Cao Trí Thịnh (Kỳ III): Vợ và hai con có từng hận ông?
Cao Trí Thịnh, vị luật sự nhân quyền người Trung Quốc, được đông đảo người dân thế giới biết đến. Ông được coi như một biểu tượng tiên phong của thời đại, khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc e sợ, nhưng lại khiến triệu người dân ngưỡng mộ…
Trong kỳ II, chúng ta đã đặt ra một câu hỏi rằng: “Người ta không thể hiểu được lý do tại sao con người ấy, bất chấp sự tan vỡ của gia đình, bất chấp những tra tấn dã man, lại vẫn có thể kiên cường bảo vệ chính nghĩa không quay đầu”.
Vậy liệu vợ và hai con Cao Trí Thịnh có từng hận ông? Và ông đã để lại những gì trong lòng họ? Trong kỳ này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những điều nghiệt ngã đã xảy ra với gia đình luật sư Cao Trí Thịnh cũng như tình cảm mà họ dành cho ông.
“Cháu sẽ nói gì nếu được gặp cha?”
“Cháu sẽ khóc nhiều lắm vì cuối cùng cũng được nhìn thấy cha”.
“Cháu thường mơ thấy cha mình mất. Mỗi lần như vậy cháu lại ước được gặp cha, và nói với ông rằng mình yêu ông, vì cháu chưa từng làm như vậy”.
Đó là câu trả lời của Cao Thiên Dục và Cảnh Cách, hai con của luật sư Cao Trí Thịnh.
Ngày Cao Trí Thịnh bị bắt lần đầu tiên vào năm 2006, Thiên Dục mới lên 2, còn Cảnh Cách mới được 13 tuổi…
Hôm đó, nhà của luật sư Cao ở Bắc Kinh bị lục soát. Cảnh sát mang đi tất cả đồ điện, điện thoại, tài liệu, và sổ tiền gửi để có thể rút tiền từ ngân hàng. Họ chỉ để lại một chiếc TV và 300 Nhân dân tệ, tương đương với 1 triệu VNĐ. Sau đó, một đội cảnh sát chuyển vào căn hộ để giám sát vợ và hai con của ông Cao 24/7.
Vợ ông Cao, bà Cảnh Hòa kể lại trong bộ phim “Vượt qua sợ hãi” như sau:
“Tôi yêu cầu họ tắt đèn vào buổi tối vì lũ trẻ không ngủ được khi đèn sáng. Họ không cho phép. Họ thậm chí còn ngồi ngay tại phòng ngủ, để cửa mở. Mỗi phòng đều có cảnh sát. Thậm chí khi chúng tôi tắm hay đi vệ sinh, một cảnh sát cũng túc trực ở đó trông chừng”.
Cuộc tấn công nhắm vào luật sư Cao và người thân của ông đã được dàn dựng kỹ lưỡng và được thi hành trên toàn quốc. Vào ngày Cao bị bắt cóc, cảnh sát đã bao vây người thân của ông ở quê nhà Thiểm Tây. Còn hàng chục người lạ mặt khác thì theo dõi họ hàng bên ngoại của Cao ở Tân Cương.
Một vài ngày sau, rất nhiều nhân sĩ ủng hộ nhân quyền quen biết Cao đã bị quản thúc tại gia, hoặc bị cảnh sát đưa đi, hoặc bị du côn đánh đập đến trọng thương phải nhập viện.
Trong lần bị bắt đầu tiên đó, vợ con của ông đã trở thành sức ép tinh thần lớn nhất đối với ông. Khi ông tuyệt thực, người thẩm vấn đơn giản cho Cao biết rằng vợ con ông sẽ không có lấy một giọt nước chừng nào ông chưa chịu ăn… Sốc vì điều đó, Cao đã ngừng tuyệt thực.
Trung thu 2006, cảnh sát đưa Cảnh Hòa đến gặp ông Cao. Đó cũng là ngày sinh nhật bà, và họ gây áp lực buộc bà van xin chồng đầu hàng. Họ đối xử với hai đứa trẻ tàn tệ trước mặt Cảnh Hòa, và đe dọa hủy hại tương lai chúng.
Ông Cao kể lại:
Cảnh Hòa, không phải là tôi thích như vậy, nhưng bà ấy thuộc về mẫu phụ nữ truyền thống, rất tôn trọng và nghe theo chồng. Bà ấy có cái đức hạnh đó, chưa bao giờ đòi hỏi, luôn nghe lời tôi. May mắn là, tôi không phải một người chồng tồi. Tôi luôn bảo vệ và chưa bao giờ đối xử tệ với bà ấy…
Vậy mà bà ấy đột nhiên đứng dậy và khom lưng…
“Em xin ông, Cao à!”
