Cầu 7.300 tỷ lún võng, vẫn có thể chạy 100 km/h?
Trước việc tài xế phản ánh tình trạng lún trên cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh), chủ đầu tư khẳng định hiện tượng này đã có từ trước khi thông xe và vẫn đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua cầu an toàn với tốc độ 100 km/h, đúng theo thiết kế ban đầu.
Sau 2 tháng thông xe, cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) bị nhiều tài xế phản ánh về hiện tượng võng mặt cầu khiến xe dập dềnh, di chuyển không êm thuận.
Cầu có biển báo tốc độ 100 km/h nhưng tài xế chỉ dám lưu thông tốc độ 50 – 60 km/h do mặt cầu lượn sóng.
Chạy 120 km/h vẫn an toàn?
Ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng khẳng định, tài xế có thể chạy qua cầu với tốc độ 120 km/h mà vẫn an toàn.
Theo ông Oánh, việc mặt cầu bị võng có nguyên nhân từ sự chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm. Chủ đầu tư đã phát hiện tình trạng này ngay từ khi công trình hợp long (tháng 4/2018).
Đơn vị thi công dự định tiến hành bù vênh ngay lúc đó nhưng các chuyên gia, tư vấn và các bên liên quan cho rằng, cần thời gian theo dõi khi công trình đi vào khai thác ổn định mới tiến hành sửa chữa.
Ông Oánh khẳng định, không phải do khai thác rồi xảy ra lún võng. Tình trạng này thường xảy ra khi thi công các cầu dây văng, nhất là cầu dây văng 3 trụ tháp như cầu Bạch Đằng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quảng Ninh cho biết, ngay trong sáng 4/11, ông lên cầu Bạch Đằng để xác minh thông tin.
“Đồng ý với vấn đề báo chí đặt ra. Về việc cắm biển quy định tốc độ, nếu thấy chưa hợp lý tôi sẽ yêu cầu xử lý ngay”, ông Tùng khẳng định.
Phóng viên liên hệ với Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh thì ông này cho biết, Sở đã xác minh việc lún, võng ở cầu Bạch Đằng. Khi được hỏi kết quả vụ việc thì ông hẹn trả lời vào dịp khác.
Hiện, cầu Bạch Đằng đã được nghiệm thu để đưa vào sử dụng và tiến hành thu phí với mức 35.000 – 180.000 đồng/lượt.
Sẽ bù vênh vào thời điểm thích hợp
Cầu Bạch Đằng là một trong những cầu dây văng lớn nhất cả nước. Cầu có chiều dài gần 5 km (tính cả đường dẫn), mặt cầu rộng 25 m, tổng vốn đầu tư gần 7.300 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, cầu chính thức khánh thành thông xe vào đầu tháng 9/2018.
Theo chủ đầu tư công trình, hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc chỉ xảy ra ở vị trí trước và sau hai khối hợp long. Tại những vị trí này có hai cánh đúc hẫng, đáng ra phải khít nhau khi đúc, đến lúc đổ khối hợp long sẽ bằng nhau.
Khác với cầu đúc hẫng thông thường, đơn vị thi công có thể căn chỉnh từ trướ. Tuy nhiên, cầu Bạch Đằng thuộc dây văng 3 trụ khiến việc điều chỉnh khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long.
Ông Oánh khẳng định, chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc nằm trong phạm vi cho phép, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua cầu an toàn với tốc độ 100 km/h, đúng theo thiết kế ban đầu.
“Tuần sau, chủ đầu tư sẽ họp với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án, thời điểm bù vênh phù hợp cho cầu Bạch Đằng“, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Theo Zing News