“Câu chuyện mùa đông”: Một cái nhìn về lòng nhân đạo của chúng ta
Vở ba-lê “Câu chuyện mùa đông” đang được Đoàn Ba-lê Quốc gia Canada trình diễn từ ngày 10-19/11 ở Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Four Seasons ở Toronto, Canada, là câu chuyện về tình yêu, sự ghen tuông và sự kỳ diệu của gia đình với sự kết hợp của hài kịch, bi kịch và lãng mạn.
Sau đây chúng ta hãy cùng nghe vũ công chính Harrison James trao đổi về những nguy hiểm của cảm xúc con người thông qua tác phẩm này nhé.
Đối với Harrison James, khả năng thể hiện rất nhiều nhân vật thông qua vũ điệu là một trong những trải nghiệm đáng quý nhất trong cuộc đời anh. Từ thời thơ ấu, cậu bé người New Zealand này đã nuôi dưỡng niềm đam mê của mình với ba-lê thông qua tính kỷ luật, sự hy sinh và làm việc chăm chỉ. Những nỗ lực của anh không chỉ giúp anh có được một sự nghiệp thành công – bây giờ anh là vũ công chính với Đoàn Ba-lê Quốc gia Canada – mà còn nuôi dưỡng trí tuệ và nội tâm của anh về cuộc sống.
James nói: “Bạn thực sự sống những cuộc đời này và trong những câu chuyện khác nữa, và tôi nghĩ rằng điều đó thực sự có thể dạy cho tôi những điều ý nghĩa để làm một con người”.
Tháng 11 này, James có lần trình diễn đầu tiên trong vai Leontes, vua của Sicily, khi Đoàn Ba-lê Quốc Gia quay trở lại sân khấu qua vở “Câu chuyện mùa đông” (The Winter’s Tale) của Christopher Wheeldon, được chuyển thể từ kịch của Shakespeare. Nhân vật này là một con người mạnh mẽ, trải qua những bất ổn tâm lý nghiêm trọng trong suốt buổi diễn mà James nói đó là tiếng chuông của người nghệ sĩ.
Anh nói: “Cuối cùng bạn kiệt sức sau khi trải qua rất nhiều cảm xúc”, nhưng đây vẫn là một quá trình trọn vẹn. “Nó giúp bạn nhận thức rõ hơn về những điều có thể bạn đang làm trong cuộc sống thực”.
James nói rằng anh thường xuyên nhận thức được những thiếu sót của bản thân thông qua những câu chuyện mà điệu nhảy của anh thể hiện.
“Có những lúc tôi phát điên [trong cuộc sống hằng ngày]. Rồi bạn đứng sang một bên và nhận ra rằng đó là những cảm xúc đã dẫn dắt suy nghĩ và hành động của bạn”, anh nói.
“Thật thú vị, tôi nghĩ khi bạn lớn tuổi hơn, bạn có thể thấy bản thân đang trải qua những cảm xúc và hành động như thế này, nhưng bạn vẫn không thể kiểm soát những gì bạn đang làm, chỉ vì đó là điều một người phải trải nghiệm. Nó thực sự không phải là thứ gì bạn có thể hủy bỏ hoặc ném đi. Bạn phải trải qua những cảm xúc như vậy”.
Diễn tả sự ghen tuông
“Câu chuyện mùa đông” của Wheeldon với sự hợp tác giữa Đoàn Ba-lê Hoàng gia Anh và Đoàn Ba-lê Quốc gia Canada, đã được ra mắt vào tháng 4/2014 ở Anh, sau đó đến Toronto, Canada vào mùa thu năm 2015. Nhà biên đạo người Anh này đã phỏng theo vở kịch của Shakespeare thành một vở ba-lê đủ độ dài, kết hợp âm nhạc được làm riêng cho vở này của nhà soạn nhạc Joby Talbot .
Vở ba-lê ra mắt với sự hân hoan tái ngộ của hai người bạn thời thơ ấu, Leontes – Vua Sicily, và Polixenes – Vua của Bohemia. Tuy nhiên, tình cảnh trở nên trớ trêu khi Leontes nghi ngờ Polixenes đang có quan hệ với vợ mình là Hermione, và kết tội Polixenes là cha của đứa con chưa được sinh ra của mình. Mặc dù không có bằng chứng nhưng Leontes vẫn tin là họ có tội. Điều này khiến anh phá vỡ tình hữu nghị và xé tan hạnh phúc gia đình theo cách không thể hàn gắn được.