Tôi đã khóc khi bà ấy làm vậy.
Tôi nói: “Nói đi, nới với anh tất cả xem”.
Cô ấy nói: “Ông có biết em và bọn trẻ… đang phải sống như thế nào không?”
Tôi nói: “Anh không muốn biết… Anh không muốn biết”.
Rồi tôi nói: “Anh chắc chắn là em hiểu vì sao anh không muốn biết bây giờ”.
Rồi cô ấy nói: “Cao à, em cầu xin ông! Chỉ một lần này thôi! ông có thể dừng suy nghĩ về mọi thứ và sống vì chúng em một vài năm không?”.
Không ngần ngại, tôi đã trả lời: “Không sao cả… Không gì có thể đặt lên trên mong muốn này của em, vì nó là ước muốn cơ bản nhất… Em đang yêu cầu cha của hai đứa trẻ và chồng của mình… Không sao cả, anh sẽ sống vì em… Từ bây giờ anh sẽ sống vì em”.
Đó là những gì Cao Trí Thịnh và vợ ông nói trong buổi tối nghiệt ngã đó.
Sáng ngày 14/11 sau cuộc gặp giữa Cao và vợ, những mật vụ có nhiệm vụ theo dõi Cảnh Hòa đã đánh đập bà ngay trên phố, sau khi bà yêu cầu họ đừng đi quá gần.
Biết chuyện, Cao bỏ ăn, và yêu cầu được gặp người thẩm vấn. Họ yêu cầu Cao phải viết bản ăn năn, tuyên bố rằng những gì Cao điều tra được về Pháp Luân Công là bịa đặt. Lúc đó, ông đã phản ứng một cách gay gắt:
“Vậy thì vợ con tôi có thể chết đói. Nếu không thể thương lượng về vấn đề này, thì đi mà bỏ đói vợ con tôi đến chết đi”.
Đánh đập, cấm ngủ, thẩm vấn, làm nhục, và bị còng ở một tư thế đau đớn trong suốt 590 giờ, cũng không làm Cao gục ngã. Nhưng ông không thể chịu đựng được việc gia đình mình bị giày vò.
Vậy là, để lấy lại 5.000 Nhân dân tệ cho vợ con từ số tiền của bản thân bị thu giữ và đảm bảo họ không bị ngược đãi, Cao bắt đầu viết tuyên bố ăn năn. Chỉ trong một tuần, một nửa mái tóc ông bạc trắng. Tuy nhiên, “bên trên” vẫn không hài lòng với bản tuyên bố đó. Cuối cùng, họ viết sẵn cho Cao một bản, yêu cầu ông chép lại.
Cao tâm sự:
“Tôi chép lại… Tôi ngừng suy nghĩ… Nhưng… sự đau đớn cùng cực trong nội tâm minh chứng rằng lương tâm của tôi vẫn chưa bị vấy bẩn. Những ngày đó thật là đau đớn!”
Sau 4 tháng bị giam, Cao trở về. Đó là một cuộc đoàn tụ gia đình buồn vui lẫn lộn. Con gái ông, Cảnh Cách, gợi ý cả nhà tới nhà hàng để ăn mừng. Trên đường đi, không ai nói được gì. Thế rồi, bé Thiên Dục mở lời: “Ba ba, những ngày xấu vậy là hết rồi phải không? Từ nay trở đi chúng ta sẽ chỉ có những ngày tốt?”
Từ từ, Cao nhắc lại lời con: “Ừ, những ngày xấu đã qua rồi. Từ nay trở đi, mỗi ngày đều là một ngày tốt”…
Nhưng rồi từ đó trở đi, tai họa vẫn liên tiếp ập đến với gia đình Cao Trí Thịnh…
Cao viết trong lá thư ngỏ gửi tới quốc hội Mỹ vào năm 2007, trước dịp Olympic Bắc Kinh như sau:
“Ngày hôm nay, khi chúng ta đang chờ đón Olympic Bắc Kinh, thì tôi mong các ngài hãy chú ý tới thảm kịch nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc, và mong rằng các ngài sẽ gửi rộng lời thỉnh cầu của tôi tới toàn thế giới. Các ngài hãy nghiêm túc nghĩ về viễn cảnh đạo đức, công lý, và nhân đạo cho nhân loại ngày nay, cũng như mức độ mà những giá trị đó bị chà đạp tại Trung Quốc. Trong một thế giới nơi giới chính trị chủ lưu đặt lợi ích lên trên hết thảy, nơi đạo đức bị khinh bỉ, chúng tôi đã cố gắng trong vô vọng để yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế thực hiện đúng bổn phận của mình.
Tuy nhiên tôi vẫn muốn thổ lộ lòng mình theo cái cách mà suýt nữa đã làm gia đình tôi tan nát. Tôi muốn để cộng đồng quốc tế thấy điều gì đang diễn ra tại Trung Quốc. Những cảnh tượng ‘sinh động’ đang diễn ra song song với sự chuẩn bị cho Thế vận hội lại hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần Olympic. Mặc dù có lẽ vào thời điểm hiện tại người ta còn đang bận chúc tụng nhau về những gì họ đạt được từ Thế vận hội sắp tới. Tôi lựa chọn con đường này, bất chấp những hiểm nguy sẽ tới, bởi vì tôi cho rằng đó là nghĩa vụ của tôi khi là một con người và khi là một người dân Trung Quốc”.
Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc cũng là lúc Cảnh Cách nhận được lời từ chối nhập học của tất cả các trường trung học – chỉ vì cha em là một nhà hoạt động nhân quyền. Cô bé 15 tuổi trở nên tuyệt vọng, tìm cách tự hành hạ bản thân, và tìm cách tự tử…
Tháng 2/2009, mệt mỏi vì nhiều năm bị quấy nhiễu và giám sát, Cảnh Hòa và hai con trốn thoát khỏi mật vụ và tới Thái Lan, rồi tới Mỹ. Kể từ đó tới nay, Cao Trí Thịnh một mình ở lại Trung Quốc, dù rất muốn được gặp vợ con. Cảnh Hòa và con gái tiếp tục kêu gọi, yêu cầu cộng đồng thế giới chú ý đến cảnh ngộ của Cao Trí Thịnh, chú ý đến thảm kịch nhân quyền ở Trung Quốc, và mong chờ một ngày gia đình sẽ đoàn tụ.
Cảnh Hòa chia sẻ về những tâm sự khi gia đình còn đang bên nhau:
“Cao luôn muốn làm không khí gia đình trở nên ấm áp. ông ấy chơi với lũ trẻ, Cảnh Cách và Thiên Dục. ông ấy nghĩ ra các trò chơi, và chạy với lũ trẻ, vui đùa với chúng. Nhưng tôi không bao giờ tham gia. Hình như nó không phù hợp với tính tôi cho lắm. Hơn nữa trong tâm tôi rất nặng nề, vì… những gì ông ấy phải trải qua cứ quanh quẩn trong đầu tôi, khiến tôi không thể nào quên được”.
Nói về những gì mình đã trải qua, những gì đã xảy ra với gia đình, và đặc biệt là những lần tra tấn của cảnh sát mật, ông Cao kể:
“Tôi đã tâm sự với lũ trẻ rằng, cho đến chết tôi cũng sẽ không thể quên được… Đôi khi tôi giật mình tỉnh giấc trong đêm và nhớ lại, cũng có lúc là khi đang rửa bát trong bếp. Chúng cứ tràn về trong tâm trí tôi. Tôi không có ý nói về những điều ác nghiệt đã xảy ra với tôi.
Điều khiến tôi bị ám ảnh là sự tồn tại của nó tại Trung Quốc, giữa thanh thiên bạch nhật, và việc nó được thực hiện bởi những người đại diện cho đất nước và chính quyền, những kẻ ‘đại diện cho nhân dân’, mang ‘quyền lực của nhân dân’. Đó là điều kinh hoàng nhất”.
Cao Trí Thịnh đã từng viết bản ăn năn, đã từng sợ hãi cảnh gia đình tan vỡ, nhưng ông đã vượt lên sợ hãi, đã tuyên bố về tội ác của chính quyền, đã phủ nhận sự thỏa hiệp với kẻ ác, đã chịu đựng những lần tra tấn vô nhân tính, và đã kiên định chính nghĩa không quay đầu. Tại sao gia đình không hận Cao Trí Thịnh? Vì những gì xảy ra với vợ con Cao không phải là do ông gây ra, mà chính là do một chính quyền bạo ngược cưỡng ép tạo thành…
“Cháu sẽ khóc nhiều lắm vì cuối cùng cũng được nhìn thấy cha”.
“Cháu thường mơ thấy cha mình mất. Mỗi lần như vậy cháu lại ước được gặp cha, và nói với ông rằng mình yêu ông, vì cháu chưa từng làm như vậy”.
Nếu như Cao Trí Thịnh đồng ý thỏa hiệp với kẻ ác, thì vợ con ông sẽ nhìn nhận ông ra sao? Nếu Cao Trí Thịnh đồng ý im lặng thì ông sẽ để lại di sản gì trong lòng những đứa trẻ?
Lời chia sẻ từ tận đáy lòng của Thiên Dục và Cảnh Cách chính là một minh chứng rằng, cả hai đều hiểu, yêu thương và tự hào khi có được một người cha chính nghĩa là Cao Trí Thịnh.
(Còn tiếp…)
Theo Trithucvn.net