Câu chuyện về bác sĩ tim mạch nổi tiếng nhiều lần chạm mặt thần chết (P1)
Câu chuyện sau đây kể về một người phụ nữ mang trong mình dòng máu trâm anh xuất thân trong một gia đình dòng dõi quan lại triều Nguyễn, có ông cố là tổng lãnh binh được đặc cách chôn cất trên núi Ngự Bình.
Cuộc đời bà xuôi theo dòng chảy thời gian cùng với những thăng trầm thời cuộc đã nhiều lần để lại những dấu ấn như vết ghép nối giữa ranh giới của sống chết. Ở trong bà có sự kiên định kế thừa từ dòng dõi nhà võ binh và một trái tim nhân hậu thuần khiết của một người có tín ngưỡng vào Thần Phật – hòa quyện vào nhau như sự tương hỗ giữa âm và dương – khiến cho bà luôn tràn đầy sinh lực vượt qua những nút thắt của cuộc đời và tìm thấy cho mình ánh sáng tại nơi cuối đường hầm.
Đó là câu chuyện đời của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Thái, nguyên là trưởng khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy, thuộc nhóm thành viên sáng lập Hội tim mạch Việt Nam, và là thành viên Hiệp hội tim mạch Châu Á Thái Bình Dương, hiện đang công tác tại khoa tim mạch bệnh viện An Sinh, thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên khi gặp bà, khó có ai có thể nghĩ được người phụ nữ với khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt tinh anh này đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng có lẽ từ ngạc nhiên sẽ trở thành nghi hoặc nếu một người lạ được nghe bà kể về căn bệnh tim hiểm nghèo vốn theo bà từ thuở nhỏ. Giờ đây, bà đã tìm được một cánh cửa mới khi sức khỏe đã có chuyển biến tốt hơn sau khi vượt qua sinh tử và tìm được niềm vui chân chính.
Lớn lên cùng căn bệnh tim hiểm nghèo
Năm lên 10, bà được bác sỹ chẩn đoán mang trong mình căn bệnh tim (hở van 2 lá) cùng chứng thấp khớp, nó khiến thân thể bà oằn cứng vì thuốc men. Có lẽ do phải đối mặt với bệnh tật từ quá sớm mà bà đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một bác sĩ. Bà học, học miệt mài và cuối cùng thi đậu vào trường y với điểm số đáng mơ ước. Thế rồi những biến động trong cuộc đời bà cũng từ đó trải dài trên hành trình tuổi trẻ và sự nghiệp.
Cú sốc đầu đời xảy đến với bà, khi ấy đương là một cô gái xinh xắn tuổi đôi mươi, háo hức nộp hồ sơ để được bước chân vào ngôi trường mơ ước, nhưng “bác sĩ đặt ống nghe lên thì phát hiện ra tôi bị hở van tim nên không cho học”. Sau quyết định đột ngột ấy, cô gái trẻ đang hân hoan niềm vui bỗng dưng thấy chới với, tưởng chừng như một cánh cửa đóng sập trước mặt mình.
May mắn thay, cô chú gần chỗ xét tuyển thương tình bảo “tội nghiệp con bé vừa giỏi lại vừa xinh, thế mà…”, vậy nên bà được gợi ý lên gặp Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Trung, đương thời là Chủ tịch Hội sức khỏe ngành y, cũng là bác sĩ điều trị cho bà suốt 8 năm qua. Ban đầu, ông Trung không muốn bà theo ngành này, đơn giản vì người mang bệnh tim thì không thể làm bác sĩ; nhưng sau một ngày chờ đợi, ông đổi ý và viết cho bà mấy chữ “thấp khớp, biến chứng tim hở van 2 lá, đã điều trị ổn định, học được”.
Sau buổi gặp mang tính quyết định ấy, bà đã tự thề với lòng mình, thứ nhất là không để ai biết mình bị bệnh tim nữa, thứ hai là nếu đã được học y thì dứt khoát đi khoa tim mạch để tự chữa cho mình. Và cái suy nghĩ đó đã đeo bám theo suốt cả cuộc đời bà.
