Câu chuyện dệt tầm ma thời hiện đại: Trái tim kim loại đầy ý nghĩa
Người nghệ sĩ này đã dành 1.000 giờ đan dây đồng dây thiếc thành bản sao đầy đủ và chính xác một trái tim người. Càng cảm động hơn khi biết thông điệp mà tác giả muốn truyền tải cho mọi người.
Cô Anne Mondro tuy không phải là bác sĩ giải phẫu nhưng cô đã hoàn thành một “mô hình giải phẫu” của riêng mình một cách chính xác và tỉ mỉ. Phương pháp cô chọn dùng để làm nên tác phẩm là đan sợi, nhưng không phải dùng sợi len mà là dây kim loại.
Điều này khiến người ta liên tưởng đến cô công chúa xinh đẹp Liza trong truyện “Bầy chim thiên nga” đã dùng cây tầm ma để đan áo cứu sống các anh trai của mình. Chính vì thế, mục đích của cô cũng hướng đến ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc: kết nối những trái tim.
Mondro là Phó giáo sư, Trường Nghệ thuật và Thiết kế tại Đại học Michigan. Cô đã dành một năm nghiên cứu về giải phẫu của trái tim để đảm bảo tính chính xác cho tác phẩm của mình. Cô còn sử dụng mô hình phần mềm 3D cho phép quan sát toàn cảnh trái tim.
“Đây là công việc rất cá nhân”, nghệ sĩ giải thích.
Trong trại dưỡng lão, cô quan sát những người già bị mất trí nhớ và người điều dưỡng chăm sóc họ. Giữa họ có một mối quan hệ khăng khít của tình thân yêu, hai bên hòa quyện vào nhau. Mỗi người đều có yếu điểm nhưng họ sẽ trở nên mạnh mẽ khi nương tựa vào nhau. Khi cô nghĩ về mối quan hệ này, điều gì đã khiến hai người gắn bó với nhau. Đó là điều cô muốn thể hiện thông qua tác phẩm của mình.