James nói: “Đó thực sự là một câu chuyện về những người bị nô lệ bởi cảm xúc”. Anh là người đầu tiên đóng vai Polixenes năm 2015, và hiện đang đóng vai này và cả vai Leontes vào những thời điểm khác nhau.
“Trong câu chuyện này, Leontes không cần phải làm người xấu. Anh ấy chỉ cần vượt qua những cảm xúc và nghi ngờ, và có lúc anh ấy không thể thực sự kiểm soát hành động của mình”, anh nói.
Theo James, khả năng diễn đạt câu chuyện và cảm xúc của Wheeldon thông qua chuyển động cơ thể có thể nhìn thấy được trong suốt vở ba-lê, và lưu ý rằng sự tiến triển cảm xúc của Leontes rất rõ ràng khi câu chuyện hé mở.
Mối nghi ngờ đầu tiên len lỏi vào trái tim của nhà vua khi Hermione đang mang thai nắm tay ông và bạn ông rồi đặt lên bụng cô để họ có thể cảm nhận được em bé đang đá.
“Mọi người đứng im trong khoảnh khắc đó và sân khấu chuyển sang màu xanh lá cây. Nó truyền tải cảm giác ghen tuông này, và [Leontes] múa một mình với bàn tay đáng sợ này đến gần ông”, James nói.
Nhà vua cố gắng hành động như không có gì, nhưng dần dần sự điên cuồng lên cao. “Bạn có thể nhìn thấy ở giai đoạn này, tâm trí ông đang chơi khăm chính ông, và ông nhìn thấy cảnh gian díu trong tâm trí của mình, mặc dù nó không xảy ra. Từ đó, nó tiến triển nhiều hơn và nhiều hơn nữa cho đến khi ông bị thuyết phục tuyệt đối rằng vợ ông và người bạn tốt nhất trên đời đã hoàn toàn phản bội ông”, anh nói.
Wheeldon miêu tả sự ghen tuông của Leontes một cách rất rõ ràng – cử động của nhân vật dần dần trở nên ít giống người hơn, cho đến khi giống với một con nhện.
“Khi bạn nghĩ đến những cảm xúc đang lan tràn trên da của bạn, khiến bạn ngứa ngáy, hoặc có ý nghĩa muốn cào nát trong tâm trí bạn – ông ấy đã có những giây phút đó với những thứ này đang bò trên người và ông ấy không thích nó. Ông ấy đang cố đẩy nó đi và tránh xa nó ra. Ông luôn chiến đấu suốt với nó, rồi ông rơi vào tình trạng hỗn loạn và điên rồ. Ông ấy đang chiến đấu với những cảm xúc này”, James nói.
“Khi bạn nghĩ về ghen tuông, đó là một cảm xúc xấu xa, một loại cảm xúc tổng hợp. Nó thực sự khó ưa, và tôi nghĩ rằng tất cả những hình ảnh bạn có sẽ bị bóp méo qua lăng kính của cảm xúc này. Và đó là cách câu chuyện dễ dàng được diễn đạt và kể ra hơn. Nó giống như sự tượng thanh, nhưng được kết hợp với các vũ điệu”.
Trong hồi cuối của vở ba-lê, giống như nhiều vở kịch khác của Shakespeare, vua Leontes đau khổ có một cơ hội chuộc tội khi ông phát hiện ra rằng vợ ông, người mà ông nghĩ là đã chết, thực sự vẫn còn sống nhưng đã lẩn trốn trong 16 năm trời.
- James cho biết, hồi cuối mang lại niềm vui và sự tái sinh cho vị vua biết hối cải, nhưng nó cũng báo hiệu cái giá ông phải trả để có được sự tha thứ của Hermione.
“Họ có một màn múa ba-lê đôi diễn tả cuộc hội ngộ tốt đẹp, nhưng tôi vẫn nghĩ cuối cùng vua Leontes sẽ phải rất vất vả mới lấy lại được niềm tin của cô”.
- Bạch Vân, theo Epoch Times