Khi còn đang đi học, một lần bà bị viêm ruột thừa và buộc phải mổ, suýt tí nữa là căn bệnh mà bà cố công che giấu bị lộ ra, nhưng rồi bà thở phào vì may là các bác sĩ không phát hiện.
Năm 1969, sau khi học xong, bà tự nguyện vào Nam tham gia chiến trường. Với quyết tâm và nhiệt huyết tuổi trẻ, bà rời người chồng mới cưới được 3 ngày để đi B. Khi ấy bà 25 tuổi, là cô gái 39 kí “ốm nhom, ốm nhách”, khoác ba lô lên Ba Vì tập luyện, đeo 11 viên gạch, vượt Trường Sơn đi vào vùng chiến với vai trò là bác sỹ quân y.
Rồi số phận lại đưa bà trở về với con đường học hành. Trong thời gian phục vụ quân đội, bà được đánh giá cao về chuyên môn, bởi từng nhiều lần cứu chữa cho các sỹ quan cấp cao trong chiến trường. Cũng có lẽ vì thế mà bà được cho trở về Hà Nội học thi nghiên cứu sinh dẫu khi ấy chiến trường đang dầu sôi lửa bỏng. Trở về từ tiền tuyến với khuôn mặt xanh xao hốc hác vì suýt bỏ mạng trong cơn sốt rét rừng nguy hiểm, bà mang theo quyết tâm học cho thật tốt. Bà học suốt từ sáng tới tối, miệt mài từ ngày này qua ngày khác để cuối cùng đạt kết quả xuất sắc, và được chọn đi du học 1 trong 3 quốc gia Đức, Nga hoặc Hungary. Tuy vậy, bác sĩ Thái đã chọn trở lại miền Nam, bởi khi ấy chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, và cũng đến lúc bà cùng chồng được đoàn viên sau bao năm trường xa cách.
Và thế là bà mang thai và sinh ra bé gái Thanh Hương, nhưng có lẽ cái nghiệp học hành của bác sĩ Thái chưa kết thúc nên dẫu kết quả thi không được bảo lưu, bà vẫn được cử sang Đức làm thực tập sinh như mong nguyện.
“Sang tới Đức thì tôi có một suy nghĩ là mình xa chồng xa con còn nhỏ ra nước ngoài học thì mình phải đạt được một cái gì đó. Do đó tôi đã cố gắng hết sức làm việc, và đã được Viện Hàn Lâm Khoa học Đức chứng nhận là người có năng lực. Vậy nên họ chuyển tôi từ thực tập sinh sang nghiên cứu sinh, và tôi ở lại thêm 2 năm để làm tốt cái luận án tiến sĩ Đức”.
Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ ở Đức, viện tim mạch Đức muốn giữ bà lại để làm việc, nhưng bà không đồng ý. Bà về nước đảm nhận chức vụ trưởng khoa tim mạch và trưởng khoa xuất cảnh của bệnh viện Chợ Rẫy.
Bà Thái hồi tưởng lại quãng thời gian theo nghiệp học: “Lúc còn học ở Hà Nội, hàng ngày tôi chỉ ngồi trong thư viên từ lúc mở cửa 6h sáng cho đến 9h tối. Trưa chỉ có một ổ bánh mì ăn lấy hơi. Lúc đó tôi có mối quan hệ thông gia với một người đương thời là đại tướng trong quân đội. Nhưng những người quanh tôi không bao giờ biết điều này, tôi không muốn và có suy nghĩ sẽ dùng mối quan hệ nào đó để vươn lên”.
Nguyện vọng muốn giúp ích cho nhiều người
“Lúc tôi ở Đức trở về nước thì dân quá khổ. Thời điểm năm 1982, dân tình rất khổ, lụt lội ở miền Trung, miền Bắc bão táp cũng nhiều. Dân ồ ạt di cư vào trong này, điều kiện lúc đó nhà cửa không có, bệnh tật khắp nơi. Tôi nghĩ, thế thôi mình làm cái gì đó cho người nghèo.
Tôi đề xuất với chùa Vạn Phước ở quận 11 là cho thành lập 1 phòng khám miễn phí ở ngay trong chùa, khám vào Thứ Bảy, Chủ Nhật. Một tuần khám 2 ngày như thế cũng giúp được rất nhiều người nghèo, nhất là những người miền Trung mà lang bạt vào đây. Bởi vì lúc đó tôi cũng là Phật tử, cũng có pháp danh, cũng giúp được rất nhiều chùa, mà những vị sư có bệnh tôi cũng phát tâm giúp đỡ”.
Tuy nhiên chuyện đời quả thật không như ý, bạn bè kể cho bà nghe việc người ta mượn cái danh bác sĩ Thái để thu vén tiền tài cho riêng mình, họ nói: ‘“Cô đem hết sức lực của mình ra để làm việc mà người ta làm như thế thì cô sẽ bị mang tiếng”. Thế nên, hoạt động này đã không thể duy trì được lâu.
Cả đời phục vụ cho hoạt động cứu người, bà Thái luôn tâm niệm bản thân bà giúp được ai là giúp, lúc nào cũng luôn sẵn sàng. Có lẽ, nhờ cái tâm thiện lương này mà bà nhiều lần “đại nạn không chết”.
“Hồi còn trong chiến khu, cô bị sốt rét ác tính mà mọi người cứ nghĩ rằng cô không thể sống được, cô lên cơn sốt rét mà ói ra những thứ hôi thối, tức là bị trào ngược từ dưới đại tràng. Nhưng mà rồi chích thuốc, tiêm tĩnh mạch, cô vẫn qua được”. Đó là thời điểm trước khi bà ra Hà Nội học thi.
Khi sinh bé Thanh Hương là thời điểm mà bà cho rằng mình đã “cầm chắc 100%” cái chết. Bà bị xuất huyết tử cung sau khi mổ lấy con, mất hết máu, huyết áp zero, tim ngưng đập. Để phẫu thuật cứu sống bà, bác sỹ phải dùng hết 15 chai máu truyền để đưa huyết áp lên mức 8. Chưa hết, vừa phẫu thuật tử cung xong thì bà đột nhiên bị sốt rét, sốt 41 độ C, mê man bất tỉnh.
Bà kể: “Các em điều dưỡng ở đấy nó thấy thương quá nó bảo, ‘Trời ơi, cô có biết không, nhìn cô nằm sốt mà tụi con đau lòng lắm, nhưng tiền thì không có, đi mua được 1 lon đậu phộng với mấy cây mía cúng cô hồn ở đầu giường, nhờ tụi con cúng mà cô sống lại đó’”. Vậy là bà thoát chết lần nữa trong 1 ca sinh khó.
Tuy nhiên, cuộc chiến với tử thần chưa dừng lại ở đó, căn bệnh tim mong được che giấu đến khi về hưu, đã buộc bà phải đối mặt khi thời điểm tới. Hai ngày mắc mưa trên đường đến bệnh viện An Sinh, bà mắc bệnh viêm phổi và được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy. Các kết quả kiểm tra chuẩn đoán bệnh đồng nghĩa với việc phơi bày ra trái tim không khỏe mà bà che giấu bao năm qua. Khi các bác sỹ cũng là học trò của bà cầm trên tay bản chụp phim về tình trạng của cô giáo, họ đã sốc và khóc toáng lên; điều mà họ không thể tin được là một bác sỹ tên tuổi về tim mạch lại để cho căn bệnh tim của bản thân đến mức độ này trong thời gian quá lâu đến như vậy. Từ đó dẫn đến chuyện ngược đời là bà với vai trò người bệnh lại phải quay sang trấn an các bác sỹ của mình.
Ở độ tuổi này, có lẽ bà biết thời gian đối với mình không còn nhiều, và sức khỏe để trì hoãn việc điều trị chứng bệnh tim của mình cũng không dồi dào như trước. Ấy thế mà, ông trời trêu người, mỗi lần bà dự định ra nước ngoài mổ tim thì người chồng lại lâm bệnh nặng, tình cảnh của ông cũng vô vàn hung hiểm.
Lần cuối cùng, khi người chồng được bác sĩ thông báo chỉ còn 3 ngày để sống, gia đình bà đã giấu chuyện này và quyết định đưa bà đi phẫu thuật như một ván đánh cược cho tính mạng của bà.
Bài liên quan:
Tinh Hoa