys sinh ra ở Bắc Kinh vào năm 1919. Cha mẹ bà là nhà truyền giáo người Anh. Cha bà tên là J. B. Tayler (Đái Nhạc Nhân), chủ nhiệm khoa Kinh tế của trường Đại học Yên Kinh (Yenching), chịu trách nhiệm về việc cử sinh viên đi du học tại Anh Quốc; sau đó, ông tận tâm tận lực cho công việc cứu trợ tại các khu vực lạc hậu của Trung Quốc. Sự cống hiến về mặt tinh thần của ông đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời Gladys.
Trong khu nhà vườn ở Bắc Kinh, Gladys cùng với anh trai em gái trồng hoa và nuôi thỏ. Sau đó, gia đình bà chuyển đến sống trong viện Yên Nam của đại học Yên Kinh. Những ngày lễ hội năm mới của Trung Quốc, những chiếc đèn lồng màu sắc lung linh trong tết Nguyên tiêu, những cánh diều trong tiết Thanh Minh, những chiếc kiệu hoa đám cưới, những chiếc xe kéo vàng rực rỡ, những biển hiệu cửa hàng danh tiếng làm người ta mê hoặc, tiếng chuông êm tai của đoàn lạc đà chở than vào thị trấn, tất cả đã để lại cho cô bé Gladys một ấn tượng thật tuyệt vời và tuổi thơ của bà trôi qua một cách êm đềm như thế.
Rồi Gladys trở về Anh quốc lúc 7 tuổi. Bà học nội trú 10 năm trong một trường học của nhà thờ. Bà học rất xuất sắc, đã giành được học bổng cấp quốc gia. Gladys không giống như các cô gái thích cuộc sống ồn ào nhộn nhịp, bà luôn thích nép mình trầm tư mặc tưởng, có chút gì đó cô đơn. Trong khung cảnh sương mù mờ xám ở Luân Đôn, bà hoài niệm về thời thơ ấu đầy màu sắc ở Bắc Kinh. Khi đọc những vần thơ Đường, bà mơ màng về một Trung Quốc cổ điển – một tổ quốc trong mơ, xứ Thần châu xinh đẹp trong thơ ca, văn học Trung Hoa.
Năm 1937, Gladys quen biết Dương Hiến Ích tại Đại học Oxford. Thời bấy giờ, Dương Hiến Ích là Chủ tịch Hiệp hội sinh viên Trung Quốc Oxford kháng Nhật, chuyên công bố những bài báo cáo, diễn giảng, gây quỹ, và Gladys tình nguyện làm thư ký cho ông.
Trong mắt bà, người thanh niên Trung Quốc từ đỉnh Phụ Bình (Hà Bắc) có dáng người mảnh khảnh như trong tranh thủy mặc của Tống Nguyên, tài hoa thi phú, vô cùng thú vị, tự do phóng khoáng, vừa nghiêm túc vừa hài hước, lại còn lưu giữ được phong cách thi nhân thời Ngụy Tấn, đặc biệt là rất tinh thông văn học cổ điển Trung Quốc; những điều này làm trái tim vốn luôn ngưỡng mộ văn hóa truyền thống Trung Quốc của Gladys rung động không nguôi.
Hai người đã dịch thơ Ly Tao của Khuất Nguyên sang tiếng Anh bằng thể thơ tự sự theo thi pháp Đối ngẫu, điều này đã tạo nên một sự rúng động, thậm chí những nhà Hán học cũng cảm thấy rất tuyệt vời. Tác phẩm này được xem là vật đính ước của hai người, cho đến nay vẫn được đặt trên kệ sách thể loại thơ cổ điển tại thư viện các trường đại học ở Châu Âu.
Gladys từ bỏ chuyên môn về văn học Pháp, chuyển sang văn học Trung Quốc, và trở thành cử nhân Trung văn đầu tiên của Đại học Oxford. Dương Huy Ích cũng bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu văn học Anh; sự cộng hưởng này đã giúp họ tạo nên nền tảng vững chắc cho một tương lai huy hoàng trong giới dịch thuật sau này.
Bức tường trong phòng của Dương Hiến Ích có treo những bức hình về lãnh thổ Trung Quốc qua các triều đại do ông tự vẽ. Đương đầu với quốc nạn, ông đã từ bỏ cơ hội đến Đại học Harvard làm nghiên cứu sinh và trợ giảng; sau khi tốt nghiệp, ông trở về tổ quốc phục vụ. Gladys đã kiên quyết nói: “Dù có khó khăn như thế nào đi nữa, anh đi đâu, em cũng sẽ đi cùng anh”. Người phụ nữ không màng đến thế gian phù phiếm và hư vinh, tính tình giản dị, thanh tao thoát tục, đó chính là điều mà anh yêu thích nhất ở Gladys.
“Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, có một cô gái tóc vàng xinh đẹp vì anh mà xanh xao”, vào kỳ nghỉ năm đó khi du học, trong lúc dạo chơi tại sa mạc Ai Cập, dưới ánh trăng mờ ảo, Dương Hiến Ích đã được một người hướng dẫn biết về toán mệnh nói cho ông biết, “Hai người sẽ gặp nhau và những điều tuyệt vời cũng như cuộc phiêu lưu đang chờ các bạn ở phía trước!”.
Đã là định mệnh, thì sẽ đi cùng nhau. Hai người yêu nhau dù khác biệt về chủng tộc nhưng tâm đầu ý hợp, cùng chung chí hướng; từ đó bắt đầu cùng nhau đối mặt với cả thế giới.
(Còn nữa)
Mai Mai, dịch từ Epochtimes
Xem thêm: