Câu chuyện ngụ ngôn về sự tự tin: Bạn đáng giá bao nhiêu?
Sự tự tin là cách nhận biết được giá trị và sự quan trọng của bản thân bạn. Câu chuyện ngụ ngôn về chiếc nhẫn của nhà thông thái sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn vào chính mình.
Một ngày nọ, chàng trai trẻ đến gặp nhà thông thái và nói: “Con đến xin lời khuyên, vì con đang bị dày vò bởi cảm giác vô dụng và không còn thiết sống nữa. Mọi người nói con là một tên thất bại và ngốc nghếch. Con xin ngài, hãy giúp con!”
Người đàn ông thông thái liếc nhìn cậu thanh niên và trả lời vội vã: “Hãy thứ lỗi cho ta, ta đang rất bận và không thể giúp cậu. Có một chuyện khẩn cấp mà ta cần phải giải quyết…” và ông ngừng lại một lát, suy nghĩ, sau đó nói thêm: “Nhưng nếu cậu đồng ý giúp ta, ta sẽ không quên ơn”.
“Tất … tất nhiên, thưa ngài!” Cậu thanh niên lẩm bẩm, lòng cay đắng khi mối quan tâm của anh một lần nữa bị phớt lờ như không có gì quan trọng. ‘”Tốt”, nhà thông thái nói và lấy ra chiếc nhẫn nhỏ đính viên ngọc tuyệt đẹp từ ngón tay mình.
“Hãy lấy ngựa của ta và đi ra chợ. Ta cần khẩn trương bán chiếc nhẫn này để trả nợ. Cố gắng để có được mức giá tốt, và không được bán nó với bất cứ cái giá nào ít hơn một đồng tiền vàng. Hãy đi ngay bây giờ và trở lại nhanh nhất có thể!”
Cậu thanh niên cầm chiếc nhẫn và phi nước đại. Khi đến khu chợ, anh giới thiệu nó với nhiều thương nhân khác nhau, họ lúc đầu rất hứng thú kiểm tra nó. Nhưng ngay sau khi biết nó chỉ bán để đổi lấy vàng, họ hoàn toàn mất hứng.
Một số nhà buôn cười nhạo chàng trai, những người khác thì quay đi. Chỉ có một thương gia có tuổi là đủ tử tế để giải thích cho cậu rằng một đồng tiền vàng là cái giá quá cao cho một chiếc nhẫn như vậy, và cậu chỉ nên đưa ra giá tiền đồng, hoặc nhiều nhất là bạc.
Khi nghe những lời này, cậu thanh niên rất buồn, vì cậu nhớ tới lời ông lão là không chấp nhận bất cứ thứ gì ít hơn vàng. Sau khi đi hết khu chợ để tìm một người mua trong số hàng trăm người, cảm thấy hoàn toàn thất vọng bởi sự thất bại của mình, cậu đành quay về gặp nhà thông thái.
“Thưa ngài, con đã không thể thực hiện yêu cầu của ngài”, cậu nói. “Cao nhất thì con có thể có được vài đồng bạc, nhưng ngài nói không đồng ý với bất cứ thứ gì ít hơn vàng! Tuy nhiên, họ nói với con rằng chiếc nhẫn này không đáng giá đến vậy”.
“Đó là một điểm rất quan trọng, chàng trai của ta! Trước khi cố gắng bán một chiếc nhẫn, sẽ không tồi nếu xác định xem giá trị thực sự của nó là bao nhiêu. Và ai có thể làm điều đó tốt hơn một người thợ kim hoàn? Hãy đến chỗ ông ấy và tìm hiểu giá trị thực của chiếc nhẫn. Không được bán nó bất kể ông ấy đưa ra giá bao nhiêu. Thay vào đó, hãy đi thẳng về đây gặp ta”.
Chàng thanh niên trẻ tuổi một lần nữa nhảy lên lưng ngựa và đi tìm gặp thợ kim hoàn. Sau khi kiểm tra chiếc nhẫn qua kính lúp trong thời gian dài, rồi cân nó trên một cái cân nhỏ, cuối cùng, ông quay sang cậu thanh niên và nói:
“Hãy nói với thầy của cậu rằng ngay bây giờ tôi không thể trả cho ông ta hơn 58 đồng tiền vàng cho chiếc nhẫn. Nhưng nếu cho tôi một thời gian, tôi sẽ mua nó với giá 70 đồng”.
“70 đồng tiền vàng?” cậu thanh niên la lên. Cậu cười, cảm ơn người thợ kim hoàn và vội vã quay trở lại chỗ nhà thông thái với tốc độ nhanh nhất có thể. Khi nghe cậu chuyện từ cậu thanh niên giờ đã tràn đầy hứng khởi, ông nói:
“Chàng trai của ta, hãy nhớ rằng cậu cũng giống như chiếc nhẫn này. Quý giá và độc nhất! Chỉ có người am hiểu mới có thể đánh giá đúng giá trị thực của cậu. Vậy tại sao lại lãng phí thời giờ lang thang hết khu chợ và để ý đến ý kiến của những người bình thường kia?”
Theo BrightSide